- Thiếu giáo viên, chương trình dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở nhiều trường chưa thống nhất, đãi ngộ thế nào cho phù hơp?...là những khó khăn đã được đề cập tại hội thảo chuyên đề tại TP.HCM sáng 2/10.

Khó khăn chồng chất

Số đông giáo viên có mặt tại buổi hội thảo cho rằng, chuyên đề dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trong trường phổ thông đang vấp phải một số khó khăn như: chương trình chưa thống nhất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được trình độ, công tác kiểm tra đánh giá còn nhiều bất cập, trang thiết bị và các chế độ đối với giáo viên còn thiếu…

Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q1) Phạm Thành Nam cho rằng, khó khăn nhất trong việc dạy học bằng ngoại ngữ là ngân sách. Nhà trường đang gặp khó khăn trong việc chi ngân sách mời giáo viên thỉnh giảng do đội ngũ giáo viên trong trường chưa thể dạy được các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng ngoại ngữ.

"Về lâu dài Sở và Bộ nên có những chính sách phù hợp trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cơ hữu cho các trường" - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân kiến nghị

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q3) Phạm Thị Lệ Nhân góp ý kiến, khó khăn hiện nay là việc soạn tài liệu để giảng dạy, sau khi soạn được tài liệu, nhà trường phải mời giáo viên thỉnh giảng, một số giáo viên có cách phát âm chưa đúng. Ngoài ra nội dung chương trình dạy cần có hướng dẫn thống nhất, sau hai năm học, những học sinh này có được cấp bằng quốc tế hay không hay cần có một kì thi nào đó để học sinh học bằng tiếng Anh được cấp bằng quốc tế?

“Việc dạy học bằng tiếng Anh đang được nhiều phụ huynh ủng hộ, tuy nhiên nếu thu học phí thấp thì số lượng học sinh theo học càng nhiều. Do vậy khung học phí sẽ phải linh hoạt để đảm bảo “thu đủ bù chi” trong điều kiện dạy học hiện nay” – vị hiệu trưởng đề xuất.

Trên thực tế, trong 10 trường dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh hiện nay tại TP. HCM đều sử dụng tài liệu giảng dạy khác nhau. Các trường không dịch sách giáo khoa (SGK) của Bộ mà chủ yếu giáo viên tự biên soạn trên cơ sở tham khảo SGK của các nước Anh, Mỹ, Úc, Singapore. Nhiều ý kiến thắc mắc, các trường nên sử dụng SGK dịch ra tiếng Anh (theo chương trình của Bộ) hay sử dụng chương trình tiếng Anh của các nước khác?

Ngoài ra nhiều giáo viên cho rằng, các chính sách đãi ngộ sẽ được chi trả như thế nào cho phù hợp đối với giáo viên giảng dạy.

Vận động phụ huynh góp học phí

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, dạy học bằng tiếng Anh là một trong những nội dung của “Đề án Dạy và học ngoại ngữ” trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm: "Việc dạy học bằng tiếng Anh đang được nhiều phụ huynh đồng tình, học sinh ham thích vì vậy các trường có thể tự vận động phụ huynh đóng góp học phí"

Do đó, giáo viên đứng lớp phải là giáo viên bộ môn dùng được tiếng Anh và có trình độ hơn 2 bậc (ít nhất bậc C1) có thể dạy hoàn toàn. Nhà trường cần có chính sách thu hút một số giáo viên từng được đào tạo tại nước ngoài, hoặc các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ.

Các chương trình đào tạo ngoại ngữ không được thấp hơn chương trình của Bộ, đảm bảo mục tiêu của giáo dục Việt Nam. Đối với các tài liệu giảng dạy hiện nay nếu dạy bằng tiếng Anh nhưng bó hẹp vào SGK Việt Nam thì sẽ làm hạn chế, cần tham khảo nhiều tài liệu để bổ sung cho chương trình dạy. Đối với các trường thí điểm về có thể vượt ra ngoài quy định mà Bộ đã ban hành nhưng phải xin phép và đảm bảo chất lượng dạy học.

"Đối với các trường dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trên địa bàn TP. HCM hiện nay cũng như các trường ở các địa phương trên địa bàn cả nước không nhất thiết có những quy định chung về tài liệu, SGK" - lời Thứ trưởng.

Việc vận dụng để dạy học tùy vào chất lượng của từng trường, ở từng địa bàn, có mức độ dạy khác nhau. Không nhất thiết phải hoàn toàn bằng tiếng Anh, trường yếu có thể dạy cấp thấp nhất (song ngữ), trường tốt thì có thể dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Giải đáp về các chế độ chính sách cho giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu quan điểm: việc dạy học bằng tiếng Anh đang được nhiều phụ huynh đồng tình, học sinh ham thích vì vậy các trường có thể tự vận động phụ huynh đóng góp học phí. Nhà trường chủ động giảm tải thời gian giảng dạy cho giáo viên để có thêm thời gian nghiên cứu hoặc tăng thêm phụ cấp cho họ...

"Về phía Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc kĩ về việc cấp ngân sách thêm cho các trường này đồng thời có kế hoạch xem xét xác nhận trình độ tiếng Anh của những học sinh học bằng tiếng Anh" - Thứ trưởng hứa hẹn.

Cuối năm học 2011-2012, TP.HCM có 5 trường THPT triển khai dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh là THPT Chuyên Lê Hồng Phong, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lương Thế Vinh, THPT Lê Quý Đôn.
 
 Năm học 2012-2013, có thêm 5 trường tham gia gồm: THPT Gia Định, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Hùng Vương, THPT Mạc Đĩnh Chi. Toàn thành phố có 45 lớp với hơn 1.600 học sinh đang theo học chương trình này với thời lượng tối đa 2 tiết/tuần.

  • Lê Huyền