- Không đâu có học trò hiếu học như Cao Bằng. Không đâu có người dân và chính quyền biết quý trọng và tri ân giáo viên như Cao Bằng. Đó là cảm nhận của các nhà giáo đã từng một thời lên Cao Bằng dạy học...

Hai thế hệ học trò tặng hoa

Cao Bằng cách Hà Nội hơn 300 km. Nhưng thời kháng chiến, muốn lên đến Cao Bằng phải cuốc bộ vượt đèo cao, vực sâu hàng tuần lễ luồn lách qua các cứ điểm giặc Pháp chiếm đóng. Thị xã Cao Bằng được giải phóng sau chiến thắng Đông Khê năm 1950. Nhưng trước đó đã có những nhà giáo thoát ly gia đình vượt qua vùng tạm chiếm, trèo đèo lội suối thoát ly lên Việt Bắc dạy học. Họ là những trí thức nhưng không quản ngại dạy từ lớp i tờ xóa nạn mù chữ trở lên. Bấy giờ cả một huyện như Trà Lĩnh cũng chỉ có một trường cấp 1 với hai giáo viên dạy từ lớp 1 cho đến lớp 4. Lớp 4 đầu tiên năm 1950 chỉ có vẻn vẹn 11 học trò, tuổi chênh lệch nhau, có học trò đã có vợ. Sang cấp 2, chỉ có 3 học trò vượt đường rừng sang Trùng Khánh cách 30km để trọ học. Trùng Khánh bấy giờ mới có trường cấp 2 chung cho cả một vùng phía đông Cao Bằng, gồm các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Trà Lĩnh và Hạ Lang. Bên cạnh các nhà giáo kỳ cựu, một loạt giáo viên trẻ mới tốt nghiệp sư phạm Khu học xá trung ương từ Nam Ninh trở về đã được bổ sung.

Học trò Cao Bằng rất hiếu học. Không chỉ học trò quý trọng thầy mà bà con trong làng ngoài xã đều coi các thầy như bậc thầy của mọi nhà. Thầy trò đồng cam cộng khổ, tự vào rừng đốn cây dựng nhà. Thầy giáo gắn bó với Cao Bằng như chính quê hương mình, cũng biết nói tiếng Tày, tiếng Nùng. Biết ăn cháo bẹ, cơm ngô. Nhiều thầy đã ở lại với Cao Bằng, mất đi tại Cao Bằng. Thầy Nguyễn Đình Phan đã lấy vợ, sinh con ở Trà Lĩnh. Nhà giáo ưu tú Đỗ Tiến Thức lấy vợ cũng là cô giáo Cao Bằng, cả hai vợ chồng đều cống hiến cho nghề trồng ngươic với các em nhỏ người dân tộc miền núi.. Cả cuộc đời Nhà giáo ưu tú Trịnh Hữu Chất đã cống hiến cho quê hương Cao Bằng. Lên Cao Bằng, thầy vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo viên duy nhất dạy ở trường cấp 1 Bản Ngắn, một xã heo hút của Trà Lĩnh. Sau này thầy đã đào tạo hàng trăm giáo viên sư phạm cho tỉnh. Con trai thầy, nhà giáo Trịnh Hữu Khang hiện là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, con gái là hiệu trưởng trường PTTH Thành phố Cao Bằng.

Lứa học sinh đầu tiên ấy cũng trở thành những sinh viên đại học đầu tiên của tỉnh. Và sau đó là những kỹ sư, nhà giáo, tiến sĩ, những trí thức mới của Cao Bằng. Chỉ đơn cử, từ mái trường Trùng Khánh đã cho “ra lò” lứa đầu tiên là những Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Xuân, nguyên phó hiệu trưởng Trướng Đại học Sư phạm Việt Bắc, Nhà giáo ưu tú Hà Lê Du, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Cao Bằng, Thầy thuốc nhân dân Đại tá Bành Khìu, Tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Văn Ma, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành, các nhà thơ Bế Thành Long, Y Phương, Từ Ngàn Phố…Tiến sĩ Nông Hồng Thái, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng học ở Hòa An cũng thuộc lứa học trò đầu tiên này.

