-Từng là Bí thư đoàn trường, lại là giáo viên dạy Văn rồi giờ là Hiệu trưởng nên thầy Bùi Thành Đông chia sẻ: “Với học trò không thể quá cứng rắn. Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng hơn là để các em tự mò mẫm”.


Phát ngôn bất hủ

Những ngày qua tại Trường THPT Thanh Miện 1, huyện Thanh Miện, Hải Dương và trên facebook học sinh của trường xôn xao bởi phát biểu trong lễ chào cờ của hiệu trưởng Bùi Thành Đông rằng “học sinh có thể nhuộm tóc cũng như dùng di động khi ở trường”.
Hiệu trưởng Bùi Thành Đông (Ảnh: Vũ Lan)

Các học trò nhanh chóng gửi cho nhau những “phát ngôn bất hủ” của thầy. Với câu hỏi: Học sinh có được nhuộm tóc hay không? Thầy trả lời rằng: “Nhuộm tóc là đẹp, không đẹp thì làm sao nó được du nhập vào Việt Nam, không đẹp thì làm sao mà các diễn viên, ca sĩ cũng nhuộm? Nhuộm tóc là tiếp cận với văn minh của thế giới.

Thầy tán thành việc nhuộm tóc! Đó là cách làm đẹp! Con gái lớp 11, lớp 12 rồi cũng phải để cho các em làm đẹp. Nhưng khi đi nhuộm thì nhớ hỏi người nhuộm tóc là “Em đang là học sinh lớp 11, 12 thì nhuộm màu nào cho hợp, cho đẹp?” để người ta tư vấn cho. Nhuộm xong thì phải để cho người ta nhìn, 10 người thì 9 người khen “Ừ, nhuộm màu này cũng đẹp đấy!”. Con trai cũng thế, nhuộm một vài chỗ hay nhuộm cả đầu đều được nhưng đừng rực rỡ, sặc sỡ màu mè quá!”

Với câu hỏi: Học sinh có được sử dụng điện thoại? Thầy Đông cũng trả lời hết sức hóm hỉnh: “Bây giờ bảo là cấm các em dùng điện thoại cũng không được! Điện thoại thể hiện văn minh, văn hóa của nhân loại, nhưng không được dùng trong giờ học. Còn ngoài giờ thì được dùng, được nhắn tin, nhưng đừng yêu quá sớm. Yêu mà học giỏi thì hãy yêu, yêu mà học kém thì Stop!”

“Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng!”

Chiều 10/10, trao đổi với VietNamNet, hiệu trưởng Bùi Thành Đông cũng xác nhận việc này.

PV: Thầy có thể nói rõ lí do vì sao cho phép học sinh nhuộm tóc và dùng di động ở trường?

Hiệu trưởng Bùi Thành Đông:
Quan điểm của tôi học sinh nhuộm tóc không phải xấu nhưng phải giữ chừng mực cho học sinh phổ thông. Điện thoại di động cũng vậy. Các em giờ có nhu cầu liên lạc với bạn bè người thân. Tuy nhiên trong 45 phút thì tuyệt đối không được dùng. Cũng như lãnh đạo vào họp thì phải để máy tắt hoặc im lặng.

Mình cho rằng cái gì không quản lí được thì cấm. Nhưng làm sao cấm được.

Phát ngôn của Hiệu trưởng Bùi Thành Đông đa phần được học trò Trường THPT Thanh Miện 1, Thanh Miện, Hải Dương ủng hộ.

Một số người lo ngại những hành động thái quá có thể xảy ra từ hành động của thầy?

Phải có barie, chế tài khống chế. Nếu một buổi phát hiện học sinh đến trường với cái đầu lạ là đoàn thanh niên cùng các thầy cô phải tiếp cận các em ngay để hỏi han, khuyên giải. Trường làm nghiêm khắc với học sinh dùng di động trong giờ học. Nếu bị phát hiện các em có thể bị hạ hạnh kiểm.

Thầy có theo dõi phản ứng của học sinh trước quyết định của mình không?

Trước nay trường từng có trường hợp bị xử lí nên trường càng phải suy nghĩ. Thực sự nếu học sinh ăn mặc, đầu tóc phản cảm thì 9/10 người sẽ có phản ánh lại. Đoàn thanh niên đã “thổi còi” nhiều em.

Khi đưa ra quyết định, chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh xem ở chừng mực nào là đúng và phù hợp. Cái cần làm là hướng cho học sinh đến việc làm đúng tức là “vẽ đường cho hươu chạy đúng” (cười). Cái gì tốt, hay thì mình khuyến khích. Không phải ta học toàn bộ của nước ngoài nhưng có cái hay thì không nên cấm cửa.

