- Cần khoảng 98.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng các khu ĐH tập trung và cơ sở vật chất kỹ thuật của các trường trong đó, phục vục khoảng 700.000 sinh viên để "đạt mức trung bình tiên tiến so với các nước" - đây là tính toán sơ bộ của Bộ GD-ĐT cho kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoài thành Hà Nội.

 

 

 

 

 
Kiến trúc sư Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, nhiều trường ĐH , CĐ khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM thiếu các khu chức năng cơ bản, khu học tập có mật độ xây dựng quá cao, cộng với chất lượng quy hoạch thấp dẫn tới mô trường sư phạm không đảm bảo. Ảnh: LAD

Như vậy, suất đầu tư cho một chỗ ngồi học cần khoảng 140 triệu đồng, tương đương 7.000 USD.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu thành lập tổ công tác liên bộ (do Bộ Xây dựng chủ trì ) để hoàn thiện dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến 2015 và tầm nhìn 2050, trình Chính phủ trước ngày 20/1/2011.
Mặc dù đã được Bộ GD-ĐT yêu cầu đăng ký kế hoạch di dời, nhưng đến thời điểm này, các trường hầu như vẫn “án binh bất động” vì “chưa có gì để đăng ký”.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo các trường phân tích, không thể để các trường tự lo đất, tự xây trường vì thực tế  "không thể làm nổi".

Một quan chức của Bộ GD-ĐT cho biết, có 3 phương án đề xuất nguồn vốn đầu tư xây dựng khu ĐH tập trung và di dời các trường đến "khu ĐH tập trung".

Phương án thứ nhất, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch không gian và cơ cấu chức năng của khu ĐH. Sau đó cho trường tư thục, trường nước ngoài và các trường của doanh nghiệp thuê đất hoặc giao lại đất cho trường công lập và các trường hoạt động không vì lợi nhuận để tự xây dựng.

Phương án hai  là lựa chọn một số đơn vị có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho phép chỉ định đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật (gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và chi phí xây dựng hạ tầng) cho cả khu quy hoạch xây dựng khu ĐH tập trung.
Sau đó, căn cứ nhu cầu sử dụng đất (trường tư thục và trường của doanh nghiệp) hoặc nhận giao lại đất (trường công lập) từ đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Khi thuê hoặc nhận giao lại đất các trường sẽ phải trả các chi phí đầu tư hạ tầng (kể cả chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư) và một khoản lãi định mức cho đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Phương án cuối cùng là thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao. Nhà đầu tư ứng vốn đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ cơ sở vật chất mới ở khu ĐH tập trung theo yêu cầu của từng trường và theo quy hoạch, dự án được phê duyệt. Sau khi xong, nhà đầu tư được mua chỉ định mặt bằng cũ theo giá thỏa thuận....

Trên thực tế, việc thanh lý các cơ sở cũ của các trường không thể thực hiện được ngay, trong khi xây dựng cơ sở tại nơi mới vẫn trường phải đảm bảo hoạt động giảng dạy và học tập.
Riêng việc di dời các ĐH vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ GD-ĐT đề nghị thành phố có phương án hỗ trợ kinh phí.
Cụ thể là cho các trường di dời vay kích cầu theo cơ chế đặc thù. Mức vay có thể lên đến 300 tỷ đồng cho mỗi trường và thời gian hỗ trợ cấp bù lãi vay là 5 năm.  

Trường hợp, trường di dời có nhu cầu vay vốn lớn hơn 300 tỷ đồng hoặc giá trị thanh lý cơ sở vật chất, mặt bằng cũ thấp hơn tổng mức đầu tư cơ sở mới nhưng không có nguồn khác để bù vào khoản chênh lệch này thì nhà trường phải chịu phần lãi vay phát sinh đối với số vốn vay thêm...

Chiều 14/2, nguồn tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM; Bộ GD-ĐT làm rõ về nguyên tắc, các tiêu chí và lộ trình thực hiện việc di dời các trường, đến tháng 3, Bộ sẽ lấy ý kiến của các trường để chọn phương án tối ưu nhất.

Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Cần cho rằng, để quy hoạch xây dựng khu ĐH tập trung vùng Hà Nội được khả thi thì phải có đất. Hiện, 8 khu đô thị ĐH dự kiến mới đang là quy hoạch trên giấy.  

Cũng  theo ông Cần, việc di dời phải được khảo sát, cân nhắc ở nhiều góc độ kinh tế xã hội, an ninh, văn hóa...; đồng thời phải có sự đồng thuận của các trường.  

  • Kiều Oanh