Không đi học thì sợ mất bài, sợ cô giáo buồn, còn đi học, lỡ động đất bất ngờ xảy ra thì sợ chết, sợ bị thương nên không dám đi, tâm trạng đó đang hiện diện ở nhiều học sinh mà trước hết, là ở các bậc phụ huynh có con em theo học tại các trường quanh khu vực đập thuỷ điện Sông Tranh 2 thuộc huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).

Học và dạy học trong tâm trạng nhấp nhổm, đứng ngồi không yên là chuyện hiếm khi xảy ra ở vùng đất học này. Nhưng đó là chuyện hồi trước...

Lớp học mẫu giáo ở điểm chính trường mẫu giáo Hoa Phượng chiều 24.9 chỉ có hai học sinh. Ảnh: Phạm Anh

Khi trường nằm ngay dưới chân đập...

Sau trận động đất 4,1 độ Richter trưa 23.9, một cán bộ ở huyện Bắc Trà My vừa gặp chúng tôi đã lắc đầu: “Xuất hiện tình trạng người dân thị trấn bán tháo nhà đất để chạy về thành phố Tam Kỳ sống rồi. Bà con người Kor thì kéo nhau xuống ngân hàng Nông nghiệp huyện rút tiền gửi”. Tợp một ngụm nước, anh cán bộ nọ nói tiếp: “Chuyện đi học của tụi nhỏ cũng bắt đầu rối. Đồng bào nói đi học cũng chết mà không đi học cũng chết, nên thôi, cứ cho con ở nhà cho “yên cái bụng…”

Tìm đến trường bán trú Chu Huy Mân ở thôn 4 xã Trà Tân, chúng tôi vừa hỏi: “Dạy ở đây có sợ không…?” thì cô hiệu phó Đặng Thị Mỹ Hậu đã trả lời ngay không cần suy nghĩ: “Răng mà không sợ? Cái trường ở ngay trước họng đập như ri, gan trời cũng phải run!” Rồi cô chỉ cho chúng tôi thân đập thuỷ điện Sông Tranh 2 nằm ngay phía tây, cách trường chỉ vài trăm mét. “Động đất mạnh, cái đập ni mà bể ra, 23 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 120 học sinh bán trú ở trường chạy đâu cho thoát?”

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết huyện đã đã tổ chức tập huấn cách ứng phó khi có động đất cho 2 – 3 cán bộ, giáo viên của mỗi trường để những người này về truyền đạt lại với các giáo viên chủ nhiệm, từ đó phổ biến cho học sinh.
Thầy giáo Nguyễn Trần Duy, tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của nhà trường, tiếp lời: “Sợ lắm nhưng giáo viên tụi em không cho học sinh biết. Có sợ cũng ráng nhịn, ráng nuốt cái… lo vào bụng vì sợ các em thêm hoang mang”. Duy kể mới đây, có người từ thành phố Tam Kỳ muốn lên thăm gia đình anh, nghe tin, mẹ anh cương quyết ngăn cản. Bà bảo: “Động đất ầm ầm, người thị trấn còn bỏ nhà, bỏ đất tìm chỗ khác an toàn. Muốn lên đây cho chết à!”

Với các em học sinh ở trường trung học cơ sở Chu Huy Mân, lúc đầu, hầu như không em nào biết động đất là cái gì. Nghe có tiếng nổ ì ầm phát ra từ lòng hồ, rung chuyển nhà cửa, nhiều học sinh cứ tưởng mấy chú mấy bác đang cho nổ mìn để làm thuỷ điện. Em Hồ Văn Vũ, học sinh lớp 6, vừa nói vừa rụt cổ ra vẻ sợ hãi: “Sau nghe người lớn nói đó là động đất, tụi em mới biết. Mà động đất như trên tivi thì sợ lắm”. “Sợ mà sao cũng đi học?”, chúng tôi hỏi. Vũ thật thà: “Ba mẹ biểu ở nhà nhưng thầy cô biểu đi học nên phải đi học”.

Phụ huynh sợ, lớp vắng...

