Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại (The Great Brain Race) của GS Ben Wildavsky, một học giả có tiếng Hoa Kỳ, là một quyển sách rất súc tích và uyên bác, đã vẽ lên một bức tranh tổng thể về cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng trí tuệ và sự chạy đua nâng cấp hệ thống giáo dục đại học thế giới nhằm tạo ra tri thức và tinh hoa cho xã hội, do đó sẽ ảnh hưởng quan trọng lên việc định hình thế giới trong thế kỷ 21.


Bản đồ đại học và KHCN thế giới

Những năm gần đây, các chính phủ đều lao vào đầu tư những số tiền khổng lồ nâng cấp các đại học thành những thể chế học thuật ‘đẳng cấp thế giới’: từ các quốc gia của châu Âu, cái nôi của đại học, như Đức, Pháp; đến các quốc gia mới nổi lên như Saudi Arabia, Trung Quốc; từ châu Á đến châu Phi, châu Mỹ. Các đại học đẳng cấp thế giới có nhiệm vụ vừa đào tạo tinh hoa, tránh thất thóat chất xám, vừa thu hút chất xám thế giới.

Các quốc gia có kế hoạch ráo riết thu hút sinh viên nước ngoài. Singapore đang kỳ vọng thu hút 150.000 sinh viên cho đến năm 2015; Malaysia 100.000 đến năm 2020. Trung Quốc đang thu hút 196.000 sinh viên, đa số là sinh viên từ các quốc gia châu Á, cũng nhắm đến con số 300.000 đến năm 2025.

Saudi Arabia, một xứ sở của sa mạc và dầu hỏa, cũng tham vọng trở thành quốc gia có đại học đẳng cấp thế giới bằng việc đầu tư 10 tỉ USD (!) vào đề án khổng lồ KAUST (cái tên na ná KAIST, Viện khoa học khoa học công nghệ Tiên tiến của Hàn Quốc), Đại học Khoa học-Công nghệ nhà vua Abdullah, người trực tiếp bỏ tiền ra, để đưa nền học thuật trở lại thời đại vàng son Hồi giáo, và để thu hút chất xám làm ‘xanh tươi’ đất nước sa mạc, và cho cả vùng Ả Rập rộng lớn. Số tiền này mới chỉ là vốn khởi động; trong khi số vốn đầu tư được chờ đợi lên đến con số 25 tỉ USD, chỉ đứng thứ hai sau Harvard. Vua Abdullah cũng cho phép KAUST không chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục, do Bộ này nổi tiếng quan liêu.

Trung Quốc là một ‘tay chơi’ đầy tham vọng khác, từ thập niên 90 đã đầu tư nhiều chục tỉ USD để nâng cấp một trăm trường đại học và tập trung tạo ra chín trường đẳng cấp quốc tế, tập hợp dưới cái tên C9, một kiểu Ivy League của Trung Quốc (Phúc Đán, Nam Kinh, Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, Bắc Kinh, Giao thông Thượng Hải, Thanh Hoa, Đại học Khoa học Công nghệ An Huy, Giao thông Tây An, Chiết Giang).

Ấn Độ đang nỗ lực nhân rộng mô hình IIT, Indian Institute of Technology, Học viện công nghệ Ấn Độ, nơi ươm tài năng Ấn Độ nổi tiếng và được thành lập từ những thập niên 50 lúc quốc gia giành lại độc lập. ITT là một niềm tự hào dân tộc. Các công ty toàn cầu như Boston Consulting và McKinsey hằng năm đến để đón bắt các tài năng giỏi, sáng chói nhất của Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ đã không làm những cuộc bứt phá, và hiện nay, tuy đi trước rất lâu, nhưng bị coi là tụt lại phía sau Trung Quốc.

