- Xinh xắn, học giỏi, gia đình khá giả, luôn được mọi người xung quanh ngưỡng mộ vì thành tích xuất sắc … nhìn bề ngoài, không ai nghĩ Lê Thu Giang (Hải Phòng) thường xuyên phải đấu tranh để chống lại ý nghĩ muốn chết.

Những câu chuyện về khủng hoảng tuổi vị thành niên được ghi nhận khắc hoạ các bi kịch không lối thoát của người trẻ trong gia đình. Những tiếng kêu cứu thảm thiết từ trong tổ ấm, , phần nào lý giải, vì sao con số người trẻ chọn tự tử lại lên đến có số báo động như vậy.

Không biết chia sẻ cùng ai

Ngay từ khi học cấp 2, Giang đã có ý định tự tử bởi quá nhiều ấm ức mà em không thể chia sẻ cùng ai.

“Em muốn chết, không phải vì bố mẹ em không quan tâm đến em, không phải vì em học dốt, không phải vì nhà nghèo…” – Giang mở đầu câu chuyện bằng chất giọng trầm, rắn rỏi. Cái rắn rỏi của một cô bé sớm phải gồng mình che giấu những nỗi buồn.

 Ngay từ khi học cấp 2, Giang đã có ý định tự tử bởi quá nhiều đau khổ, ấm ức mà em không thể chia sẻ cùng ai. (Ảnh minh hoạ)

Mới 13 tuổi Giang đã đi học xa nhà. Lên cấp 3, em là người duy nhất trong huyện đỗ vào trường chuyên của tỉnh, đi trọ học. Năm học nào cũng làm lớp trưởng, em trở thành “hình mẫu” trong mắt mọi người. Càng lớn em càng chịu nhiều áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ. Bất hạnh thay, kỳ vọng ấy khiến em càng cảm thấy cô đơn, trống rỗng.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của Giang là bạo lực trong gia đình. Bố mẹ yêu nhau, nhưng thường xuyên xung đột vì bố em ham cờ bạc. Bố là người cộc tính, hay nóng giận, nên luôn luôn thường trực những lời mắng mỏ nghiệt ngã trút xuống đầu mấy mẹ con.

Ký ức sâu đậm nhất về tuổi thơ trong em là hình ảnh em cô độc, bất lực đứng nhìn bố mẹ cãi vã nhau qua ô cửa…

“Từ hồi mẫu giáo, trong ký ức của em đã hằn sâu cảnh bố mẹ đánh chửi nhau, quăng quật đồ đạc ngoài sân. Cãi vã trong nhà như cơm bữa. Bà nội buồn chán, thường xuyên bỏ đi khỏi nhà, chính em là người lao đi tìm bà. Mẹ em khóc lóc và có ý định tự tử. Bà em cũng vậy… Chính vì thế, ý nghĩ tự tử cứ lởn vởn trong đầu em” – Giang tâm sự.

Giang kể, nhiều đêm em buồn, khổ, khóc đến lịm người đi nhưng không ai biết. “Em tự nhủ, không được khóc nữa, nếu không mình sẽ mù mất, nhưng không được. Nhưng sáng hôm sau, tỉnh dậy, em lại đến lớp gượng cười bảo với mọi người, mắt sưng húp có lẽ là do thức khuya quá…” – Giang kể.

“Ước gì bố mẹ đã tin con”

Dằn vặt rất nhiều vì những chuyện trong gia đình, nhưng Giang luôn tự an ủi dù có như thế nào thì bố mẹ vẫn yêu em, làm tất cả vì em.

“Em thường tự nhủ mình còn may mắn hơn nhiều người, rằng bố mẹ vẫn đang cố gắng dành những điều tốt nhất cho mình, nên mình phải cố gắng sống tốt nhất. Nhưng đến một ngày em nhận ra bố mẹ không tin tưởng em như em nghĩ. Lần ấy, em đánh mất chiếc đồng hồ đeo tay chỉ vì không nhớ nổi đã để nó ở đâu. Em đã giải thích, nhưng bố mẹ không tin, gặng hỏi, chì chiết như thể em đã làm điều gì sai trái. Những lời cay độc, sự nghi hoặc của bố làm em rất sốc, bởi từ trước đến nay, em luôn là đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Phải bao nhiêu năm sau năm sau em mới có thể nghĩ rộng ra cho bố mẹ được”.– Giang tâm sự.

Rất nhiều năm liền, niềm tin của Giang vào bố mẹ bị lung lay. Cô bé càng thu mình lại.

Tự nhận mình là tuýp người “thinking – luôn suy nghĩ và phân tích, sống lý trí và mạnh mẽ”, song Giang không phủ nhận, em đã nhiều lần bị đắm chìm trong cảm giác cô đơn, lo sợ và gần như tuyệt vọng.

Cô bé nhớ lại: “Những cơn khủng hoảng cứ trở đi, trở lại trong em. Nhiều khi em tưởng như mình có thể phát điên, nhưng chẳng thể chia sẻ cùng ai. Là lớp trưởng, học giỏi, em có nhiều bạn, nhiều mối quan hệ, nhiều người yêu quý, nhưng không ai thực sự hiểu được em phải trải qua những gì. Em nghĩ đến việc chết đi bằng cách uống thuốc ngủ, hoặc nhảy xuống sông. Nhiều lần em đã ra ngồi ở bờ sông tìm cơ hội nhảy xuống, nhưng lại sợ vì giáp mặt người làng. Em sợ, nếu em chết như vậy, cả gia đình sẽ bị mang tiếng”…

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng một triệu người chết vì tự tử, tăng 60% trong vòng 50 năm qua. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể sẽ tăng lên thành 1,5 triệu, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là độ tuổi có hành vi tự tử tập trung chủ yếu vào lứa tuổi 15-25 tuổi.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Bùi Quốc Thắng và Nguyễn Lê Anh Tuấn, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (từ 2001 đến 2002) cho thấy trẻ 14-15 tuổi tự tử rất cao, chiếm gần 66% số trường hợp. Trong đó, nữ nhiều hơn nam. Nguyên nhân tìm đến cái chết của trẻ chủ yếu là do xung đột gia đình, phổ biến nhất là dùng hóa chất (thuốc ngủ, thuốc chuột, thuốc trừ sâu).

Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 được thực hiện vào cuối năm 2008 đưa ra những con số đáng báo động. Gần 27% số người được hỏi rơi vào tình trạng rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động bình thường. So với cuộc điều tra cách đây 5 năm cho thấy mức độ buồn chán và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. 21% hoàn toàn thất vọng về tương lai.

  • Quỳnh Anh