Trong phần tiếp theo của bài viết "Hàn Quốc mong tìm người tài với cách tuyển sinh mới", tác giả Michael Alison Chandler phân tích câu chuyện của ĐH Quốc gia Seoul lá cờ đầu trong giáo dục công lập của Hàn Quốc, là một trong các đơn vị tiên phong áp dụng hình thức xét tuyển mới. Dưới đây là phần tiếp theo của bài phân tích.


Công lập rục rịch

ĐHQG Seoul, ĐH tiên phong trong cải cách tuyển sinh
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn từ ĐH California ở Berkeley và ĐH Cornell, các cán bộ tuyển sinh ĐH Quốc gia Seoul đã đề ra phương pháp đánh giá không chỉ điểm số mà cả năng lực chuẩn bị của các em.

Hiện nay, Trường ĐH Quốc gia Seoul đã có 24 cán bộ tuyển sinh, có văn phòng làm việc riêng với trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác tuyển chọn khoảng 3.000 tân sinh viên mỗi năm.

Hầu hết vẫn phải thi đầu vào, nhưng các em còn được đánh giá thông qua điểm ở bậc trung học, các bài tiểu luận, được thể hiện tài năng và những thứ mà mình quan tâm.

Thông qua hình thức xét tuyển mới, trường đã đón nhận một số học sinh, nhất là các em ở nông thôn, trước đây không dám mơ tưởng đến việc được vào đây.

Tuy phải mở một số lớp học trình độ thấp và có hình thức dạy kèm cho các em thiếu một số kĩ năng để có thể theo kịp, nhưng ban giám đốc tin tưởng rằng, họ đang đón nhận những tài năng trẻ thực thụ, quan tâm đến những gì họ học được chứ không phải là tấm bằng của trường đại học uy tín nhất.

Có một nghịch lý là, trong khi kĩ năng làm bài thi của sinh viên Hàn Quốc được xếp hạng cao ở các kì thi quốc tế thì mức độ quan tâm hay sự tự tin của các em đối với môn toán hay khoa học lại dưới mức trung bình.

"20 - 30 năm về trước, chúng ta cần những sinh viên có khả năng “bắt chước” những gì mà các nước tiên tiến có thể làm...Nhưng giờ đây, chúng ta cần những con người mới, những con người có tính sáng tạo” ông Seon Moon Suk,cán bộ tuyển sinh của Viện Khoa học Công nghệ Hàn Quốc KAIST nói.

KAIST cũng đã sớm thay đổi hình thức xét tuyển đầu vào trong hơn thập kỉ qua. Học sinh không bắt buộc phải dự kì thi đại học mà được xét điểm, phỏng vấn hay được tiến cử.

Mỗi trường có hệ thống đánh giá riêng. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều mong muốn tìm kiếm những sinh viên có tinh thần chủ động, khả năng suy nghĩ độc lập và không phụ thuộc quá nhiều vào gia sư dạy kèm.

"Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới học sinh rằng, nếu chăm chỉ học và biết nắm bắt cơ hội, các em sẽ thành công" Jung Hee An, cán bộ tuyển sinh tại ĐH Ewha Womans chia sẻ.

Tư nhân đua nở


Nhiều người nghi ngờ rằng cải cách hình thức tuyển sinh vào đại học sẽ phải thay đổi trong lần bầu cử tổng thống vào năm 2013.
Tuy nhiên, việc đi ngược lại văn hóa thi cử đã tồn tại hàng thế kỉ đang gặp nhiều khó khăn. Các trường trung học và bậc phụ huynh cần có thời gian để bắt kịp với những cải cách trong một xã hội mà hoạt động‘ngoại khóa’ đã được mặc định là các lớp học thêm tiếng Anh hay toán.

Học thêm ở trường, ở các lò luyện thi, hay thuê gia sư dạy kèm được xem là cần thiết nếu con em họ muốn được lựa chọn vào trường ‘top’. Các em hầu như không có thời gian để làm bất cứ cái gì ngoài việc học.

Mặc dù một số trường nhận được sự trợ giúp của chính phủ cho các hoạt động ngoại khóa. Nhưng để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với các lò luyện thi, nhiều trường trung học đã bỏ các giờ học nghệ thuật và thể thao, thay vào đó là các giờ học Anh văn hay tiếng Đại Hàn. Có rất ít hoạt động ngoại khóa hay câu lạc bộ cho học sinh tham gia.

Nhu cầu học đại học quá lớn khiến việc thi tuyển vào các trường hàng đầu trở thành những cuộc cạnh tranh gay gắt. Chính văn hóa đấu tranh này đang thúc đẩy sự bùng nổ của lĩnh vực kinh doanh giáo dục tư.

Trong khi các trường trung học công lập thích ứng với cải cách khá chậm chạp, giáo dục tư nhân lại nhanh chóng điều chỉnh cách thức kinh doanh của mình.

Một loạt dịch vụ, tổ chức tư vấn ra đời, giới thiệu cơ hội làm tình nguyện viên, tư vấn các bước chuẩn bị cho các cuộc tranh tài được tổ chức nhằm tô điểm cho hồ sơ xét tuyển vào đại học hay chỉ dẫn cách thức để đáp ứng các chỉ tiêu xét tuyển.

Dịch vụ tư vấn của thành phần giáo dục tư này chính là nguyên nhân dẫn đến chỉ trích cho rằng cải cách tuyển sinh của chính phủ không giảm thiểu mà ngược lại, làm gia tăng bất công, bởi các em vốn đã có nhiều lợi thế, tiềm lực, nay lại có được các bước chuẩn bị chuyên môn hóa hơn.

Bởi vậy, nhiều người nghi ngờ rằng cải cách hình thức tuyển sinh vào đại học sẽ phải thay đổi trong lần bầu cử tổng thống vào năm 2013.

Tuy nhiên, với nhiều em học sinh như Yang Hee Neyong, một học sinh trung học ở một thành phố công nghiệp nam Hàn Quốc thì cải cách này là một cơ hội tốt để mình có thể chiến thắng trong cuộc đua vào trường Ewha Womans năm tới.

Yang hi vọng có thể gây ấn tượng với các cán bộ tuyển sinh nhờ thể hiện niềm đam mê học tiếng Anh, mơ ước trở thành một phiên dịch viên cùng với sự độc lập của mình.

“Em học cho chính bản thân mình và em nghĩ sự thật đó chứng minh khả năng của em” Yang nói.

Thêm vào đó, các nhà quan sát vẫn cho rằng, cải cách trên đã khơi mào nhiều cuộc đối thoại quan trọng ở Hàn Quốc tại thời điểm cam go này.

Các em học sinh trung học bắt đầu nghĩ đến những hoạt động bổ ích ngoài giờ học. Và các trường đại học trong nước thì bắt đầu đặt ra câu hỏi: “Chúng ta cần đến những tài năng trẻ nào và làm sao để tìm thấy họ” , ông Chung Kwang Hee, nhà nghiên cứu các chính sách tuyển sinh tại Viện Phát triển Kinh tế Hàn Quốc nói.

•   Michael Alison Chandler (Chronicle Higher Education)
•   Lưu Ly (biên dịch)