- Khách bên bàn ăn lặng phắc vì cô con gái 16 tuổi của chị chủ nhà cứ đóng cửa phòng, mãi không chịu ra. Đĩa thịt gà trên bàn thì nham nhở bởi “cô chủ nhỏ” đã vọc tay nhặt những miếng ngon ăn trước.


Ảnh minh họa

Chị ly hôn với chồng đã gần 10 năm nhưng nhất quyết không chịu đi bước nữa vì khi con gái đang bé sợ con “bị tổn thương” còn đến nay, lúc con gái đang dậy thì, cao lớn và xinh đẹp hơn hẳn mẹ thì lại sợ rước phải bố dượng là “yêu râu xanh”. Vậy là cho dù được nhiều người săn đón, nhưng mọi tình cảm của chị đều dành hết cho con. Và trong mắt chị, cô con gái cao gần 1,65m vẫn bé bỏng như ngày nào.

Sau ly hôn, vì kiêu hãnh nên mọi tài sản chị mang theo hầu như không có gì. Hai mẹ con ở nhà thuê, lúc nào chủ nhà tăng giá thì lại dọn chỗ khác. Nhưng ngay cả lúc ở nhà thuê, thì cô con gái nhỏ vẫn được đặc cách chăm sóc theo chế độ của một “nàng công chúa”, muốn gì được nấy. Dần dà thành nếp, đi siêu thị, cô bé chỉ chăm chăm nhặt nhạnh các món đồ ưa thích. Đến bữa ăn cũng chỉ nhăm nhe tìm miếng ngon nhất cho vào bát, quên cả mời chào mẹ. Ai nhìn thấy góp ý thì chị nói “nó còn nhỏ, chấp nhặt gì trẻ con”….

Mấy năm sau, bạn bè thấy chị chạy đôn chạy đáo vay tiền mua nhà. Hóa ra, con gái chị lâu nay không bao giờ dám rủ bạn bè về nhà với lý do, “chả có đứa nào lớp con ở nhà thuê như nhà mình”. Vì chuyện ở nhà thuê mà cô công chúa nhỏ bỏ cơm mấy ngày, đóng cửa phòng “tuyệt thực”.

Thu xếp được một khoản tiền hòm hòm mua nhà, chị lại tất tả lo chuyển trường cho con “vì nó không chịu đi học xa nhà bằng xe bus vừa đông vừa hôi”.

Hôm mừng nhà mới, bạn bè đến góp vui và cũng tận mắt chứng kiến căn phòng của công chúa nhỏ đồ đạc vứt bừa bãi tanh bành. Nhưng chị thì đi ra đi vào vui vẻ ra mặt bởi tuy phải vay tiền mua nhà nhưng vẫn sắm đồ nội thất “xịn” để con tha hồ mời bạn bè đến chơi mà không ngại xấu mặt.

Một mình chị chuẩn bị mâm cơm, từ làm rau đến luộc gà trong khi công chúa nhỏ đóng chặt cửa phòng và bật nhạc Hàn inh ỏi, thi thoảng tiếng “chat voice” lại vọng ra qua khe cửa. Thi thoảng cô bé lại mở cửa phòng lượn ra chỗ mẹ làm bếp nhón thức ăn cho vào mồm rồi tót vào phòng.

Thấy có khách đến, công chúa nhà chị chỉ lâng láo đi ra đi vào, cầm thìa, cầm đũa múc món này, xọc món kia mà cấm có chào hỏi ai.

Khi khách khứa đã xúm xít đông đủ quanh bàn, chị gõ cửa giục con gái nhưng chỉ nghe tiếng nhạc càng to hơn. Khách bên bàn ăn lặng phắc vì đĩa thịt gà trên bàn nham nhở bởi “cô chủ nhỏ” đã vọc tay nhặt những miếng ngon ăn trước. Chị thì cười xuề xòa nói, “bọn trẻ bây giờ không thích cái cảnh mẹ mẹ con con hí húi vào bếp vừa nấu nướng vừa trò chuyện như xưa. Giờ chúng nó không biết làm gì hết. Cơm nước nấu xong mời được chúng nó ăn cho là may lắm rồi”.
Đôi lần phiền lòng vì sự vô tâm của con gái, chị cũng than thở “chả hiểu sao hồi nhỏ thì hiếu thảo mà giờ chỉ biết hưởng thụ”. Thậm chí, con gái chị còn hằn học với mẹ bởi chị không có nhiều tiền để chu toàn cho con những nhu cầu xa xỉ hơn “giống các bạn trong lớp”. Mọi thói quen làm việc nhà chị dạy con hồi bé dường như biến mất hẳn khi con gái chị đã mười sáu nhưng không biết nhặt rau, đổ rác, rửa ấm chén giúp mẹ. Những khi quá mệt không thể lau chùi phòng giúp con, chỉ cần chị mở miệng sai bảo con tự làm việc nọ việc kia là chị nhận ngay được câu hỏi “sao mẹ không xuống kia thuê oshin theo giờ?”. Vậy là chị lại cố.

Cuối tuần, nhận được tin nhắn của chị “Mình ốm nằm nhà hai hôm nay, ăn mì tôm. Con gái đi vào phòng mẹ còn hỏi: nhà không còn gì ăn à? Thế rồi đi học luôn, không hỏi xem tại sao nhà lại không có gì ăn và mẹ lại nằm trên giường. Mình không còn nhận ra con gái của mình nữa rồi. Nó không còn biết quan tâm đến ai? Hay là mình đã sai ở đâu?”.

Biết nói với chị thế nào? Có lẽ, dần dà chị sẽ tìm ra câu trả lời.

• Châu Thanh