Đặc biệt sau ngày hòa bình lập lại, thêm một đợt đông đảo các thầy giáo từ Hà Nội và các tỉnh miền xuôi lên Cao Bằng dạy học. Cao Bằng vẫn còn ghi nhớ tới các thầy Hoàng Đoàn, Nguyễn Trác, Phạm Vĩnh Cường, Phạm Đan Quế, Đinh Gia Viên, Đặng Quế Phan, Lê Trọng Đẳng, Dương Thu Ái, Đỗ Tiến Thức, Nguyễn Quốc Hùng, v.v.…Trong đó có cả các cô giáo “liễu yếu đào tơ”như Hoàng Oanh, Ngô Thiên Lý, Lưu Ánh Tuyết…

Họ chính là những người đã thành lập các trường cấp 3 tại các huyện , là thầy giáo đào tạo giáo viên người dân tộc và là cán bộ quản lý giáo dục của các huyện và sở bấy giờ.

Tiếp sau đó vào những năm 60 và 70 thế kỷ trước, hàng trăm giáo viên tiếp tục “đổ bộ” lên Cao Bằng, chủ yếu là giảng dạy cho các trường cấp 3. Cũng nhờ công lao đào tạo của các thầy mà từ đó về sau Cao Bằng đã tự túc đủ giáo viên “bản địa” cho địa phương mình.

Không những thế, các thầy còn đào tạo nên các nhà lãnh đạo của tỉnh, như nhà giáo Đàm Thơm, nguyên chủ tịch tỉnh; TS Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Hà Ngọc Chiến, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; nhà giáo Hoàng Trung Phong, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đinh Quang Ngữ, nguyên Thứ trưởng bộ Văn hóa- Thông tin… Ngoài những trí thức có tên tuổi, còn có cả những vị tướng tá, như Trung tướng Ma Thanh Toàn, Trung tướng Nông Văn Lưu, Trung tướng Bế Xuân Trường…

Thầy trò gặp lại

Nhiều nhà giáo sau khi qua một thời “thử thách và rèn luyện” tại Cao Bằng, khi trở về thủ đô đã phát huy bản lĩnh của mình, trở thành những nhà giáo đầy kinh nghiệm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở thủ đô, như nhà giáo ưu tú Đỗ Lệnh Điện (nguyên hiệu trưởng Trường Hà Nội- Amsterdam), nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại (nguyên hiệu trưởng THPT Nguyễn Gia Thiều)… Vậy mà các thầy vẫn nhớ về Cao Bằng, các thầy hiệu trưởng đã từng dạy ở Cao Bằng đều nhận kết nghĩa với một trường trên đó để giao lưu, kết nghĩa, học hỏi lẫn nhau.

Tình cảm của các thầy với Cao Bằng thật vô cùng sâu đậm. Các thầy đã tập hợp lại với nhau từ chục năm nay thành lập Ban liên lạc Cựu giáo chức Cao Bằng ở Hà Nội với gần 100 thành viên.

Hằng năm các thầy lại gặp nhau ôn lại những kỷ niệm một thời đáng nhớ. Các thầy đều tâm sự: Không ở đâu có học trò hiếu học, yêu quý thầy cô như ở Cao Bằng. Không nơi nào có phụ huynh và nhân dân quý trọng thầy cô như ở Cao Bằng. Và còn thêm nữa: Không ở đâu có chính quyền trọng thị thầy cô giáo như ở Cao Bằng.

Điều đó không chỉ thể hiện khi các thầy còn đang dạy trên đó. Mà ngày nay khi các thầy đã về Hà Nội, đã nghỉ hưu, học trò vẫn tìm đến thăm thầy khi hiếu hỉ cũng như khi ốm đau. Cao Bằng có dịp kỷ niệm lớn của cả tỉnh hay của mỗi trường đều mời thầy cô về dự. Như năm nay, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Hội cựu giáo chức Cao Bằng ở Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt đông đảo, ngoài các thầy cô còn có đại diện các lứa học trò ưu tú về dự. Các nhà lãnh đạo cao nhất từ Tỉnh ủy, UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo cho đên hiệu trưởng các trường cũng về dự và cung cấp kinh phí cho buổi gặp gỡ đầy xúc động này.

  • Nguyễn Như Mai

(Lứa học trò những năm 50 thế kỷ trước của Cao Bằng)