- Dù đã có dự báo trước nhưng sự thể lại chuyển biến quá nhanh, chỉ mới tròn 4 tháng ký ban hành (từ 16/5) và khâu triển khai chưa rốt ráo. Ở nhiều địa phương, UBND tỉnh còn chưa ban hành được quy định chính thức về vấn đề này thì những gì đang xảy ra trên thực tế cho thấy Thông tư số 17 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã có biểu hiện của sự phá sản.
Ảnh: Lao động |
Sự phá sản này thể hiện trước hết ở tính khả thi của một văn bản quy phạm pháp luật.
Ai cũng biết dạy thêm, học thêm hiện nay không còn là chuyện riêng của ngành GD-ĐT và từ lâu đã được khẳng định là một nhu cầu có thật xuất phát từ sự quá tải của chương trình giáo dục phổ thông và chế độ thi cử hiện hành của Việt Nam.
Dạy thêm thực tế còn là một nghề sạch sẽ, nhẹ nhàng nhưng mang lại thu nhập tương đối khá cao, thậm chí là rất cao cho một bộ phận không nhỏ giáo viên.
Thực tế, dạy thêm - học thêm đã trở thành một bộ phận cấu thành toàn bộ những hoạt động của xã hội Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.
Dạy thêm - học thêm thực sự đang là ký sinh tương tác của nền giáo dục quốc dân Việt Nam… Như vậy, với một thông tư của Bộ GD-ĐT thì làm sao có thể điều chỉnh được? Chưa kể, trong thông tư này còn rất nhiều điểm không hợp lý và bất cập đã được công luận chỉ ra ngay khi nó còn là văn bản dự thảo.
"Bản thân Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT đã “có vấn đề” vì chưa phản ánh đúng thực tế dạy thêm học thêm. Người vận dụng thông tư này một cách cứng nhắc, thiếu tình người đã gây ra sự xúc phạm đối với nhà giáo. Nếu chiếu theo thông tư 17, có thể giáo viên đã sai nhưng tại sao đoàn kiểm tra liên ngành không gửi văn bản nhắc nhở đương sự trước. Nên nhớ rằng nghề giáo là nghề nhạy cảm, lập biên bản các thầy, các cô trước mặt học trò thì quá bẽ bàng." Thầy Nguyễn Thanh Hoàn (giáo viên TP.HCM) |
Đâu phải chỉ các trường đóng ở các thành phố, thị xã, thị trấn mới có dạy thêm - học thêm mà ở đâu cũng có trừ những nơi những nơi đặc biệt khó khăn như miền núi, hải đảo, vùng dân tộc ít người….
Ban giám hiệu (BGH) trường nào cũng cùng lúc làm hai nhiệm vụ quản lý các hoạt động giáo dục chính khóa và dạy thêm - học thêm.
Nhiều trường vẫn giữ nguyên hình thức và cơ chế quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm như trước khi có quy định mới mà không cần phải thay “bình mới”.
Chuyện cho học sinh làm đơn “tự nguyện xin học thêm” có từ lâu bất quá bây giờ nhà trường soạn thêm mấy câu có nội dung liên quan đến quy định mới về dạy thêm - học thêm.
Có lẽ trong những cái thuộc về hình thức thì “làm đơn tự nguyện xin học thêm” là hình thức nhất. Nhưng đâu phải học sinh muốn học thêm môn nào thì tùy ý mà “chọn một môn phải học hết các môn”. Và, quy định “tổ chức các lớp học thêm theo trình độ” thật sự là bất khả thi nếu không muốn nói là không tưởng. Tất cả lớp học thêm cũng chính là lớp chính khóa và nội dung dạy thêm - học thêm, một phần là chương trình chính khóa.
Lại nữa, giáo viên được bố trí dạy thêm chính lớp mình dạy chính khóa mà trong đó không ít người yếu kém về năng lực chuyên môn. Về phía học sinh và gia đình, đâu phải tất cả đều muốn học thêm. Hãy làm thử một cuộc điều tra xã hội sẽ thấy kết quả rất bất ngờ. Qua đó, cho thấy mong muốn được dạy thêm - học thêm lại xuất phát từ nhà trường và bản thân một số giáo viên. Tất cả “vì HS thân yêu” chỉ là câu nói cửa miệng còn vì thành tích và vì có thêm thu nhập mới là thực chất của vấn đề.
Còn dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường thì sao? Người dạy đa số vẫn là giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm ở nhà cho học sinh chính khóa của mình dù nhiều hiệu trưởng khẳng định “chưa cấp phép cho ai” và “chỉ cấp phép cho những giáo viên dạy giỏi sau khi kiểm tra cơ sở vật chất dạy và học đạt yêu cầu”. Tất nhiên ở những lớp học này giờ thì “kín đáo” hơn.
Bên cạnh đó, một số giáo viên đã linh hoạt chuyển đổi phương thức hoạt động cho phù hợp với quy định mới mà vẫn bảo toàn được nguồn thu và còn được thêm nhiều cái lợi khác.
Thay vì mở lớp tại nhà với sĩ số lên đến vài chục học sinh mỗi ca, vừa phải xin và chờ cấp phép lại phải đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất mà trong thực tế rất ít nơi dạy thêm ở nhà của giáo viên nào đạt được học chuyển sang dạy kèm hay nói cách khác là làm “gia sư” chừng 3 hoặc 4 học sinh mỗi ca tại nhà của các em.
Tất nhiên, 3 hoặc 4 học sinh phải là con em của những gia đình khá giả, giàu có để có thể “tự nguyện” đóng khoản học phí bằng với vài chục học sinh bình thường. Người dạy lại chẳng cần phải xin phép cũng không phải lo về cơ sở vật chất. Với cách làm này trong khi khẳng định “dạy thêm - học thêm là một nhu cầu có thật” thì sự thua thiệt lại giáng xuống những học sinh con nhà nghèo hoặc có khó khăn về kinh tế.
Dạy thêm - học thêm là một nhu cầu có thật, xưa nay vẫn thế nhưng cái kiểu đang diễn ra ở nước ta hiện nay là không bình thường, đã trở thành bệnh nhưng không phải là loại cảm sốt thông thường, tuy chưa phải là nan y nhưng rõ ràng là khó trị.
Ai cũng biết, có chẩn đúng “căn” của bệnh rồi cho đúng thuốc thì mới trị được bệnh. Phương thuốc “Thông tư 17” mà Bộ GD-ĐT đã bốc và đang điều trị cho "con bệnh" dạy thêm - học thêm thực tế đã không làm thuyên giảm bệnh tình mà còn gây tác dụng phụ, phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm. Cần thiết phải có một cuộc hội chẩn mới ở một “hội đồng y khoa” cấp cao hơn để tìm ra cho được nguyên nhân bệnh lý và kê đúng thuốc mới hy vọng đẩy lùi được con bệnh dạy thêm - học thêm này.
- Lê Minh Hoàng (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)