- Một số giảng viên ĐH Văn Hiến cho rằng, lãnh đạo trường chấp nhận “bán trường” với giá bèo. Ông Hà Tùng Sơn, phó Phòng tổ chức hành chính nhà trường khẳng định: không có chuyện "bán trường" mà đã tìm được nhà đầu tư mới.
Theo ông Sơn, giai đoạn đầu, công ty Hùng Hậu sẽ đầu tư vào ĐH Văn Hiến khoảng 120 tỷ nhằm khắc phục điểm yếu trước mắt; Đồng thời, cam kết trong vòng 3 năm sẽ không sa thải một cán bộ giảng viên nào, bảo đảm quyền lợi về tài chính, lương bổng cho GV, chuyên môn, chương trình giảng dạy của trường vẫn đảm bảo theo yêu cầu Bộ GD-ĐT.
Ông Hà Tùng Sơn, phó Phòng tổ chức hành chính nhà trường khẳng định: không có chuyện "bán trường" mà đã tìm được nhà đầu tư mới |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Chút, phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực tế Trường ĐH Văn Hiến đang gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém, tuyển sinh mấy năm qua èo uột... Trường đã bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 do chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu của trường và tỉ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định. Hiện nhà trường chỉ còn đào tạo 3.000 sinh viên với 200 cán bộ nhân viên.
Năm học 2012 – 2013 nhà trường bị Bộ GD-ĐT tạm thời đình chỉ tuyển sinh do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo, trường chưa có đất xây trường, tỉ lệ giảng viên cơ hữu/sinh viên thấp hơn nhiều so với quy định của bộ (gần 6000 SV/ 63 giảng viên cơ hữu, hợp đồng dài hạn) do một bộ phận giảng viên cơ hữu chuyển sang làm cán bộ quản lý.
Trước tháng 7, nhà đầu tư cũ của ĐH Văn Hiến là công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến và công ty cổ phần dịch vụ Truyền hình số VTC đã tích cực đầu tư vào trường với dự định thành lập ĐH VTC -Văn Hiến, nhưng do phía VTC chỉ chấp nhận tiếp tục đầu tư khi trường chuyển từ loại hình trường dân lập sang tư thục.
Do không đạt được thỏa thuận nên công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến và công ty cổ phần dịch vụ Truyền hình số VTC đã chấp nhận thoái vốn - nên vận mệnh chung của trường rất nguy khó nếu không có nhà đầu tư.
Vẫn theo ông Sơn, phía công ty Hùng Hậu đã đồng ý sẽ hoàn chỉnh mặt pháp lý để đưa hai cơ sở 624 Âu Cơ –Q.Tân Bình và 1004A Âu Cơ – Q.Tân Phú xây dựng văn phòng, giảng đường của trường; đồng thời đền bù giải tỏa khu đất 56,9 ha tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM để xây dựng trụ sở của ĐH Văn Hiến.
Ông Sơn khẳng định, với các trường dân lập hiện nay chuyển sang loại hình tư thục là điều hiển nhiên, việc tìm kiếm các nhà đầu tư là đúng với tình hình thực tế chính xác là ĐH Văn Hiến đã tìm được nhà đầu tư mới để tồn tại.
Phía công ty Hùng Hậu cũng cam kết trong vòng 3 năm sẽ không sa thải một cán bộ giảng viên nào, bảo đảm quyền lợi về tài chính, lương bổng cho GV, chuyên môn, chương trình giảng dạy của trường vẫn đảm bảo theo yêu cầu Bộ GD-ĐT.
"Với việc tìm nhà đầu tư mới trường, sẽ làm việc với Bộ xin cắt lệnh “cấm vận” tuyển sinh"- ông Sơn cho biết.
Về việc có thể đảm bảo tuyển sinh trở lại trong năm tới, thời gian qua, Trường ĐH Văn Hiến đã khắc phục được việc thiếu hụt giảng viên cơ hữu bằng cách chuyển cán bộ ở các phòng ban và khoa đủ điều kiện giảng dạy lên GV cơ hữu, kí hợp đồng dài hạn với một số GV có tiêu chuẩn để tăng lượng GV cơ hữu. Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã có 125 GV cơ hữu, nếu quy số lượng GS, PGS, TS (1 GS tương đương 4 GV cơ hữu, PGS tương đương với 3 GV cơ hữu) ra GV cơ hữu thì có khoảng 600 GV (cả thỉnh giảng) có thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo.
- Lê Huyền