Trước những trăn trở của một cô giáo về cách dạy con của các phụ huynh hiện nay đang khiến các em trở thành những con người ích kỉ, vô cảm, chịu đựng kém, độc giả đã bày tỏ những quan điểm trái chiều.

TIN LIÊN QUAN:

Thầy cô cũng là người góp phần tạo nên nhân cách, phẩm chất của trẻ. Ảnh minh họa

Độc giả Nguyễn Mơ thừa nhận “thế hệ trẻ ngày nay sống chỉ biết hưởng thụ, cứ nghĩ rằng bố mẹ phải có trách nhiệm này, trách nhiệm khác mà quên đi trách nhiệm của chính mình, không động lực, không phấn đấu”. Độc giả Thu Hương cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các phụ huynh lúc nào cũng muốn con được hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất và lúc nào cũng coi con là một đứa trẻ.

Đồng tình với ý kiến này, một độc giả đưa ra lời khuyên: “Các bậc phụ huynh hãy hình thành cho con mình nhân cách sống, bản lĩnh, sự tự lập chứ đừng cứ bao bọc vì các bạn có bao bọc được mãi đâu. Hãy cho con bạn cái cần câu và dạy cho chúng cách câu cá chứ đừng cho chúng con cá vì nếu mãi cứ như thế thì ngay cả khi có cá rồi con bạn cũng không biết làm thế nào để ăn nó”.

Nhiều thầy cô giáo cũng đồng cảm và chia sẻ với những nhọc nhằn của nghề cao quý này và lo ngại rằng “rồi đến lúc sẽ không còn học sinh giỏi muốn học sư phạm”. “Bản thân tôi bây giờ cũng đang trách mình đi nhầm nghề, bao tâm huyết, ước mơ giờ đây đâu cả. Thật buồn cho những ai làm giáo viên nhất là giáo viên tiểu học như tôi, cả ngày ở trường lo chất lượng học sinh, bộ vở sạch chữ đẹp ,tối về vẫn còn phải la bài vở, đò dùng dạy học ngày mai, lo kiểm tra dự giờ đột xuất . Giá mà có cách nào đánh gia giáo viên nhẹ nhàng hơn, bớt hình thức đi ,có lẽ còn có người yêu nghề” – độc giả Đồng Văn chia sẻ.

Một độc giả khác cũng thể hiện sự nuối tiếc khi chọn nghề giáo sau khi đã ra trường được gần 10 năm, công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng gần như không nuôi nổi thân.

Ai ảnh hưởng đến các cháu nhiều hơn?

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình và chia sẻ, một số độc giả cho rằng không nên chỉ đổ lỗi cho gia đình, mà đây là trách nhiệm chung của cả nhà trường, gia đình và hệ thống giáo dục.

Độc giả Thu Hương cho rằng tác giả bài viết cũng nên xem lại thời gian biểu của một học sinh khi mà “trung bình học sinh có 8-9 giờ ở trường, 15-16 giờ ở nhà (trong đó 7-8 giờ để ngủ). Vậy ai là người ảnh hưởng đến các cháu nhiều hơn?”. Theo độc giả này, vai trò của thầy cô quan trọng không kém gì các bậc phụ huynh, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các bậc phụ huynh.

Một số ý kiến nhất trí cho rằng nguyên nhân là do hệ thống giáo dục: chương trình quá nặng, trẻ không còn thời gian học kỹ năng sống, đánh giá thấp vai trò của lao động trong việc hình thành và phát triển nhân cách…

“Chung quy vẫn tại chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay. Mang tiếng cải cách, giảm tải nhưng cặp sách lớp 1 thì nặng khủng khiếp, còng lưng, oằn vai với sách vở… Trẻ con tối mắt tối mũi vì học. Thử hỏi, còn đâu tuổi thơ, lấy đâu kỹ năng sống? Lớn lên chút, gặp khó khăn là thất bại, nản chí thôi! Âu, đó là hệ quả tất yếu” – một độc giả tỏ ra bi quan.

Hay như độc giả Lê Nam chia sẻ câu chuyện của gia đình mình: “Nhà tôi có đứa cháu năm nay tốt nghiệp đại học nhưng đến nay vẫn chưa biết nấu cơm, cứ ăn xong là học, không học thì nằm xem ti-vi, mặc cho ông bà 80 tuổi cặm cụi nấu nướng hoặc rửa bát quét nhà. Tất nhiên việc đó có lỗi của bố mẹ em, nhưng cũng có lỗi của công tác giáo dục vì đã đánh giá quá thấp vai trò của lao động trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em”.

Độc giả Huyền Hân thì đưa ra một lý do khách quan khác giải thích cho sự vô tâm của nhiều người trẻ hiện nay: “Đúng là một phần có lỗi của cha mẹ nhưng hoàn cảnh xã hội bây giờ rất khác với thời của những người lớn ngày xưa: thông tin quá nhiều, quan điểm nhận thức nhiều chiều, giáo dục nhân văn, biết sống vì mọi người đã kém đi mà con người là sản phẩm của xã hội. Không thể trách bên nào, chúng ta hãy chung tay làm tốt nhất có thể về phần mình để giúp đỡ các em. Ngày trước, con cái chỉ biết nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo và người lớn. Ngày nay, các em được nhìn, thấy, nghe, chứng kiến nhiều chuyện nên dễ nảy sinh sự so sánh mà thiếu đi sự thông cảm, đồng cảm.

Việc học quá nhiều mà không có thời gian lao động sẽ chỉ tạo ra những con người lười nhác, không biết giá trị của đồng tiền, sống hưởng thụ, trông chờ vào người khác...”

Một độc giả cho rằng “nên có cái nhìn thông cảm với con trẻ, vì chúng chỉ là hậu quả của rất nhiều việc hợp lại mà thành”.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)