Chỉ vì làm mất số tiền quỹ lớp hơn 600.000đ, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã tìm đến cái chết. Sự ra đi của cô học trò ngoan đã để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè.
Di ảnh của em Tú |
Ngày 16/10, chúng tôi đến Trường THCS Trung Lập. Sự ra đi bất ngờ của Tú vẫn còn khiến nhiều thầy cô, bạn bè bàng hoàng, đau xót. Đối với gia đình em, nỗi đau mất con, mất cháu như xé lòng. Vừa đưa con gái đến nơi an nghỉ ngày hôm qua, bà Đặng Thị Huệ, mẹ em, lặng lẽ ngồi trong góc nhà lật giở từng kỷ vật của con. Bà kể trong nước mắt: Giữa tuần trước, Tú làm mất hơn 600.000đ tiền quỹ của lớp. Cô chủ nhiệm có la Tú vài câu. Ngày 7/10, tôi đi họp phụ huynh nhưng chẳng nghe cô chủ nhiệm nói gì. Đến sáng 8/10, cô chủ nhiệm yêu cầu Tú phải đem trả số tiền đó lại cho lớp vào buổi chiều cùng ngày. Nghĩ nhà mình nghèo khó, Tú không dám nói với tôi, nên trưa đó nghĩ quẩn rồi mua thuốc diệt cỏ về uống.
Khi phát hiện Tú bị ngộ độc thuốc, gia đình đã đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện Củ Chi rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Do thời gian ngấm thuốc quá lâu nên phải tiến hành lọc máu, mỗi lần lọc tốn hơn 20 triệu đồng. Gia đình nghèo nhưng cũng gắng chạy vạy để cứu con. Đến lần lọc thứ hai, sức khỏe của Tú yếu hẳn. Vậy là gia đình đành đưa con về trong nước mắt. Ông Nguyễn Văn Dũng, cha Tú nghẹn ngào kể: “Không đành để con ra đi như thế, còn nước còn tát, gia đình tiếp tục vay tiền để đưa con lên Đak Lăk chữa trị nhưng cũng không khỏi. Đến ngày 13/10, Tú mất tại nhà. Thiếu nợ bao nhiêu tôi cũng chịu nhưng không muốn mất con”. Nói đến đây, ông quay lưng lau những giọt nước mắt.
Bên di ảnh đứa con gái út, gia đình em ước ao: giá như lúc đó Tú nói với gia đình, cô chủ nhiệm cho phụ huynh biết chuyện, có lẽ Tú đã không suy nghĩ cùng quẫn như vậy.
Theo bà Vũ Cẩm Vân, chuyên viên tâm lý Hội quán Các bà mẹ, hiện tượng trẻ tự tử khá phổ biến ở lứa tuổi dậy thì. Do tâm lý có nhiều biến động, các em thường trầm trọng hóa vấn đề gặp phải, dễ sợ hãi với người lớn, mặc cảm với bạn bè nếu mắc lỗi. Vì vậy, người lớn, nhất là cha mẹ phải quan tâm tìm hiểu vấn đề của trẻ để chia sẻ kịp thời. Trường hợp em Tú làm mất tiền chắc chắn về nhà phải có những biểu hiện lo lắng, nhưng có thể do gia đình đi làm cả ngày không nhận ra sự thay đổi của em. Mặc khác, có thể em ý thức hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không dám trình bày sự việc với cha mẹ. Cũng có thể, cách mà giáo viên góp ý với em đã gây áp lực… Sâu xa hơn, chương trình giáo dục của ta chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng ứng phó, giải quyết vấn đề cho học sinh. Mặc khác, ở đây còn thể hiện sự thiếu kết hợp giữa gia đình và nhà trường.
Chúng tôi mang những câu hỏi ray rứt này đến Trường THCS Trung Lập nhưng ban giám hiệu đi vắng, điện thoại hẹn gặp không ai nhấc máy. Khá bất ngờ, trao đổi qua điện thoại vào chiều 16/10, bà Nguyễn Thị Loan, Phó Phòng GD-ĐT Củ Chi lại né tránh. Theo bà Loan, không có căn cứ để nói là em này (em Tú) giữ quỹ làm mất rồi tự tử. Sáng nay, 16/10, Trường THCS Trung Lập có gửi tờ trình báo cáo có một học sinh tự tử chết tại nhà. Trường không thấy em này đi học nên điện thoại về nhà và được gia đình cho biết là em uống thuốc tự tử. Nhà trường cho biết, nguyên nhân chưa được xác định nên Phòng GD-ĐT hoàn toàn không biết gì về chuyện em này có giữ quỹ hay không. Dự kiến, ngày 17/10, Phòng GD-ĐT sẽ làm việc với trường về trường hợp này…
Lẽ nào, một sự việc thương tâm phải trả giá bằng sinh mệnh của một học sinh lại không có gì để rút kinh nghiệm? Nếu không nhìn thẳng vào bản chất vụ việc, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường, rèn luyện kỹ năng sống cho các em thì làm thế nào để hạn chế những vụ việc đau lòng tương tự có thể xảy ra?
(Theo Phụ nữ TP.HCM)