- Xét tính khả thi trong cân đối nguồn ngân sách cũng như khả năng trả nợ của SV và gia đình, đại diện Bộ Tài chính cho rằng đây chưa phải thời điểm tăng mức hỗ trợ tiền vay vốn cho sinh viên nghèo từ 1 triệu đồng/tháng lên mức 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính.

Chiều 15/10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội VN (CSXH), Ngân hàng chính sách xã hội Thanh Hóa đã có buổi tọa đàm trả lời những thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên nghèo có tiền theo học.

Đủ vốn cho SV vay

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính: “Chương trình cho SV nghèo vay vốn ưu đãi là chủ trương lớn của Đảng, NN và Chính phủ và được bố trí nguồn vốn ổn định để đảm bảo cho thực hiện chương trình”. 

Để cân đối cho chương trình vay vốn này, theo tính toán ban đầu của Bộ Tài chính cho chu kỳ tối đa 5 năm, các SV sẽ trả nợ trong chu kỳ tiếp theo 5 năm nữa, thì cần nguồn vốn quay vòng từ 45-50.000 tỷ đồng. 

Cơ cấu nguồn vốn được bố trí với khoảng 1/3 vốn của nhà nước, NHCSXH huy động 2/3 từ thị trường để đảm bảo nguồn vốn cho học sinh sinh viên. 

Trong thời gian qua, do khó khăn nhất định từ thị trường tài chính, có lúc NHCSXH cũng chưa huy động kịp thời nguồn vốn từ thị trường, nhưng Bộ Tài chính, NHNN, các bộ, ngành cũng như Chính phủ đã chỉ đạo rõ không để khó khăn ảnh hưởng tới nguồn vốn NHCSXH cho học sinh, sinh viên. 

Trong học kỳ I năm 2012-2013, 2.500 tỷ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của Ngân hàng thế giới đã được dành cho NHCSXH giải ngân cho SV. 

Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Lò Văn Đức thông tin: “Việc thu nợ hiện rất khả quan. Qua 9 tháng của năm 2012 số tiền đã đạt 2.600 tỷ đồng, đến 31/12 có thể đạt 3.000 tỷ đồng, sẵn sàng đủ vốn cho HS-SV vay”.

Với số tiền này, Bộ Tài chính khẳng định đã đủ nguồn vốn cho SV vay trong học kỳ I năm 2012-2013.

Kịp thời giải quyết vướng mắc

Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa, địa phương có số dư nợ cao nhất cả nước.

Trả lời câu hỏi của sinh viên nghèo Lê Thị Hoa (Trường ĐH Thủy lợi) hiện vẫn chưa được vay vốn ưu đãi dù thuộc diện được vay và năm học đã bắt đầu, ông Nguyễn Tiến Trứ Phó GĐ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa, địa phương có số dư nợ cao nhất cả nước khẳng định: 

“Với 637 chi nhánh xã, phường, trên 6.000 thôn bản, trên 10.000 tổ tiết kiệm việc thực hiện diễn ra tương đối nhanh. Đối với hộ gia đình có con theo học khi có giấy báo nhập học, có hồ sơ xin vay vốn thì chúng tôi sẽ tổ chức giải ngân ngay”. 

Tính đến hết tháng 9, tại Thanh Hóa đã cho học sinh, sinh viên vay 2.352 tỷ đồng, tính tổng cộng trong 5 năm qua dư nợ đạt trên 2.700 tỷ đồng, riêng trong năm học 2012-2013 chúng tôi đã giải ngân trên 400 tỷ đồng…100% HS-SV nghèo ở Thanh Hóa được tiếp cận vay vốn.” 

Ông Trứ đề nghị SV có thể liên hệ với trưởng thôn để thực hiện các thủ tục vay vốn, nếu có vướng mắc thì có thể xem lại thông tin, thông báo tại xã và tại xã có số điện thoại nóng để liên hệ với ngân hàng giải đáp, giải quyết… 

Chung tay giải quyết khó khăn cho SV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết hàng năm Bộ đều có băn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về chương trình tới toàn thể HS-SV; yêu cầu các trường sớm cấp giấy chứng nhận cho HSSV để làm thủ tục vay vốn. 

Những học sinh, sinh viên nào chắc chắn được lên lớp, tiếp tục học phải cấp giấy chứng nhận sớm cho các em để làm thủ tục vay vốn. Một số trường hợp thi lại, buộc thôi học thì nhà trường cần kịp thời thông báo cho ngân hàng CSXH, tránh việc thất thoát vốn.

Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với NH CSXH nắm thông tin, xử lý những vướng mắc phát sinh, quản lý và thu hồi vốn sau khi sinh viên ra trường. 

Thứ ba, Bộ đã triển khai cùng Bộ LĐTBXH xây dựng website vay vốn đi học phục vụ công tác quản lý tín dụng, xây dựng thông tư hướng dẫn, cung cấp thông tin trên trang này.

Về thắc mắc giấy xác nhận mới và cũ của NH CSXH gây khó khăn cho SV khi làm thủ tục, ông Lò Văn Đức, Giám đốc Ban Tín dụng Học sinh sinh viên, Ngân hàng CSXH VN cho hay: “Hiện ngân hàng vẫn chấp nhận cho cả 2 loại giấy này đến ngày 30/6. Sau thời gian này sẽ thống nhất dùng loại giấy xác nhận mới”.

Chưa tăng tiền hỗ trợ vay vốn

  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý.

Đại diện ngân hàng CSXH Thanh Hóa và người dân đề xuất tăng vức cho vay với SV từ 1 triệu đồng/tháng hiện nay lên 1,5 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với những khó khăn với SV đang theo học tại Hà Nội và Tp.HCM rằng hiện nay mức vay 1 triệu đồng/tháng rất khó cho chi trả sinh hoạt đắt đỏ và giá cả leo thang nhưng ở các địa phương khác con số này theo SV phản ánh là đủ. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng: 

“1 triệu đồng không phải là cao. Tuy nhiên xét từ mục tiêu của chương trình là kêu gọi xã hội hóa, nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình, xã hội tham gia một phần để đảm bảo nguồn vốn chung cho học sinh đi học chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước”. 

“Nếu tăng tiền vay, con số này sẽ rất lớn, Bộ Tài chính đã tính toán cân nhắc sợ rằng ảnh hưởng tới tính khả thi của chương trình. Do vậy, chúng tôi vẫn duy trì mức tối đa là 1 triệu đồng/ tháng” – ông Ngọc Anh cho biết.

Việc tính toán, theo ông Ngọc Anh cũng đã tính đến khả năng trả nợ của các gia đình và đảm bảo các SV đủ tiền đóng học phí. 

Dù chưa tính đến tăng tiền hỗ trợ nhưng theo ông Ngọc Anh: “Bộ Tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả thị trường để có thể trình Chính phủ ban hành mức điều chỉnh phù hợp và khả thi trong trường hợp cần thiết”.

  • Văn Chung (ghi)