- Ngày 8/11, Sở Y tế TP.HCM đã cử một đoàn công tác xuống khảo sát hiện tượng nữ sinh trường An Nghĩa đồng loạt ngất xỉu. Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Thị Nga Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), việc ngất xỉu không thể loại trừ khả năng các học sinh ăn uống không đầy đủ.

Tại thời điểm đoàn y tế khảo sát cũng có 4 em vừa ngất xỉu. Ảnh: Thanh Huyền

Đoàn khảo sát có cả các bác sĩ về dinh dưỡng, tâm thần và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. Tại thời điểm đoàn y tế tới khảo sát, trường An Nghĩa hiện đang có 4 em học sinh vừa bị ngất xỉu, nằm ở phòng y tế.

Sau thăm khám, trò chuyện với các học sinh này, bác sĩ Vũ Kim Hoàn, phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TP.HCM phát hiện một số trường hợp có biểu hiện về rối loạn tâm thần.

Em tên K., bị động kinh từ khi học lớp 8, hay nhức đầu chóng mặt. Em này tâm sự với bác sĩ sau mỗi lần ngất xỉu, tỉnh dậy đều không nhớ gì.

Khác với các trường hợp ngất xỉu do rối loạn phân ly (khi ngã sẽ ngã từ từ) nên khó bị tổn thương, còn em K. lần nào ngất cũng bị ngã trầy mặt, sưng đầu. Từ đó chứng tỏ lúc xảy ra chuyện, K. hoàn toàn mất ý thức.

Bác sĩ Hoàn đã đề nghị cho K. đi đo điện não đồ.

Một trường hợp khác có biểu hiện rối loạn tâm lý. Em B. kể từng đi khám ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, nhưng khi xem toa, bác sĩ Hoàn thấy thuốc B. uống chỉ là thuốc tăng cường tuần hoàn máu, chưa có điều trị đặc hiệu.

Khi kể về chuyện gia đình, B. rất ngại nói về cha mẹ. Các câu trả lời của B. mâu thuẫn như: “Ba mẹ con đi làm xa” nhưng lại là “làm ruộng”.

B. chia sẻ mỗi lần đến trường đều rất hồi hộp, tuy nhiên thầy Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng của trường cho biết, học lực của B. thuộc hàng khá, giỏi.

“Cũng không thể loại trừ một số em thấy bạn bị ngất, được quan tâm nên cũng muốn giống vậy. Những trường hợp này mang tính chất thứ phát”, bác sĩ Hoàn nói.

Còn theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Thị Nga Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc ngất xỉu không thể loại trừ khả năng các học sinh ăn uống không đầy đủ.

Sau khi khảo sát những em có dấu hiệu ngất xỉu, bác sĩ Nga phát hiện một số em gầy còm.

Quan sát qua mặt lâm sàng, phát hiện một trong 4 em đang nằm ở phòng y tế có biểu hiện thiếu máu, xanh xao.

Các em kể với bác sĩ bữa sáng có lúc ăn, lúc nhịn và hay ăn mì gói. “Mỗi bữa sáng chúng ta phải nạp đủ 700 kcal mới đủ sức làm việc. Nếu ăn mì gói như các em chỉ cung cấp cho cơ thể khoảng 300 kcal.”, bác sĩ Hương cho biết.

Để giải quyết tình trạng nữ sinh ngất xỉu, bác sĩ Trần Huy Hoàng, phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Phòng khám An Nghĩa phải cắt cử người sang ứng tiếp cho phòng y tế của trường trong giai đoạn này.

Bác sĩ Hoàng cũng yêu cầu nhà trường nên tổ chức một buổi sinh hoạt để chăm sóc tinh thần và tư vấn cho phụ huynh, học sinh về dinh dưỡng.

Thầy hiệu trưởng trưởng An Nghĩa cho biết từ cuối tháng 10 bắt đầu xuất hiện các em nữ sinh bị ngất xỉu. Có em bị ngất tái đi tái lại nhiều lần.

Đến nay, phòng y tế của trường đã khám cho 75 trường hợp nữ sinh ngất xỉu và Phòng khám An Nghĩa tiếp nhận 73 trường hợp.

Theo bác sĩ Hoàng từ trước tới nay cũng có nhiều vụ ngất xỉu hàng loạt nhưng chỉ gặp ở công nhân. Đây là lần đầu tiên Sở Y tế tiếp nhận vụ việc về ngất xỉu hàng loạt mà đối tượng là học sinh.

Theo Đoàn công tác Sở y tế TPHCM, thứ 2 tuần tới (ngày 12/10) Bệnh viện Tâm Thần và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM sẽ cử bác sĩ xuống, phối hợp với bệnh viện và phòng khám địa phương, tổ chức khám sức khoẻ lại cho tất cả các học sinh bị ngất xỉu vừa qua.


• Thanh Huyền