Cách đây không lâu, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã gửi văn bản đề nghị Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ việc bán thuốc ho Recotus (có thể gây nghiện) cho học sinh (HS).Thế nhưng, qua vụ việc 20 HS Trường THCS Bình An, Q.2 vừa nhập viện (ảnh) vì ngộ độc thuốc Recotus cho thấy, “hội chứng Recotus” vẫn đang tấn công trường học.


Uống quá liều gây tử vong


Tương tự vụ nhiều học sinh (HS) Trường THCS Bình An “phê” thuốc Recotus, cách đây chưa lâu, hàng loạt HS ở Trường THCS Khánh Hội A, THCS Quang Trung (Q.4), THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình)… cũng sử dụng thuốc Recotus để tạo ảo giác. Khi bị phát hiện, hầu hết HS đều thừa nhận đã uống thuốc này vài lần, thậm chí có HS còn “đồng hành” với Recotus nhiều năm. Hội chứng “phê” thuốc lan rộng do các em rỉ tai nhau, loại thuốc ho này như “thần dược”, giúp tinh thần sảng khoái, cảm giác lâng lâng, bay bổng. Các HS còn kháo nhau, uống Recotus không sợ đau, thậm chí sẽ thông minh và sáng suốt hơn.

Recotus hiện phổ biến đến độ hỏi bất kỳ một HS nào cũng có thể miêu tả khá rõ về loại thuốc này. Nhiều HS Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh) cho biết, thuốc Recotus có màu xanh bắt mắt, rất rẻ lại dễ mua, một vỉ thuốc 10 viên chỉ khoảng 8.000 - 9.000đ.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Cửu Long nói: “Trước đây, HS của trường không chỉ sử dụng Recotus mà các em còn truyền tai nhau về công dụng của thuốc. Thậm chí có em mua thuốc đem vào trường để bán lại cho bạn khác. Khi phát hiện, nhà trường lập tức tịch thu và khuyên các em không nên dùng, vì thuốc tạo ảo giác lâng lâng nhưng lại có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thần kinh, sức khỏe”.

BS Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện (BV) Q.2 khuyến cáo, thuốc Recotus chỉ dùng điều trị cho bệnh nhân ho, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, lao; không dùng cho trẻ dưới sáu tuổi, bệnh nhân mắc bệnh gan, hen suyễn, các chứng trầm cảm. Trẻ trên sáu tuổi cũng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu xảy ra ngộ độc, người uống sẽ bị co giật, buồn nôn, giảm thị lực, thậm chí tử vong. Nếu HS sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp.

BS Trần Duy Tâm - BV Tâm thần TP.HCM, cho biết, trong các thành phần của thuốc Recotus đáng lưu ý nhất là chất dextromethorphan HBr. Dù chất này không gây ra tình trạng nghiện vật vã như ma túy, nhưng chúng khiến người uống bị lệ thuộc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức. Người uống luôn có cảm giác thèm và nhớ đến cảm giác “phê” của thuốc.

Thuốc Recotus dễ dàng mua trên thị trường

Hậu quả của lối học thụ động?


Trước làn sóng HS sử dụng Recotus, cách đây chưa lâu Phòng GD-ĐT Q.4 đã yêu cầu các trường có biện pháp tuyên truyền HS không sử dụng thuốc tùy tiện, phổ biến cho phụ huynh học sinh (PHHS) hiểu về những tác hại của thuốc để phối hợp theo dõi, giáo dục con cái đúng cách. Các trường học của quận này cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ để tuyên truyền, giáo dục HS kỹ năng tự bảo vệ. Trường THCS Cửu Long đã in tài liệu về công dụng và tác hại của thuốc Recotus dán trên bảng thông báo, phòng y tế, phòng tham vấn tâm lý. Cán bộ y tế và giám thị thường xuyên nhắc nhở để ý những em có dấu hiệu lạ để phát hiện kịp thời. Ngay kỳ họp PHHS đầu năm học, nhà trường cũng phổ biến cho PHHS biết về hiện tượng này. Đồng thời yêu cầu PHHS phối hợp với trường để ngăn chặn, kiểm soát không cho các em sử dụng thuốc Recotus. Tuy nhiên, trường chỉ có thể tăng cường tuyên truyền nhắc nhở, không thể xử phạt các em. Nếu em nào rủ rê bạn bè uống Recotus thì nhà trường sẽ mời PHHS đến để giáo dục phối hợp.

Theo thừa nhận của nhiều trường, các biện pháp giáo dục HS “nói không với Recotus” hiện cũng chỉ là phần “ngọn”, vì thuốc gây nghiện này như những cơn sóng ngầm, chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì giáo viên mới biết. Cô Huỳnh Thị Kiều Oanh - chuyên viên tư vấn tâm lý, Trường THPT Gia Định - cho rằng: HS THCS và đầu cấp THPT có nhiều biến động về tâm lý, rất dễ bị tổn thương hoặc dễ bị lôi kéo vào những trò nguy hiểm. Ở lứa tuổi này, các em thường chơi theo nhóm; nghe lời bạn bè hơn gia đình, thầy cô. Bởi vậy, người lớn cần theo sát sự thay đổi ở các em để tư vấn, định hướng. Giai đoạn này cần sự quan tâm, yêu thương của người lớn, nhưng đôi khi người lớn, lại ít quan tâm hơn lúc còn nhỏ hoặc quan tâm không đúng cách. Một số HS tìm đến các loại thuốc này có thể do các em không chia sẻ được cảm xúc với ai nên tự đi tìm cách riêng. Khi uống, thuốc tạo cảm giác thoải mái, hưng phấn nên các em cứ tìm đến thuốc mà không đủ hiểu biết về những tác hại sau này của thuốc, hoặc biết nhưng vẫn bất chấp hậu quả.

Học sinh Trường THCS Bình An, Q.2 có dấu hiệu ngộ độc được tập trung lại để các bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân

BS Trần Duy Tâm tư vấn, với những HS mới sử dụng thuốc Recotus, nhà trường chỉ cần tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của thuốc đến từng em. Còn với HS đã chuyển sang liều cao, cần đưa HS đến BV Tâm thần điều trị liệu pháp tâm lý, ngưng sử dụng thuốc, tăng cường tập thể dục thể thao. Recotus có thể làm cho trẻ có hành vi bốc đồng, không kiểm soát được bản thân.

Dù Recotus được quy định bán theo toa, thế nhưng hiện nay một số nhà thuốc lại bán thuốc như bán… bánh kẹo. “Ngành y tế cần kiểm soát chặt chẽ hơn, phải có hình thức xử lý nghiêm, kể cả rút giấy phép kinh doanh đối với việc bán thuốc không đúng quy định”, BS Trần Văn Khanh đề nghị.

BS Trần Duy Tâm khuyến cáo: “Nếu thầy cô, phụ huynh thấy trẻ hay buồn ngủ, lừ đừ, ngủ gà, lười trò chuyện, hành vi tác phong bất thường thì phải nghi ngờ đến việc các em sử dụng chất kích thích, nhất là thuốc ho Recotus”.

(Theo Phụ nữ TPHCM)