Hàn Quốc. Xây dựng trên các cơ sở hợp tác chiến lược với các đại học nước ngoài, phần lớn với Hoa Kỳ, và thuê các nhà khoa học, quản lý hàng đầu. Năm 2008, Hàn Quốc đưa ra “chương trình các đại học đẳng cấp thế giới” với quỹ 800 triệu USD cho 5 năm nhằm ‘nhập khẩu’ các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, thường là bán thời gian. 1.000 nhà khoa học đã nộp đơn trong mười tháng đầu, trong đó 40% đến từ Hoa Kỳ, có cả nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel. Hàn Quốc hy vọng những nhà khoa học này sẽ xây dựng các chương trình nghiên cứu chuyên ngành, hoặc các ngành khoa học mũi nhọn mới.

Singapore là quốc gia hợp tác có lẽ mạnh mẽ nhất với các đại học hàng đầu Hoa Kỳ. Họ đã nhắm mục tiêu đem mười đại học quốc tế vào, và đã thành công với sáu đại học. Đặc biệt, năm 2007, họ đã đưa được MIT vào trung tâm nghiên cứu tại khuôn viên nghiên cứu quốc gia CREATE (Campus for Research Excellence and Technological Enterprise). Năm 2007, họ cũng thành lập Singapore International Graduate Award, SINGA, một loại học bổng sau tiến sĩ dành cho sinh viên ngoại quốc muốn tiếp tục nghiên cứu tại hai Đại học NUS và NTU. Mỗi năm có khoảng 240 học bổng SINGA được cấp, với những tiêu chuẩn chọn lọc chặt chẽ. Tuy chương trình kết nối với các đại học hàng đầu nước ngoài không phải lúc nào cũng thành công, một số đại học ‘bỏ cuộc’ (Warwick, Johns Hopkins, New South Wales), nhưng nói chung, Singapore đã rất thành công trong nỗ lực của mình để trở thành một powerhouse của tri thức toàn cầu.

Xếp hạng đại học


Cuộc chạy đua đại học thế giới được tăng tốc từ một phát súng của những ý tưởng ‘điên rồ’ về xếp hạng, ranking, các đại học thế giới vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu 21. Năm 1997, tạp chí Asiaweek đã làm một cuộc xếp hạng, nhưng chỉ giới hạn vào các đại học châu Á. Năm năm sau, 2002, Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ của Thụy Sĩ công bố ‘liên đoàn của các quán quân’, champion league, dành cho các đại học và viện nghiên cứu dựa trên các bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học. Nhưng bảng xếp hạng quy mô đầu tiên cho đại học thế giới được công bố năm 2003 dưới cái tên Academic Ranking of World Universities, ‘Xếp hạng hàn lâm của các đại học thế giới’, của Viện Giáo dục đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải. Một năm sau, 2004, báo Times London đưa ra bảng xếp hạng Times Higher Education Supplement, viết tắt THES. Các tiêu chí này khác hơn, ‘toàn diện hơn’ (holistic), như số sinh viên tốt nghiệp làm ở những công ty toàn cầu, tỉ lệ giáo sư nước ngoài, tỉ lệ sinh viên/giáo sư.

Châu Âu đang nỗ lực tạo ra một bảng xếp hạng mới: “Bảng xếp hạng đại học toàn cầu đa chiều” (viết tắt U-Multirank) để chú ý hơn các yếu tố khác và các ngành khoa học nhân văn, xã hội, chất lượng giảng dạy, đầu ra… Hiện đã có vài chục bảng xếp hạng, phần lớn mang tính chất địa phương hay khu vực.

Nhiều người không đồng tình với việc xuất hiện của các bảng xếp hạng. Uwe Brandenburg, giám đốc “Trung tâm phát triển giáo dục đại học” của Đức đã mượn lời nhà bác học Albert Einstein để nêu lên tính tranh cãi: “Không phải cái gì có thể đếm được là có giá trị, và không phải cái gì có giá trị là có thể đếm được”. Nhưng các bảng đánh giá trên có ảnh hưởng rất lớn không thể chối cãi lên dư luận, sinh viên, nhà quản lý, nhà làm chính sách, chính phủ. GS Philip G. Altbach của Đại học Boston nhìn nhận rằng các hình thức xếp hạng có một ‘vai trò hữu ích’ vì ‘soi sáng các mặt then chốt của thành tựu hàn lâm’ (cũng như những thất bại).

Còn tiếp....

(Theo Nguyễn Xuân Xanh/ Tia Sáng)