Ông Byungtae Lee – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Kaist, Seoul - biết nhiều về những cái được và mất của toàn cầu hóa.
Con cái ông đều theo học các trường của Mỹ khi ông đang dạy các trường ở Arizona và Illinois, sau đó khi trở về Hàn Quốc, bọn trẻ lại theo học các trường quốc tế. Khi đến tuổi học đại học, rõ ràng là con cái ông đã có lợi thế trong một hệ thống giáo dục thích những sinh viên giỏi ngoại ngữ.
Tiến sĩ Lee và các đồng nghiệp của ông ở trường kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc đang đi theo quan điểm toàn cầu hóa. Tiến sĩ Lee tin rằng các trường đại học có thể hưởng lợi từ việc đề cao quan điểm mang tính quốc tế, trong khi tận dụng khả năng công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Hàn Quốc.
“Về vấn đề toàn cầu hóa, chúng tôi tích cực hơn nhiều so với các trường khác ở Châu Á” – ông nói. Hầu hết các lớp học đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, và tất cả sinh viên đều phải có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài trước khi vào học. Mỗi sinh viên cũng phải học ở một trường kinh doanh khác mà Kaist có quan hệ trong thời gian theo học trường này. Theo Kaist cho biết thì 10-15% sinh viên của họ là người nước ngoài.
Sự năng động trong các lớp học của Kaist phản ánh cả tinh thần quốc tế lẫn sự đề cao công nghệ của trường.
Trong lớp học về sự hội tụ các phương tiện truyền thông số của giáo sư Ahn Jay, sinh viên thảo luận về việc các mạng truyền thống, các nhà cung cấp nội dụng, các thiết bị, cổng thông tin và công ty dịch vụ Internet đã phối hợp cùng nhau như thế nào để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn.
“Chúng tôi có các sinh viên tới từ Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp và Mỹ - một sự kết hợp rất quốc tế của nhiều quốc gia để thảo luận về sự hội nhập của các phương tiện truyền thông số và phương cách quản lý nó” – ông nói.
Do sinh viên theo học ở Kaist đã có kinh nghiệm chuyên môn, nên họ thường tới từ các công ty đang cạnh tranh với nhau để giành sự thống trị trên thị trường. “Những người làm việc trong các ngành công nghiệp này đang tới trường để thảo luận xem những mô hình mới nên như thế nào” – Tiến sĩ Jay nhận định.
Đại học Kinh doanh Kaist – thành lập năm 1995 với sự giúp đỡ của gã khổng lồ điện tử Sangsung – là ngôi trường đầu tiên của Hàn Quốc cung cấp khóa học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh toàn thời gian.
Trong 2 năm đầu tiên, Samsung đã hỗ trợ tất cả sinh viên của trường – những người sau đó đã trở về Samsung làm việc ở vị trí quản lý.
“Vào thời điểm đó, Samsung nhận ra rằng họ cần những quản lý hiểu về công nghệ và quản trị cũng như kinh doanh toàn cầu” – Tiến sĩ Lee, Hiệu trưởng trường này cho hay.
“Nhiều nhà quản lý xuất sắc nhất tin rằng việc đào tạo về kinh doanh cho những người có chuyên môn kỹ thuật là sự kết hợp tốt nhất với quan điểm tạo ra giá trị” – Tiến sĩ Lee nói. “Sẽ khó khăn khi quản lý Samsung mà không hiểu về công nghệ”.
Là một kĩ sư được đào tạo và tốt nghiệp ở Trường Kinh doanh Harvard, Eric Kim – cựu giám đốc tiếp thị của Samsung được đưa vào để thay đổi thương hiệu Samsung trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 90, khi công ty này đang gặp khó khăn, và ngay sau khi Samsung giúp mở trường kinh doanh Kaist.
“Đó là quãng thời gian để Samsung suy nghĩ lại, tổ chức lại và tái cấu trúc” – ông Kim, giám đốc điều hành hiện tại của Soraa – một nhà sản xuất đèn LED chiếu sáng có trụ sở ở California – nhận định. “Nhưng trong quãng thời gian đó, Samsung đã tích cực đầu tư vào giáo dục và nguồn nhân lực”.
Khi ông Kim gia nhập Samsung vào năm 1999, công ty này tập trung vào công nghệ và phát triển sản phẩm. Samsung cũng nhấn mạnh vào tiếp thị để “khi sản phẩm xuất ra thị trường, chúng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu thị trường”. Ông Kim cũng cho biết nền tảng kiến thức cả về quản lý lẫn kỹ thuật đã giúp công việc của ông trở nên dễ dàng hơn.
Hiện tại, gần 60% trong số 700 sinh viên của Kaist đã có kiến thức nền về kỹ thuật.
Kaist được coi là người đi tiên phong trong số các trường đại học Châu Á và hiện có những cựu sinh viên đang là người đứng đầu các công ty lớn của Hàn Quốc như Ko Jae-Ho, giám đốc điều hành Công ty Kỹ thuật hàng hải và vận chuyển Daewoo, ông Chang-Ki Lee, giám đốc điều hành Công ty Năng lượng và Xi măng Tong Yang.
Trường này thậm chí còn tổ chức một bữa tiệc thường niên để chúc mừng những cựu sinh viên đã được thăng chức cấp hội đồng quản trị hoặc cấp “C” (C.E.O, C.F.O và C.O.O). Năm nay, Kaist có 50 cựu sinh viên như vậy.
Choi Soo-yong, một sinh viên 29 tuổi bị thu hút bởi chương trình MBA của Kaist một phần là vì anh có thể truy cập mạng lưới cựu sinh viên để lấy được thông tin liên lạc của họ. “Bây giờ, tôi đang tìm kiếm một công việc vì tôi đang học kỳ cuối rồi. Tôi cũng đã có những thông tin liên lạc trong giới kinh doanh nếu tôi muốn gặp gỡ ai đó trong một bộ phận cụ thể. Luôn luôn có sự kết nối ở Kaist, thậm chí là với các công ty nước ngoài”.
Hiện tại, những trường đại học hàng đầu như ĐH Quốc gia Seoul, ĐH Yonsei và ĐH Hàn Quốc đều có chương trình MBA. Đất nước này đang có hơn một tá chương trình cấp bằng kinh doanh cao cấp, gồm cả các chương trình MBA học bán thời gian hoặc học vào cuối tuần.
Ông Abraham Lee – một nhà tư vấn tới từ Viện Chiến lược Thái Bình Dương (cơ quan đã khuyên các trường kinh doanh phương Tây bước vào thị trường Hàn Quốc) - cho rằng các lĩnh vực chuyên môn đang trở nên phức tạp hơn. “Trong một xã hội đề cao giáo dục và kiến thức, người Hàn Quốc tin rằng sự thành công của một cá nhân gắn liền với việc được đào tạo chuyên môn trong nghề nghiệp của họ” – ông nói.
- Nguyễn Thảo (Theo New York Times)