Theo đoàn công tác của HĐND TP Hà Nội về khảo sát tình hình thu chi trong các trường học, các trường đã thu nhiều khoản sai quy định, ngược quy trình. Đoàn cũng đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội có những giải pháp chấn chỉnh tình hình phụ huynh phải “tự nguyện” đóng góp các khoản theo kiểu không theo không được.
Trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội chiều 2/10, đại diện đoàn công tác của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP Hà Nội thông báo, từ ngày 20 - 28/9, đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thu chi học phí và một số khoản thu khác năm học 2012 – 2013 ở 33 cơ sở giáo dục thuộc một số quận/ huyện.
Kết quả khảo sát cho thấy có nhiều cơ sở thu trái quy định.
Các khoản đóng góp cần đúng theo tinh thần tự nguyện. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Trăm hoa đua nở
Quỹ cha mẹ học sinh “trăm hoa đua nở”, nơi nào cũng thu và nhiều mức khác nhau. Dù có trưởng đoàn khảo sát, mức thu cao nhất là 500.000 đồng/ học sinh, nhưng thông tin từ phụ huynh phản ánh với đoàn, có nơi thu đến 1,2 triệu đồng/ học sinh.
Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chưa đúng với quy định tại điều lệ mà Bộ GD-ĐT ban hành. Hầu hết các trường không xây dựng hoạt động cụ thể cho từng học kỳ và kế hoạch thu chi.
Nhiều ban đại diện huy động tiền của cha mẹ học sinh để mua sắm thiết bị dạy học, chi bồi dưỡng cho giáo viên dạy giỏi, có nơi chi tới 45% cho giáo viên. Công tác xã hội hóa giao cho ban đại diện cha mẹ học sinh trong khi theo quy định họ không có quyền thu các khoản tiền này.
Các trường đều thu quỹ khuyến học mặc dù về nguyên tắc, trường không đủ tư cách pháp nhân để lập quỹ khuyến học.
Việc các cơ sở giáo dục phổ thông công lập triển khai dạy môn Tin học thu tiền để trả lương cho giáo viên và bảo trì máy cũng là một vấn đề.
Ông Phạm Xuân Tài, thành viên đoàn khảo sát đặt vấn đề: “Tại sao một môn học được đưa vào chính khóa (dù dưới hình thức tự chọn), có tính điểm, có giáo viên biên chế mà học sinh phải đóng tiền?”. Chưa hết, cách chi tiêu cho khoản này cũng khá “hoang” khiến đoàn kiểm tra “xót ruột”.
Bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa Xã hội – HĐND Tp Hà Nội ví dụ một trường hợp:”Mỗi học sinh đóng 25.000 đồng, nếu cả trường có khoảng 600 – 700 em thì mỗi năm nhà trường thu được 150 triệu đồng, trong đó 70% trả cho nhà cung cấp dịch vụ. Như vậy, chỉ cần đầu tư 30 máy với số tiền đầu tư ban đầu là 200 triệu đồng, chỉ sau 2 năm nhà cung cấp dịch vụ thu hồi được vốn”.
Liên quan tới khoản thu môn Tin học, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT khẳng định, nếu trường nào thu khoản này của học sinh là sai.
Nhập nhằng các hình thức dạy học
Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác HĐND TP Hà Nội với Sở GD-ĐT, hai bên mất khá nhiều thời gian trao đổi về việc các trường tiểu học, THCS nhập nhằng trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ ngày với các mô hình dạy tiếng Anh thí điểm lớp 1 và lớp 2, tiếng Anh liên kết với trung tâm bên ngoài…
Bà Thùy cho rằng, nếu xem việc học tiếng Anh là hoạt động dạy thêm thì nhiều trường đang vi phạm quy định. Tuy nhiên, phía Sở GD-ĐT cho rằng không thể xem việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 là học thêm. Nhưng Sở GD-ĐT cũng không trả lời một cách tường minh câu hỏi của bà Thùy, “nếu không phải học thêm, cũng không học chính khóa thì là học gì?”.
Mức thu khác nhau và cao ở một số cơ sở về môn tiếng Anh được đoàn công tác cho rằng cần phải xem xét. Việc nhập nhằng giữa thời gian học buổi thứ hai với học thêm môn tiếng Anh là thực trạng cần chấn chỉnh. “Nhiều trường tiểu học xếp 3 tiết học tiếng Anh vào buổi chiều mà vẫn thu tiền học 2 buổi/ ngày, vừa thu tiền tiếng Anh. Các anh nói với những trường học 2 buổi/ ngày thì thời gian học được quy định là 7 tiết/ ngày (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết) nhưng anh lại thu tiền cả hai loại”, bà Thùy nêu.
Về tổ chức và thu tiền dạy học 2 buổi/ ngày, theo bà Thùy, khoản thu học 2 buổi/ ngày được Sở GD-ĐT hướng dẫn là khoản thu thỏa thuận, việc thu phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện. Việc các trường xếp thời khóa biểu môn chính khóa vào buổi thứ hai khiến nhiều phụ huynh không muốn vẫn phải cho con học.
“Tự nguyện là tự nguyện. Không có chuyện tự nguyện không theo không được” – bà Thùy nói.
Đoàn khảo sát của HĐND TP Hà Nội khuyến nghị Sở GD-ĐT Hà Nội nên có phương pháp thanh tra, kiểm tra phù hợp. “Qua kiểm tra, khi chúng tôi làm việc với các quận huyện, có mời các cơ sở giáo dục lên, thấy hầu như không phát hiện vấn đề gì. Tất cả đều làm đúng, đều êm đẹp. Nhưng khi chính tôi thay đổi phương pháp khảo sát, xuống trực tiếp và đột xuất thì phát hiện ra việc thu không đúng quy định”, một thành viên trong đoàn nói. |
(Theo Tiền Phong)