Hôm 19/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với cán bộ giảng viên ĐH Duy Tân, TP Đà Nẵng và hàng trăm học viên thuộc diện nhân tài về việc làm thế nào để đào tạo và giữ chân được nhân tài.
Hoa hậu Thu Thảo nhận học bổng nhân tài
Nhân tài và khát vọng thương hiệu toàn cầu
Tại sao nông dân mơ con làm ông to, bà lớn?
Nhân tài và khát vọng thương hiệu toàn cầu
Tại sao nông dân mơ con làm ông to, bà lớn?
Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trong buổi đối thoại với cán bộ, giảng viên ĐH Duy Tân Đà Nẵng ngày 19/9. Ảnh: Dân trí |
Phải đi tìm người tài
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đề xuất một số giải pháp đào tạo và phát triển nhân tài như: tìm thầy giỏi để có trò giỏi, tuyển dụng hoàn toàn dựa vào năng lực, chú trọng vào chất lượng đào tạo, liên kết với cơ sở nước ngoài để đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.
Trong buổi nói chuyện, ông Thanh khẳng định: “Những người được đào tạo ra có năng lực thực sự sẽ rất dễ dàng tìm việc làm ở Đà Nẵng. Đà Nẵng tuyển người dựa hoàn toàn vào năng lực. Ở Đà Nẵng anh nào làm tốt, có năng lực thì đưa lên, không có chuyện chung chi. Tôi cũng mạnh dạn nói không với tình trạng mua quan, bán chức ở Đà Nẵng…”.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ĐH Duy Tân cần có những giảng viên giỏi thì mới có được những sinh viên giỏi. Ông khuyên trường không nên “ham số lượng mà phải đặc biệt chú trọng vào chất lượng đào tạo. Chỉ có chất lượng thực sự mới xoá được sự phân biệt của xã hội về trường công, trường tư…, mới không bị doanh nghiệp phân biệt đối xử”.
Cấp bậc bằng cấp chưa hẳn quyết định chất lượng đầu ra của SV, một SV trung cấp có thể có năng lực tốt hơn SV cao đẳng ở một số đơn vị đào tạo khác – ông Thanh nhận định.
Về vấn đề “chiêu hiền đãi sĩ”, Bí thư Đà Nẵng cho rằng chính tổ chức phải đi tìm những người có năng lực, chứ không phải chỉ ngồi đợi ứng viên tới. Một trường ĐH cũng vậy. Khi chất lượng đầu ra của trường đã đảm bảo, các nhà tuyển dụng sẽ “đặt hàng” ngay từ khi SV còn ngồi trên giảng đường, chứ SV ra trường không phải vác đơn đi xin việc.
Ông Thanh cho biết Đà Nẵng sẽ tập trung vào phát triển du lịch trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng định hướng xây dựng một thành phố điện tử, phát triển mạnh về công nghệ thông tin. Vì thế, nguồn nhân lực phục vụ những ngành này là rất cần thiết, trường ĐH Duy Tân nên định hướng đào tạo hai ngành này để phục vụ nhu cầu của thành phố.
“Trường phải có hướng đi rõ ràng trong đào tạo, biết nhắm đến những nhu cầu mà TP đang cần, để phục vụ cái cần đó; đừng đào tạo tràn lan, mở tùm lum ngành rồi sinh viên ra trường không có việc làm, rất phí”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cho rằng nhân lực ngành du lịch của thành phố đang thiếu trầm trọng, đồng thời đề xuất nhà trường nên liên kết với nước ngoài để đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp đội ngũ này.
Về phía thành phố, ông Thanh hứa TP Đà Nẵng sẽ giúp trường trong vấn đề bố trí nhà ở, chính sách đãi ngộ để trường có thể thu hút giảng viên giỏi ở các nơi.
Học viên nhân tài thi biên chế sau 1 năm
Cùng ngày, nói chuyện với hàng trăm học viên diện thu hút nhân tài, trước ý kiến của một học viên “qua 3 đợt thi công chức nhưng vẫn chưa được quận xét tuyển, cử đi vì phải nhường chỗ cho những người “công tác lâu năm”, Bí thư Nguyễn Bá Thanh đề nghị “Sở Nội vụ, Ban tổ chức Thành ủy cần thay đổi cách thi biên chế hiện nay, không thể tổ chức các đợt thi tuyển chung giữa cán bộ nhân viên diện tuyển dụng và diện thu hút nhân tài”.
Cụ thể, học viên sau 1 năm công tác được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đủ điều kiện dự thi biên chế. Sở Nội vụ trực tiếp gửi giấy báo triệu tập học viên dự thi biên chế. Các học viên đạt biên chế tiếp tục trở lại đơn vị cũ công tác.
Ông Thanh chỉ đạo: “Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần chuyển phí sinh hoạt trực tiếp vào tài khoản học viên đề án ở nước ngoài thay vì chuyển tài khoản về phía gia đình bên Việt Nam như trước đây, khẩn trương tiến hành nâng bậc lương nếu học viên thay đổi bằng cấp tốt nghiệp của mình; kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ học viên thu hút nhân tài cho các trường hợp bị chậm trễ…”
- Nguyễn Thảo (Tổng hợp)