Tờ Business Recorder của Pakistan đã có bài viết bàn về hiện trạng tham nhũng, hối lộ trong hệ thống giáo dục Việt nam từ hai vụ việc “nhận tiền tăng điểm” gần đây ở ĐH Khoa học Huế và ĐH Nông nghiệp Hà Nội.


Sinh viên năm cuối Nguyễn Đức Hùng cảm thấy vô cùng xấu hổ khi được các em năm nhất nhờ giảng bài giúp nhưng lại không thể trả lời được những câu hỏi đó mặc dù cậu đi học gần như đầy đủ. “Tôi không hiểu môn học đó chút nào” – chàng sinh viên ngành Kỹ thuật dân dụng chia sẻ. “Môn đó tôi làm sai nhiều trong bài kiểm tra, nên đã đưa cho giáo viên một triệu đồng để nhờ giúp đỡ. Thầy trả lại bài kiểm tra ban đầu và cho phép tôi sửa những lỗi sai đó tại nhà thầy”.

Hùng kể năm đầu tiên lên Hà Nội học đại học (ở một ngôi trường giấu tên), cậu đã học hành rất chăm chỉ nhưng một số bài kiểm tra vẫn nhận điểm thấp so với các bạn khác lười biếng hơn mình. Sau đó, Hùng phát hiện ra rằng những sinh viên này đã hối lộ giảng viên để được nhận điểm cao. “Thực sự buồn vì hối lộ trong các kỳ thi bây giờ là chuyện quen thuộc. Nếu không hối lộ các thầy thì tôi sẽ bị cô lập mặc dù tôi không muốn làm vậy”.

Nạn hối lộ giáo viên là một bí mật mà ai cũng biết ở Việt Nam. Tuần trước, báo chí đưa tin một trưởng khoa của ĐH Khoa học Huế buộc phải từ chức và 22 giảng viên và cán bộ của ĐH Nông nghiệp Hà Nội bị cảnh cáo vì nâng điểm cho 180 sinh viên để họ đủ điểm đỗ kì thi cao học. Vụ việc được phát hiện sau khi một số sinh viên tố cáo họ phải trả tiền cho giáo viên để nhận điểm cao hơn.

Hành động này không chỉ làm thế hệ trẻ mất tinh thần học tập mà còn gây tác động lớn tới xã hội – ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt – Đức Hà Nội nhận định. “Hối lộ trong các kỳ thi làm sinh viên lười biếng. Vì không có kiến thức thật nên sau khi tốt nghiệp, họ cần phải được đào tạo lại hoặc đổi nghề, gây ra sự lãng phí nguồn lực cho xã hội”.

Bà Lê Hiền Đức – nhà giáo về hưu, một người tích cực chống tham nhũng cho rằng hiện trạng này đang lan rộng. “Ngay cả các quan chức cấp cao của Chính phủ - những người được cử đi học tập ở các trường đại học hàng đầu cũng làm vậy, hối lộ giáo viên để nhận điểm cao. Tôi biết một số quan chức mua bằng Tiến sĩ bằng cách đút lót tiền cho giáo viên”. Bà Đức cho biết người ta thường kể với bà về những sinh viên thường xuyên nghỉ học nhưng vẫn thi qua các kỳ thi nhờ hối lộ giáo viên.

Những lời chỉ trích được đưa ra khi Đảng đang lên kế hoạch cải cách giáo dục. Trong một cuộc họp ở Hà Nội vào tuần trước, các chuyên gia cho rằng hệ thống giáo dục Việt Nam đang dưới chuẩn, đồng thời kêu gọi Chính phủ thực hiện cải cách trên diện rộng. “Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường” – GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Các chuyên gia tập trung bàn về chất lượng giáo viên thấp, nhiều giáo viên không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, chương trình giảng dạy bậc đại học đã lạc hậu, và những vấn đề này dẫn đến sự hạn chế lực lượng lao động có trình độ. Vấn đề tham nhũng trong giáo dục nhiều khả năng sẽ được đề cập đến như một phần của công cuộc cải cách khi Trung ương Đảng họp ở Hà Nội vào 2 tuần đầu tháng 10.

Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phát động một chiến dịch nói không với tiêu cực, bao gồm cả tham nhũng và hối lộ, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chiến dịch này đạt hiệu quả rất thấp trong trường học. Nhà giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa, 44 tuổi, giáo viên dạy Toán ở một vùng quê gần Hà Nội cho rằng anh đã bị các giáo viên khác tẩy chay và liên tục bị từ chối đề bạt sau khi phơi bày hành động nhận hối lộ của các giám thị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Mặc dù nhận được bằng khen của Chính phủ về việc lên tiếng chống tiêu cực, song từ ngày đó anh nghỉ việc và hiện đang dạy ở một trường khác xa nhà.

Các bậc phụ huynh cũng thường xuyên hối lộ giáo viên để con cái được học ở những trường tốt nhất, bà Đức nói. “Hối lộ trong trường học đang có xu hướng đi lên và không giới hạn tới bậc đại học” – ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Trẻ em của Quốc hội đánh giá. “Thực sự buồn khi nhìn thấy sinh viên ngày càng lười biếng và thiếu kiến thức”.

Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng những tân cử nhân kỹ năng kém không thu hút được nhà tuyển dụng. “Bên cạnh tình trạng đưa hối lộ cho giáo viên, sinh viên cũng phải đưa hối lộ để có việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Đức Hùng – chàng sinh viên vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp thừa nhận rằng cậu không học hành nhiều trong suốt 4 năm đại học. “Tôi không chắc chắn là có thể kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp” – Hùng nói. Bà Đức thì bi quan về tương lai: “Hệ thống giáo dục của chúng ta đang xuống dốc. Nếu xu hướng này tiếp tục thì chúng sẽ chỉ có những quan chức ngu ngốc và những con người xảo trá”.

Business Recorder là tờ nhật báo tài chính lớn nhất ở Pakistan, được thành lập vào năm 1965 bởi nhà báo kỳ cựu M.A. Zuberi. Ấn phẩm đầu tiên của tờ này được xuất bản trong thế giới Hồi giáo. Business Recorder được sở hữu bởi Tập đoàn Business Recorder – một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu của khu vực Nam Á, chuyên về truyền hình, web, tài chính và công nghệ.

  • Nguyễn Thảo (Theo Business Recorder)