- Trẻ dễ bị tổn thương, thậm chí suy sụp khi gặp những tình huống khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống. Những tổn thương tâm lý, nếu không khéo giải quyết sẽ dẫn đến tự ti, trầm cảm thậm chí bất mãn, nghĩ quẩn, làm liều...
Dễ bị tổn thương
Con gái về nhà mắt đỏ hoe. Chị Hương gắng hỏi, nhưng càng hỏi bé càng khóc nức nở. Sau một hồi bình tĩnh lại, bé Na con chị mới bắt đầu kể: Hôm nay, bé bị cô giáo chủ nhiệm mắng là “đồ vô tích sự”, vì làm tổ trưởng mà để các bạn nói chuyện riêng.
Ảnh minh họa |
Chị nghe mà nghẹn lòng, không hiểu sao cô giáo lại cư xử với một đứa trẻ như vậy. Những ngày sau đó, bé rất sợ lên lớp, nhất là những giờ học cô giáo chủ nhiệm. Chị Hương đã an ủi, động viên và gặp cô giáo để giải quyết vấn đề tâm lý cho bé. Tuy nhiên, lời nói của cô giáo đã để lại sự mặc cảm, tự ti đối với bé. Nhiều ngày sau đó, bé vẫn hỏi mẹ: Con có phải đồ vô tích sự không mẹ?
Có rất nhiều câu chuyện tương tự về việc trẻ bị tổn thương, thậm chí suy sụp khi gặp những tình huống khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống. Những tổn thương tâm lý, nếu không khéo giải quyết sẽ dẫn đến tự ti, trầm cảm thậm chí bất mãn, nghĩ quẩn, làm liều. Đến mùa thi ĐH, hầu như năm nào cũng có trường hợp học sinh tự tử vì thi trượt.
Dạy con ngoan chưa đủ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Trẻ em chỉ cần biết nghe lời, làm việc tốt, tránh cái xấu và tập trung vào học hành thế là đủ. Cha mẹ rất yên tâm vì con học tốt, giáo viên khen ngoan. Cho đến khi con gặp những sự cố rất nhỏ nhưng không vượt qua được thì cha mẹ mới xem lại cách giáo dục của mình. Các em chưa được trang bị kỹ năng xử lý những tình huống xấu, đối mặt với thất bại...
Trẻ em ở thành phố đôi khi lại thụ động hơn trẻ em ở các vùng quê vì cha mẹ chúng đã làm thay chúng quá nhiều việc. Một đứa trẻ ngoan, học giỏi nhưng thiếu kỹ năng sống thì rất khó có thể thành công trong cuộc sống như cha mẹ mong muốn.
Học cách chấp nhận
Làm cha mẹ, ai cũng muốn chọn cho con môi trường xã hội tốt, trường học thân thiện, con ngoan, học giỏi, thi đâu thắng đó. Tuy nhiên, cuộc sống thì không bao giờ trọn vẹn được như vậy. Nếu cứ cố chấp phải như vậy thì chỉ tạo thêm áp lực lên con cái và áp lực lên gia đình mà thôi. Muốn chiến thắng hoàn cảnh thì đầu tiên phải hiểu và chấp nhận hoàn cảnh rồi thích nghi, chứ không phải oán trách nó.
Có những điều trong cuộc sống đã thành quy luật mà con người không thể thay đổi được. David Richo – một nhà tâm lí học nổi tiếng người Mỹ đã nêu lên năm điều định sẵn vốn luôn luôn hiện hữu trong mỗi đời người:
“Mọi thứ đều thay đổi và chấm dứt.
Mọi việc luôn không diễn ra theo kế hoạch.
Cuộc sống không phải luôn công bằng.
Đau khổ là một phần tất yếu của đời sống.
Người khác không luôn luôn yêu thương và trung thành với chúng ta.”
(trích 5 sự thật không thể thay đổi)
Vậy thì, việc con bị điểm kém, thi trượt, bị bạn đánh, cô giáo mắng…là hết sức bình thường, không nằm ngoài quy luật. Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn tâm lý để khi gặp tình huống xấu cũng hết sức bình tĩnh giúp con vượt qua. Chấp nhận như thế không phải là đầu hàng, buông xuôi, mà đó là cách nhìn nhận đúng đắn về môt sự thật không thay đổi được. Chấp nhận chính là bước khởi đầu đầy can đảm, vươn lên để sống cùng thực tại.
Dạy trẻ cách thích nghi
Để có thể vững vàng trước những tình huống tiêu cực trong cuộc sống, cha mẹ cần cho con thực tập từ gia đình trong những tình huống dễ đến khó. Cha mẹ có thể cùng con chơi các trò chơi trong đó cha mẹ sẽ đưa ra những tác động tiêu cực cho trẻ xử lý. Khi trẻ xử lý sai cha mẹ hãy hỏi lý do tại sao trẻ lại làm vậy, còn cách nào tốt hơn không? Sau đó, cha mẹ đưa ra cách giải quyết và giải thích cho trẻ hiểu .Qua đó, cha mẹ dạy con kiểm soát cảm xúc, chấp nhận sự việc, phân tích đúng sai rồi giải quyết vấn đề.
Phụ huynh cần phải làm gương cho trẻ về việc làm chủ cảm xúc. Trong gia đình, hãy dạy con thói quen không hành động nói năng khi mất bình tĩnh. Đó là bước đầu làm chủ cảm xúc. Điều quan trọng mà cha mẹ cần giúp con hiểu là vượt lên chính mình mới mang lại niềm vui hạnh phúc chứ không phải là hơn thua với mọi người.
Để làm được như vậy, bậc phụ huynh cần phải tâm sự thường xuyên với con cái như những người bạn để tạo cho chúng niềm tin. Trong khi trò chuyện phải lắng nghe, trao đổi, không được mang tính chất giáo dục cưỡng ép. Ngoài ra, cha mẹ cần kết hợp khen - chê, thưởng - phạt linh hoạt để vừa răn đe, vừa động viên trẻ trên mỗi bước hoàn thiện nhân cách.
- Trần Quốc Tuấn