- Ám ảnh trước những trận đòn roi và áp lực học hành thâu đêm - nhiều gia đình Việt đã nung nấu ý định cho con đi du học từ thuở lọt lòng. Dù đã có một số cái giá phải trả, nhưng ước mơ được "thoát khỏi" môi trường giáo dục trong nước là sự thật hiện hữu?

LTS: Từ nhiều năm nay, không phải chỉ những người có tiền mới mong cho con đi du học. Nhiều gia đình tuy kinh tế không được khá giả, cũng xoay sở mọi cách để con đi du học để phát triển và có sự đảm bảo vững chắc hơn về nghề nghiệp trong tương lai. GS Hoàng Xuân Sính đã từng ví von: "Một bức tranh trải ra trước mắt: hệ phổ thông với thầy và trò suốt ngày dạy thêm học thêm; hệ ĐH với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học, đến mùa thi thì đi thầy để có bảng điểm tốt; và một danh sách dài những gia đình chán ngán giáo dục nước nhà, tìm cách cho con ra nước ngoài học...."


Giáo dục trong nước kém hấp dẫn?

Là học sinh của một trường THCS có uy tín ở Hà Nội - Hoàng Thị Yến Ngọc luôn thể hiện năng lực học tập xuất sắc. Tuy vậy, chương trình học nặng, những “chuyện nhỏ” liên quan đến điểm số, thi cử, thầy cô… khiến Ngọc nhiều lúc thấy ngột ngạt với sách vở, trường lớp. Những giải thưởng, bằng khen cấp trường, cấp thành phố không đủ sức an ủi cô học trò sớm biết suy nghĩ.

Lắng nghe những tâm sự của con, chị Thu Hà, mẹ Yến Ngọc hết sức băn khoăn: “Nếu học mà cảm thấy chán nản, làm sao con phát triển tốt được?”

Nhiều phụ huynh kỳ vọng du học sẽ giúp con em họ được hưởng một nền giáo dục tốt đẹp hơn (Ảnh: PHHS cung cấp)

Từ nỗi băn khoăn ấy, chị tìm hiểu và tham khảo từ nhiều nguồn để tìm ra phương cách giúp con học tập tốt nhất. Cuối cùng, chị hướng con đi du học. Nơi ước đến chị chọn Singapore "vì đây là nước có nhiều suất học bổng không ràng buộc, phù hợp với lứa tuổi, khả năng của cháu cũng như điều kiện của gia đình”.

Được mẹ cho tiếp xúc với những thông tin du học, Yến Ngọc tỏ ra đặc biệt hào hứng và hăng hái học tập. “Con bé rất thích thú với ý nghĩ được đi du học. Khi thấy tôi lăn tăn chuyện trường tốt, trường xấu ở bên đấy con bé nói chắc nịch “không sao, trường nào cũng được mẹ ạ, miễn là “thoát” được nền giáo dục Việt Nam” - chị Hà kể.

Có con đang học tại trường St Joseph's Insitution International – Singapore, chị Lâm Vũ Hằng (Hoàng Mai, Hà Nôi) cho biết, chị có ý định cho con đi du học từ lâu. “Thực sự tôi chưa hài lòng lắm với cách giáo dục ở Việt Nam. Cha mẹ nào cũng muốn điều tốt nhất cho con, muốn trợ giúp cho con hết mức có thể để con có được điều kiện phát triển nên ý định cho con đi du học cũng rất tự nhiên” - chị nhận xét.

Bằng kinh nghiệm bản thân khi được cử đi học ở Liên Xô từ năm 18 tuổi, chị Hằng cho rằng môi trường học tập ở nước ngoài rất tốt cho sự phát triển của trẻ.

“So với thế hệ chúng tôi ngày xưa ra nước ngoài khi 18 tuổi, thì ở tuổi 15, 16 của con tôi bây giờ, cho đi du học cũng không phải là sớm” - chị nói.

Mong con được phát triển toàn diện

Những ngày này, chị Lại Thị Kim Cúc hết sức tự hào khi cô con gái lớn của chị vừa cùng một lúc dành được 2 suất học bổng ASEAN và học bổng A*STAR (hai học bổng dành cho học sinh lớp đang học lớp 9 và lớp 10 có kết quả học tập xuất sắc). Vô cùng mãn nguyện, chị chia sẻ, lý do chị ủng hộ con đi du học không gì khác ngoài việc “hướng tới phát triển toàn diện cho con”.

