- Có tới 66% người sử dụng lao động nước ngoài không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, trong khi con số này ở các doanh nghiệp trong nước là 36%.

Thông tin đưa ra từ cuộc khảo sát giữa Ngân hàng thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, với sự tham gia của 350 công ty thuộc lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.


Theo báo cáo này, thiếu hụt lao động có kỹ năng đều là trở ngại đối với cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Hơn 60% các công ty nước ngoài nhận xét lực lượng lao động có sẵn gây trở ngại trong quá trình sản xuất của họ, trong đó gần 30% các công ty coi đây là trở ngại lớn. Với công ty trong nước, tỷ lệ trên lần lượt là 40% và gần 17%.

Với lao động được đào tạo nghề, 31% công ty nước ngoài được hỏi đánh giá lực lượng này là trở ngại lớn với họ. Con số trên với các công ty trong nước là gần 23%.

Nhóm khảo sát đã xem xét các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên như khả năng đọc hiểu, tính toán, làm việc nhóm, trình bày, giải quyết vấn đề, làm việc độc lập, ngoại ngữ.

Trong các lĩnh vực nghề nghiệp, lĩnh vực lao động kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất, khi có tới 82% người sử dụng lao động phàn nàn ứng viên thiếu kĩ năng.

Các lĩnh vực bị than phiền nhiều gồm: quản lý (71%), văn phòng (57%), dịch vụ - bán hàng (46%),v.v...

"Những kỹ năng được sử dụng nhiều nhất" khác nhau giữa người lao động có kỹ năng cao với người lao động có kỹ năng thấp.

Nếu như hầu hết các kỹ năng đều được người lao động có kỹ năng cao sử dụng đồng đều thì với người lao động có kỹ năng thấp hơn, chỉ có "làm việc nhóm" là kỹ năng được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 87-88%. