Kết quả xếp hạng mới nhất của nhóm nghiên cứu SCImago (Tây Ban Nha) với vị trí của các viện, trường đại học của Việt Nam tiếp tục tụt hạng là một báo động cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Đi vào từng lĩnh vực nghiên cứu khoa học sẽ thấy rõ hơn về thực trạng chung này. Chẳng hạn, việc phân tích kết quả nghiên cứu của khoa học giáo dục (KHGD) VN dựa trên các thước đo theo chuẩn mực quốc tế: số lượng, chất lượng và tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu có thể cho thấy một số xu hướng rất đáng quan ngại về nghiên cứu giáo dục ở nước ta.


Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia thuộc ĐHQG TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Số lượng ít ỏi

Trong khoảng thời gian từ 1996-2010, ngành KHGD của VN công bố được 39 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chiếm khoảng 9% tổng số ấn phẩm khoa học trong ngành khoa học xã hội (354 bài trong cùng thời gian). Tính trung bình mỗi năm VN chỉ công bố trên hai bài nghiên cứu về giáo dục. Đó là một con số rất khiêm tốn khi đối chiếu với số người chuyên làm về nghiên cứu giáo dục trên cả nước.

Tính theo số lượng, VN đứng hạng 14 trong 21 nước khu vực Đông Á (Malaysia hạng 8, Thái Lan hạng 9, Philippines hạng 11). Con số bài nghiên cứu về giáo dục của VN chỉ bằng 1/37 so với Đài Loan (hạng 1) và 1/30 so với Hong Kong (hạng 2)...

Phân tích nội dung của các công trình nghiên cứu này cho thấy phần lớn lại liên quan đến đào tạo trong y khoa và là kết quả của các dự án hợp tác quốc tế trong giáo dục sức khỏe (16 bài). Chỉ có bốn công trình nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ học. Tính chung, số bài viết về KHGD thực thụ chỉ có 13 bài.

Trong số 39 công trình nghiên cứu chỉ bảy bài là “thuần Việt”, hiểu theo nghĩa không có đồng tác giả nước ngoài, phần còn lại đều có tác giả nước ngoài đứng tên. Có 17 bài tác giả chính là người Việt. Điều này cho thấy cũng như trong các lĩnh vực khác, nghiên cứu về giáo dục ở nước ta còn phụ thuộc rất nhiều vào hợp tác quốc tế.

Sẽ rất khó nói đến năng suất với một số lượng công trình ít như vậy. Theo thống kê, ở Úc số người làm nghiên cứu chuyên nghiệp trong KHGD chiếm khoảng 1% tổng số nhân lực của ngành giáo dục và 90% số các nhà khoa học này hoạt động trong các trường đại học. Ở nước ta có khoảng 24.300 người có bằng tiến sĩ, trong đó 7.924 người đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, chúng tôi không có tư liệu cho thấy trong số này có bao nhiêu người chuyên nghiên cứu về giáo dục, cũng như không có số liệu về kinh phí dành cho nghiên cứu giáo dục. Cho đến nay, ở VN chỉ có một số ít đơn vị nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp. Các trường đại học có khoa giáo dục hay sư phạm thường tập trung vào đào tạo hơn là nghiên cứu. Những đơn vị này đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, trong đó có thể có những nghiên cứu có giá trị, nhưng việc đưa ra những tri thức này cho cộng đồng học thuật nước ngoài kiểm nghiệm giá trị thì còn rất hạn chế, thậm chí việc phổ biến những tri thức ấy đến với giới hoạch định chính sách và cộng đồng giáo dục trong nước cũng rất hạn chế.

  Nước, lãnh thổ Số bài Số lượng trích dẫn Số lượng trích dẫn mỗi bài Chỉ số H
1 Đài Loan 1.455 7.672 9,11 34
...8 Malaysia 399 895 4,93 14
9 Thái Lan 177 310 2,91 8
10 Philippines 111 136 2,75 6
...13 VN 39 62 2,22 4
14 Campuchia 8 6 0,54 2

Chất lượng thấp

Chất lượng của các công trình nghiên cứu có thể thể hiện qua số lượng trích dẫn và chỉ số H. Bảng so sánh dưới đây cho thấy xét về số lượng và về chỉ số H, xét về tỉ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo VN đều đứng hạng 13/14, chỉ hơn Campuchia. Điều đáng lưu ý là khoảng cách giữa VN và các nước khá xa: chỉ số H ngành giáo dục của VN là 4, trong khi Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc theo thứ tự tương ứng là 34, 28 và 17.

Một thước đo khác cho thấy chất lượng của hoạt động nghiên cứu là mức độ tồn tại ít hay nhiều những tác giả có ảnh hưởng trong chuyên ngành, tức là những người có năng suất cao, viết nhiều và được nhiều người trích dẫn. Các thống kê cũng cho thấy VN không có tác giả nào có trên năm công bố khoa học quốc tế trong giáo dục trong vòng 15 năm qua (trong lúc Singapore có 71 tác giả như thế). Ngoài ra, tổng số trích dẫn của các bài báo từ VN là thấp nhất và khoảng cách rất xa so với các nước còn lại trong khu vực.

Phát triển không tương xứng...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vị trí nghiên cứu về giáo dục của VN còn quá khiêm tốn. Trong đó, nhiều nhân tố đúng với cả những lĩnh vực nghiên cứu khác. Hạn chế về kinh phí nghiên cứu, tiếng Anh và văn hóa công bố quốc tế là những yếu tố chính. Đối với lĩnh vực giáo dục, hạn chế trong phương pháp nghiên cứu và năng lực tiếp cận nguồn thông tin của giới nghiên cứu là những rào cản quan trọng. Giới hạn trong nhận thức của những nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng của việc sử dụng kết quả nghiên cứu giáo dục cho việc xây dựng chính sách giáo dục cũng có thể là một trong những hạn chế trong sự phát triển của KHGD ở nước ta.

Chưa có chứng cứ để nói rằng sự yếu kém trong KHGD góp phần vào sự tụt hậu của giáo dục, nhưng những dữ liệu hình như nhất quán với nhận xét đó. Tính từ thập niên 1970 đến nay, khoảng cách của VN với các nước trong khu vực (trừ Philippines) càng lúc càng xa. So với năm 1970 thì thu nhập trung bình trên đầu người của VN đã tăng gần 20 lần, trong lúc đó Malaysia tăng 21 lần, Thái Lan tăng 24 lần, Indonesia tăng 36 lần, Singapore tăng 45 lần. So sánh tương quan giữa các nước với VN thì năm 1970 thu nhập bình quân đầu người của Indonesia cao hơn VN 1,3 lần, đến năm 2010 Indonesia đã cao hơn VN 2,4 lần. Cùng thời gian đó, tương quan GDP đầu người giữa Malaysia và VN là 6,3 lần và 6,8 lần; giữa Singapore và VN là 14,9 lần và 34,2 lần; giữa Thái Lan và VN là 3,1 và 3,7 lần.

Sự yếu kém về KHGD của VN thể hiện qua công bố quốc tế đã phần nào cho thấy sự bất cập của giáo dục trong việc đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa. Việc đối chiếu với kết quả nghiên cứu giáo dục của các nước trong khu vực cho thấy trong vòng 15 năm qua, tất cả các nước đều có bước phát triển nhảy vọt, kể cả VN, nhưng nhịp điệu phát triển của KHGD VN còn khoảng cách xa so với các nước và không tương xứng với nhịp điệu phát triển của nền kinh tế.

(Theo Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) - Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc)/ Tuổi trẻ)