Về việc học hành của con, chị nêu quan điểm: “Không quan trọng phải trường điểm, lớp chọn, thầy nổi tiếng - tôi chỉ mong con được học trong môi trường tốt, học tập nhàn nhã, cháu có điều kiện phát triển bản thân...”.

Vì vậy chị không ép uổng con học theo kiểu nhồi nhét, học thêm kiểu chạy theo thành tích mà muốn giúp con hứng thú với việc học.

Hiểu rất rõ con gái, chị Cúc không khó khăn để nhận ra cô bé đôi khi vẫn chán nản, thất vọng với việc học. “Trẻ con bây giờ chúng thông minh, nhạy cảm lắm. Nhất là với những đứa say mê học tập thật sự, chúng nhận ra vấn đề ngay” - chị Cúc bộc bạch.

Mong tìm kiếm cho con một môi trường học tập lý tưởng, phù hợp hơn, chị bắt đầu quan tâm tới du học và khuyến khích con ứng tuyển học bổng đi Singapore – đất nước duy nhất cấp học bổng 100% cho học sinh trung học cơ sở.

Sau hơn 1 năm trời tìm kiếm, nỗ lực, cuối cùng mẹ con chị cũng được mãn nguyện: Con chị dành được cả 2 học bổng uy tín.

Cầm trên tay cả hai thông báo trúng tuyển của con, chị Cúc nhẹ nhõm thú thực: “Phải đến khi có kết quả con nhận được học bổng tôi mới cảm thấy con bắt đầu được hưởng sự công bằng. Nếu học bổng này là của Việt Nam thì có lẽ cũng không đến lượt con mình… ”

Kế hoạch dài hơi

Trong những ngày chuẩn bị cho con lên đường du học, chị Lại Thị Kim Cúc tự hào, vì cuối cùng hành trình mà chị phả lao tâm khổ tứ chuẩn bị cho con cũng không vô ích. Hành trình ấy kéo dài, bắt đầu từ những ôm ấp, kỳ vọng chị dành cho cô con gái, mới 6 tuổi đã thể hiện rõ những tố chất thông minh nổi trội.

Chị Cúc muốn con đi du học để được phát triển toàn diện (Ảnh: Quỳnh Anh)

Riêng việc học tiếng Anh, chị sớm giúp con có một lộ trình “dài hơi”: “Từ khi con 6 tuổi tôi đã cho cháu đi học thêm ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Ở nhà, tôi dạy , học cùng cháu cho đến hết lớp 6 thì bắt đầu cho con luyện dịch xuôi, dịch ngược và luyện thi IELTS, TOEFL.. Hết lớp 8, cháu đã có thể tự tin giao tiếp thành thạo, được các GV của một trung tâm Tiếng Anh uy tín ở Hà Nội nhận xét là “nói tiếng Anh như người bản ngữ.”

Muốn dạy con học tiếng Anh “chuẩn” ngay từ đầu, chị Cúc còn kỳ công đi đăng ký khóa tiếng Anh phát âm. Khi tìm được lớp cho con luyện thi, chị kỳ công đi học, dự giờ, trò chuyện với thầy cô giảng dạy để đánh giá hiệu quả của việc học.

Thêm nữa, giúp con tự tin nơi xứ người - từ nhỏ chị đã cho con học đàn, vẽ và tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường lớp nên luôn tự tin trong giao tiếp... Không chỉ lo bồi đắp kiến thức, chị còn chăm con rất kỹ từ miếng ăn, giấc ngủ, bởi “tinh thần, sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều đến trí lực”.  Quan trọng hơn là con được học trong môi trường được phát huy hết khả năng bản thân...

Một phụ huynh có con đang học trung học ở Sing cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, bố mẹ chỉ nên tạo điều kiện và chia sẻ nguyện vọng với con. Anh nói: “Mình không có thói quen nghĩ thay con trẻ. Cho con biết nguyện vọng của mình, lắng nghe nguyện vọng và cân nhắc khả năng của con mình để khuyến khích cháu phát triển. Du học là lựa chọn của cháu, và được đi du học cũng là thành quả do cháu phấn đấu học tập mà có được”

Bài 2: Hành trình chinh phục 'giấc mơ' du học

  • Quỳnh Anh