- Sau bài phản ánh tình trạng đi học thêm từ lúc gà gáy tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên) - Sở GD-ĐT tỉnh này đã tìm hiểu và khẳng định "thông tin đúng sự thật".

Một lớp học thêm tại làng biển Phú Đông (TP Tuy Hòa) dạy thêm từ sáng sớm. Ảnh: Dân Việt

Đi sớm, về muộn hơn bố mẹ


Theo báo Nông thôn Ngày nay, chỉ trên một đoạn đường 100m trước UBND xã, đã hơn 8 giờ tối nhưng khoảng 10 điểm dạy thêm vẫn còn sáng đèn, học sinh chen chúc nhau.

Một cán bộ xã Hòa Đồng, cũng là phụ huynh học sinh lớp 9 cho biết con gái anh có một ca học thêm lúc 20h30 và một ca từ 4h30 tới 6 giờ sáng. Một học sinh lớp 7 khác cũng chia sẻ lịch học dày đặc của mình: học thêm môn ngữ văn một buổi 5-7 giờ sáng và một buổi 17-19 giờ chiều; môn vật lý một buổi 5-7 giờ sáng, một buổi 17-19 giờ chiều; môn toán hai buổi 5-7 giờ sáng và một buổi 18-20 giờ tối; môn tiếng Anh thì thường là học sau 19 giờ tối.

Ông Mai Ne - Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cũng là phụ huynh của một em lớp 10, cho biết con trai ông học lớp chọn nên học chính khóa 2 buổi/ ngày, vì thế nên buộc phải học thêm vào những giờ trái với quy định dạy thêm. Ông Mai Ne cho rằng việc học thâu đêm suốt sáng của trẻ là “rất phản khoa học”.

Trái lại, một số phụ huynh chia sẻ, con xin đi học thêm, dù vào những giờ bất thường nhưng không dám cản vì “sợ con thua bạn bè” và “mong con học để thoát cảnh khổ”. Một phụ huynh có 3 con đang học THCS và THPT ở xã Hòa Đồng cho biết: “Tụi nó đi học thêm từ gà gáy đến khuya. Sáng tụi nó thức dậy trước tui, tối về ngủ sau tui nên nhiều ngày chẳng thể nói chuyện với con. Chi phí học thêm cho mỗi đứa mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Vợ chồng tui làm ruộng, làm mướn è cổ mà nhà cửa cứ trống trơn...”.

Ông Ngô Ngọc Thư - phó GĐ Sở GD-ĐT Phú Yên khẳng định với báo Dân Việt rằng, việc dạy thêm như vậy là sai quy định. Đồng thời, ông cũng không đồng tình khi Hiệu trưởng TrườngTHCS Nguyễn Thị Định và Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) – 2 trường có giáo viên được phản ánh là đã dạy thêm trái quy định - nói rằng họ không hề biết tình trạng này.

Theo ông, “ở mỗi trường, hiệu trưởng là Trưởng ban chỉ đạo dạy thêm - học thêm của trường. Chuyện dạy thêm trái giờ, nếu hiệu trưởng nói không biết thật khó hiểu. Nói “không biết” là quá sai rồi!”

Lỗi tại ai?


Báo Tuổi Trẻ cho biết, sau khi phát hiện sự việc, Sở GD-ĐT Phú Yên đã yêu cầu kỷ luật 18 giáo viên THCS, THPT ở huyện Tây Hòa vì vi phạm thời gian quy định dạy thêm. Cụ thể, trong số này có 3 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Định (xã Hòa Đồng) và 15 giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong. Trong số18 giáo viên vi phạm có 4 giáo viên dạy thêm trước 7h, 2 giáo viên dạy sau 19h, 11 giáo viên dạy ngày Chủ nhật và 2 giáo viên không có giấy phép dạy thêm.

Ông Ngô Ngọc Thư cho biết từ ngày 11-10, Sở đã quyết định đình chỉ việc dạy thêm đối với các giáo viên vi phạm, đồng thời đề nghị xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm. Sở GD-ĐT Phú Yên cũng cho biết từ ngày 20-10, Sở không cấp phép dạy thêm tại nhà riêng cho bất cứ giáo viên nào trên địa bàn.

Về phía giáo viên, một số nói rằng dạy thêm vào sáng sớm và buổi tối là do phụ huynh yêu cầu. Cô N.T.K., dạy văn ở Trường THCS Nguyễn Thị Định, một trong bốn giáo viên dạy thêm trước 7h, phân trần: “Đó là lớp dạy thêm cho 8 học sinh lớp 7, đa số các cháu là con cháu của đồng nghiệp và người quen của tôi. Lớp 7 học chính khóa buổi chiều, trong khi tôi dạy trên trường buổi sáng nên chỉ có thể bố trí cho các cháu học lúc 17h30. Nhưng nhiều phụ huynh đề nghị tôi nên mở lớp lúc 5h30 sáng, vì nếu dạy vào chiều tối các cháu sẽ mệt mỏi, đói sau giờ học chính khóa, khó nạp kiến thức”.

Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Ngô Ngọc Thư khẳng định việc học thêm tràn lan, giờ giấc oái oăm cũng một phần là lỗi của phụ huynh, chứ không hoàn toàn ở giáo viên. “Tương lai họ định đầu tư cho con vào lĩnh vực nào thì đưa con đến thầy giỏi để bồi dưỡng, nâng cao môn đó” – ông Thư nói.

Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng vì các cô dạy thêm nhiều lớp, nhiều khối nên phải bố trí như vậy mới đáp ứng được nhu cầu học sinh.

Giáo viên cũng khổ tâm

Ông Cao Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định - cho biết: “Cả ba giáo viên vi phạm đều là những người dạy giỏi, có cống hiến cho trường hàng chục năm qua, nay chỉ vì vi phạm thời gian về dạy thêm mà bị kỷ luật thì rất “đau” cho bản thân các thầy cô ấy và cả cho nhà trường. Tôi nghĩ họ đều nhận thức được khuyết điểm của mình, đây cũng là vi phạm lần đầu và trong khoảng thời gian ngắn thì nên xem xét ở mức phê bình, rút kinh nghiệm”. 

Bà Phạm Thị Khương, phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, bày tỏ: “Từ ngày có thông tin kỷ luật các thầy cô giáo, trong đó có những người đã đào tạo ra nhiều học sinh giỏi, thủ khoa đại học, học sinh giỏi quốc gia, Olympic toán quốc tế..., không khí dạy học của trường chùng hẳn”.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc học thêm từ tờ mờ sáng chỉ khiến học sinh mất sức khỏe, phản khoa học, “không đúng với khoa học giáo dục!”.

“Hiện nay, giáo viên cứ kêu than rằng họ không sống được bằng lương nhưng thực tế thu nhập của giáo viên không tồi, thậm chí còn giàu nhờ dạy thêm. Cuộc sống của giáo viên được cải thiện nhưng lương tâm họ sẽ cắn rứt. Giáo viên ở nông thôn thì càng khó khăn hơn, hẳn họ rất khổ tâm khi cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để dạy thêm...” - lời GS Hoàng Tụy.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)