- Đã thành thông lệ, mỗi dịp lễ tết, các tập thể lớp của trường tôi đều có hình thức tặng hoa chúc mừng thầy cô giáo. Trong mỗi bó hoa đều có kẹp chiếc bưu thiếp xinh xinh, trong bưu thiếp là 1 phong bì. Số tiền không lớn, có thể chỉ là 100 hay 200 ngàn đồng.


Và thông lệ ấy đã trở thành thói quen cho cả học sinh và giáo viên, khóa này tiếp nối khóa khác. Việc nhận phong bì chúc mừng từ học sinh đã trở thành một việc hết sức bình thường. 

Chỉ với riêng tôi, mãi vẫn không quen được sự bình thường ấy. Tôi không thể mỉm cười thanh thản nhận phong bì của học trò, khi biết đằng sau nụ cười của các em là những giọt mồ hôi của người mẹ làm osin xa nhà, của người cha làm phụ hồ mỗi sớm chiều.

Tôi cũng không thể thanh thản nhận phong bì của các em, khi mà biết rằng chỉ cần mình quay lưng bước đi, sẽ có tiếng xì xào, bàn tán của học trò: "Lớp mày đi bao nhiêu?"

Tôi không giàu, cũng không chê tiền, nhưng cái tôi thực sự cần là sự kính trọng yêu quý của học trò, là sự gắn kết thiêng liêng trong sáng với học sinh.

Vì vậy, tôi đã chỉ nhận hoa, mà gửi lại phong bì cho các em. Việc ấy, tình cờ một số giáo viên trong trường biết được, và họ đã xem tôi như một kẻ khùng, hoặc tinh vi, thích thể hiện.

Có lẽ tôi đã khùng thật chăng, khi cứ khăng khăng muốn giữ những giá trị vô hình trong thời buổi tất cả các giá trị đang bị đo đếm bằng vật chất?

Có lẽ tôi tinh vi thật chăng khi cứ một mình ngược dòng với quan niệm của số đông?

Bỗng dưng, tôi thấy mình lạc lõng, cô đơn ngay trong tập thể mà mình vốn gắn bó và yêu quý!

Điều đọng lại sau mỗi ngày lễ, với tôi, không chỉ là niềm vui, mà còn là sự trăn trở, liệu mình có phải kẻ lập dị?

  • Khôi Nguyên