Khi đưa ra quyết định mình cũng rất đắn đo. Từng làm giáo viên Văn, Bí thư đoàn trường rồi lãnh đạo mình càng thấy cần phải làm để “mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui”.

Học sinh tư tưởng thoải mái mới tiếp thu được bài. Với tuổi trẻ, không phải khắt khe quá là tốt. Nên để cho các em thấy đâu là điểm dừng, lúc nào nên đi và được đi. Vì trong cuộc đời sẽ có nhiều lúc các em cần xác định đâu là điểm dừng như chuyện tham gia giao thông thôi chẳng hạn.

Thậm chí các em yêu mà học giỏi thì hãy yêu. Trường hay bố mẹ cũng không thể cấm. “Con hươu” đằng nào cũng chạy rồi. Mình là người đi trước, có kinh nghiệm thì phải dạy các em “chạy thế nào cho đúng”, an toàn chứ để yên cho chạy lung tung là nguy hiểm lắm.

2012 chứ không phải 1912!


Thầy thấy học trò bây giờ khác xưa nhiều không?


Trò bây giờ ham hiểu biết, mạnh dạn hơn, năng động hơn. Thời chúng tôi, học trò vẫn thường được nói hiền hơn. Đất nước giờ mở cửa với thế giới. Nó như một cái cống mà nước trong, nước đục đều có. Giáo dục bây giờ có thể khó hơn xưa. Trò thay đổi, thầy cô không thể ngồi yên mà cũng phải vận động, lắng nghe và chia sẻ với các em nhiều hơn.

Có bao giờ thầy phải bất lực trước sự thay đổi quá nhanh của trò?

Là nhà giáo nếu nói bất ngờ thì có nhưng bất lực, bó tay thì không. Mình thường nói vui với thầy cô phải đặt mình ở năm 2012 chứ không phải 1912. Áp đặt suy nghĩ của thầy với trò là không thể. Trò mà miễn cưỡng là thực hiện là không ổn rồi. Ví dụ nhu cầu làm đẹp là của mọi người, đâu phải chỉ một người. Thời trang nhí còn có cơ mà. Tuổi THPT rất đẹp. Các em khao khát làm đẹp, cả bên ngoài lẫn vẻ đẹp trí tuệ. Nhưng với trò, mình khuyên vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ chính là thước đo người học sinh. Cuối cùng phải là người có đạo đức tốt, cống hiến cho xã hội.

Nhiều khi thấy đoàn trường làm việc cứng nhắc, mình phải chỉnh ngay.

Việc gì vậy thưa thầy?

Trước kia mình có giờ truy bài. Nếu trò đi muộn, đúng 6h45 đoàn trường sẽ đóng cổng. Vì trường trên đường giao thông lớn mà nếu thêm những ngày mưa phùn gió bấc thì học sinh sẽ ùn ngoài cổng, vừa nguy hiểm cho trò và người đi đường,…

Thấy vậy mình lập tức phải điều chỉnh, đề nghị vẫn cho các em vào nhưng phải nắm được danh sách từng em. Và xử lí các em cũng phải tùy trường hợp. Có em có lí do chính đáng thì chỉ nhắc nhở. Còn em thường xuyên đi học muộn lại càng phải quan tâm, tìm hiểu, động viên rồi mới đưa chế tài xử lí.

Trong sự nghiệp của mình, có trường hợp nào, hành động nào của giáo viên với học trò khiến thầy phải suy nghĩ không?

Thực sự thì làm giáo viên đôi khi không tránh khỏi va vấp, lỗi lầm. Nhưng vừa qua, sự việc thầy giáo ở trường mình lấy thước đánh vào đầu học sinh gây bức xúc trong dư luận khiến mình thực sự buồn lòng.

Giáo dục giờ không thể bằng roi vọt như xưa. Đây là bài học đắt giá đối với mỗi người như mình. Mình nói với các giáo viên “nếu là người làm giáo dục giỏi anh phải bình tĩnh, tìm hiểu và giảng cho trò hiểu. Ai xâm phạm đến học trò đều không được. Người thầy càng không được làm như vậy. Nó không chỉ làm xấu hình ảnh người thầy trong mắt trò mà đôi khi có thể dẫn tới những hành động tiêu cực khác khó lường.

Cảm ơn thầy! Chúc thầy mạnh khỏe, dạy tốt, quản lí tốt!

  • Văn Chung (Thực hiện)