Trò chuyện với nhiều giáo viên đang dạy ở các xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Bui (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chúng tôi biết thêm trước kia, khi chưa xảy ra động đất, giáo viên từ thị trấn Trà My lên dạy học thường ở lại một vài ngày, có khi cả tuần mới về nhà nhưng nay thì cứ đến chiều là thầy cô đều quay lui. “Nếu phải ở lại, bọn em cũng đến ở nhờ nhà dân chứ không dám ở lại trường như trước. Đêm hôm, lỡ có chuyện gì…” Chị Đỗ Thị Bích Phương, giáo viên trường mẫu giáo Hoa Phượng của thôn 1, xã Trà Đốc nói giữa chừng rồi dừng lại. Bất giác, chị đưa mắt nhìn vào vách trường phía bên trong. Qua mấy lần động đất, nhất là trận 4,1 độ Richter trưa ngày 23.9, vết nứt vốn đã có sẵn trên bức tường ấy giờ rộng hơn khá nhiều, thậm chí làm rớt cả gạch từ bên trong xuống đất.

Đòi rút tiền vì sợ ngân hàng... sập

Ông Lê Đình Giới, giám đốc ngân hàng Nông nghiệp huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), cho biết việc đồng bào Kor ở các xã thuộc huyện Bắc Trà My kéo đến đòi rút tiền gửi ở đây là có thật. Đây là số tiền đền bù người dân nhận được khi dự án thuỷ điện Sông Tranh 2 triển khai và mang gửi cho ngân hàng. Ông Giới cho biết: “Đồng bào dân tộc Kor lo sợ nếu động đất, ngân hàng bị sập thì tiền sẽ mất nên một hai đòi rút. Chúng tôi phải hướng dẫn, giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu, không đòi rút nữa. Nhiều người ra về nhưng vẫn có vài người ở xã Trà Đốc cương quyết rút tiền ra”.
Theo chân cô giáo Phương vào tận nơi xem vết nứt, chúng tôi chợt hiểu vì sao trường có 45 học sinh mà trong hai ngày 24 và 25.9 này chỉ có một nửa số học sinh đến lớp. “Cuối tuần trước, học sinh đi học được 2/3. Sau động đất lớn ngày 23.9, giờ chỉ có bấy nhiêu em đó thôi”, chị Phương nói.

Hiệu phó trường mẫu giáo Hoa Phượng, chị Phan Thị Hoài, cho biết thêm là những ngày gần đây, nhiều bậc cha mẹ bỏ cả công ăn việc làm để đưa con đi học rồi ngồi luôn trước cổng trường chờ cho đến giờ tan học rước con về cho yên tâm. Đây là chuyện xưa nay ít có. Giọng chị Hoài buồn buồn: “Có phụ huynh vừa đưa con đến cổng trường, nghe nói động đất mới xảy ra nên sợ quá dẫn con về luôn”.

Chiều 24.9, có mặt tại trường đến 2 giờ chiều, chúng tôi chỉ thấy có hai em học sinh đến lớp. Theo lời hiệu trưởng Trần Thị Như Thuý thì học sinh không nghỉ học hẳn mà là sợ động đất nên đi học bữa đực bữa cái. Nhiều bậc phụ huynh đã hỏi thẳng, cho con họ đi học, mấy cô có đảm bảo an toàn cho nó khi có động đất xảy ra không, khi thầy cô giáo đến vận động họ cho con em trở lại trường. “Bọn em biết trả lời làm răng? Mà nói thiệt, phụ huynh hỏi rứa, tụi em đành chịu vì khi động đất, bàn ghế học bằng nhựa không đảm bảo cho mấy em núp. Còn đưa các em chạy ra sân, giỏi lắm cũng chỉ được mấy đứa thôi”, cô Phương kể.

Tìm đến gia đình mấy học sinh nghỉ học ở thôn 1 xã Trà Đốc, ông Hồ Văn Khang, phụ huynh em Hồ Văn Duy, nói với chúng tôi: “Mình nói thiệt, không cho con đi học thì cô giáo buồn. Còn đi học thì sợ lắm nên thôi, không cho nó đi cho an toàn”.

(Theo Sài gòn Tiếp thị)