- Phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2012-2103 tại Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn HN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lo lắng chuyện hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử và yêu cầu cấp bách phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống khai giảng năm học 2012-2013 tại Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn HN (ĐHQGHN) sáng 14/9.

Năm học 2012-2013 là năm Trường ĐH Khoa học xã hội&Nhân văn HN (ĐHQGHN) kỉ niệm 67 năm thành lập. Hơn 30.000 cử nhân, hàng nghìn thạc sĩ và hàng trăm tiến sĩ được trường đào tạo đã lao động sáng tạo, cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do và thống nhất của tổ quốc và vì sự phát triển của đất nước.

Phát biểu trong lễ khai giảng sáng 14/9 của trường, Chủ tịch nước yêu cầu: “Nhiệm vụ hàng đầu của trường là phải nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung cách dạy và học, đổi mới cách thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập để tạo nên sự hứng thú, say mê, phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập của sinh viên, học viên.

Đồng thời hết sức chú ý xây dựng môi trường lành mạnh trong nhà trường, giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho sinh viên-học viên, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, thực chất, không chạy theo hình thức theo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện”.

Trước thực trạng một số năm gần đây có tình hình học sinh phổ thông không hứng thú học môn Lịch sử và trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH có khá nhiều điểm 0 ở môn học này gây nên sự lo ngại của xã hội về sự thiếu hiểu biết về lịch sử dân tộc của thế hệ trẻ, Chủ tịch nước đề nghị: “Với khả năng của mình cần tham gia tích cực, có hiệu quả vào giải quyết vấn đề này”.

  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay, hỏi thăm sức khỏe GS. Đinh Xuân Lâm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải có những nghiên cứu cơ bản về lịch sử, văn hóa, đất nước con người Việt Nam cũng như nghiên cứu các nước và khu vực trên thế giới; cả nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta ngày hôm nay.

Dù đề tài nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng, tính khoa học và thực tiễn cao.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, Chủ tịch nước đề nghị nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giáo viên lực lượng quyết định tạo nên chất lượng và uy tín của nhà trường.

Nhấn mạnh vai trò của tổ chức đảng trong nhà trường, Chủ tịch yêu cầu “phải kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị-đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ đảng viên, sinh viên-học viên, không để tiêu cực dưới bất cứ hình thức nào xảy ra trong nhà trường của chúng ta”.

Điều này, nếu xảy ra, theo Chủ tịch nước: “Sẽ làm tổn hại lớn đến chất lượng giáo dục đào tạo, uy tín của nhà trường và sẽ ảnh hưởng tác động lớn đến xã hội”.

Tại đây, Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ GD-ĐT đổi mới cơ chế quản lí, nâng cao tính tự chủ đồng thời nâng cao trách nhiêm của nhà trường, tạo điều kiện cho nhà trường thu hút được các tài năng, tâm huyết trong nước và nước ngoài để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường.

  • Văn Chung (ghi)