- Hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội... là ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất, theo một báo cáo xu hướng việc làm của Bộ LĐ-TB&XH được báo Giáo dục và Thời đại dẫn ra.

Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng
Báo cáo cho hay, lĩnh vực này cùng 8 lĩnh vực ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm đến năm 2015.

Các lĩnh vực gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ;  hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác.

Cùng với hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội  thì hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cũng thuộc nhóm "có nhu cầu tăng cao nhất".

Tuy nhiên, nhu cầu việc làm những ngành này lại giảm mạnh từ năm 2020.

"Thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao" là tình trạng mà nhiều bộ ngành nhận định sau khi xem xét tổng thể nhu cầu xã hội.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, cả nước mới có 13 trường ĐH, CĐ đào tạo về nông, lâm nghiệp. Lao động nông nghiệp, có đến gần 21 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ nay đến năm 2015, ngành này cần bổ sung 45.000 người. Những ngành đang khan nhân lực hoặc thiếu trình độ ĐH, CĐ như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên...

Còn Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch cho hay, tới năm 2015, sẽ cần đến 500.000 nhân lực trong ngành. Con số đó sau 9 năm nữa là 870 ngàn. Hiện tại, nhu cầu hướng dẫn viên ngôn ngữ các nước châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản...đang tăng.

  • Vân Phong