- Người mẹ buốt ruột buốt gan kể về đứa con trai hư hỏng học ĐH ngoài Hà Nội. Vì quá tin tưởng con, tin tưởng vào trường lớp, vợ chồng chị đã đánh mất con lúc nào không hay biết.
Sự thật nát lòng
Mấy ngày nay vào vụ gặt, nhưng ngoài đồng cũng như khi về nhà, cả hai vợ chồng chị Đinh Thị Ngát (Sóc Sơn, Hà Nội) đều buồn thỉu buồn thiu, chẳng ai muốn nói với ai câu nào. Nhìn tờ lịch ngày chủ nhật mà chị càng thêm buốt ruột, buốt gan khi giờ này, chẳng biết cậu con trai đang ở đâu ngoài Hà Nội, có mảy may nhớ đến cha mẹ.
Chị Đinh Thị Ngát (Sóc Sơn, Hà Nội) buồn rầu nói về con. |
Con trai chị Ngát, nếu học đúng lớp, thì năm nay đã bước sang năm thứ 4 ĐH. Những năm cấp 3, con trai là niềm tự hào của anh chị, khi luôn chăm chỉ học hành. Nuôi giấc mơ cho con vào ĐH, chị không ngờ, chính sự tin tưởng của mình đã đẩy con vào bi kịch.
Khi nhận được giấy báo đỗ vào một trường ĐH có tiếng ở Hà Nội - Hiếu khiến vợ chồng chị mừng rơi nước mắt. Nhân ngày giỗ họ, anh chị mở tiệc khao hết thảy họ hàng. Ngày đưa con nhập học, chị còn thắp nén nhang, cầu cho con được công thành, danh toại.
“Chúng tôi bán thóc, bán lợn, mua cho con một cái máy vi tính xách tay, coi như phần thưởng đỗ ĐH. Nhìn con cười tíu tít, bố mẹ cũng phấn khởi. Ai ngờ…” – câu nói của chị đứt đoạn.
Dốc sức chăm con học ĐH, chị Ngát không hề biết, cậu quý tử bắt đầu sa vào điện tử rồi lô đề, cờ bạc từ bao giờ.
“Cháu nó cứ ít về quê dần thì chúng tôi cho là nó bận học. Nhìn thấy cháu nó cứ hốc hác đi, thì thương vì sợ rằng con học nhiều. Con xin tiền, tôi còn cố cho cháu thêm vài trăm, bảo cháu chịu khó ăn uống, bồi bổ. Có ngờ đâu, nó nướng hết vào đỏ đen, đen đỏ. Đến cái máy tính xách tay cũng mang đi cầm cố!” – Chị nghẹn ngào. Đôi mắt người mẹ mọng nước, những nếp nhăn như dính chặt vào gương mặt xương, gầy, bất lực.
Tất cả những sự sa ngã ấy, vợ chồng chị đều không hề hay biết. Nhân một lần đi khám bệnh mới, chị và chồng bèn lặn lội tìm vào tận địa chỉ nhà trọ để thăm con.
Hỏi thăm chán chê mới vào được khu nhà trọ tồi tàn của con trai, chị Ngát như không thể tin vào mắt mình khi được chỉ vào phòng của Hiếu: Căn nhà lụp xụp gần sát nhà vệ sinh. Ngó vào nhà, một cảnh tượng bệ rạc với mâm bát chỏng chơ, quần áo bừa phứa – và cậu con trai râu chưa cạo, mặt chưa rửa, đang ngồi sát phạt đỏ đen với bạn ngay giữa phòng...
Bố mẹ nghèo ngồi trên lửa
Sự thật nát lòng ấy khiến chồng chị nổi giận nổi giận, bản thận chị thì sững sờ. Ông quát mắng con trai ngay tại chỗ. Nó sợ hãi, lắp bắp giải thích, xin lỗi bố mẹ.
“Giá như lúc ấy chúng tôi không “thả” nó về nhà trọ, thì có khi bây giờ đã đỡ hơn” – chị Ngát mếu máo.
Sau lần đó, vợ chồng chị vẫn cố tin rằng, chỉ là nhất thời con trai lười biếng, sa ngã vì bị bạn bè rủ rê.
“Vợ chồng tôi tra hỏi thì được biết nó đang nợ hơn 3 triệu đồng. Chúng tôi chạy vạy, đưa nó đi trả nợ bằng hết. Chồng tôi đưa con xuống trường, đích thân thuê một phòng cho hai bố con cùng trọ để giám sát việc học của cháu nó suốt một tháng trời” – chị Ngát kể.
Cứ nghĩ con sẽ thay đổi, nào ngờ, Hiếu ngựa quen đường cũ. Qua một số nguồn tin của các bạn bè, người nhà ở Hà Nội, anh chị lại “nghe nói” Hiếu tiếp tục nghỉ học, thỉnh thoảng còn đi vay tiền...
Sốt ruột, anh chị lại làm một chuyến đi như lần trước nhưng thật sững sờ khi xuống đến nhà trọ thì được biết: Hiếu đã chuyển đi từ lâu!
“Từ bấy giờ đến nay cũng phải ba, bốn tháng trời nhưng vợ chồng chúng tôi không làm sao liên lạc được với nó. Muốn đến trường, lớp hỏi thì cũng chẳng biết nó học lớp nào mà tìm” – chị Ngát bất lực tâm sự.
Ruộng đồng vào vụ, con trai bặt vô âm tín, vợ chồng chị lúc nào cũng như ngồi trên lửa…
- Quỳnh Anh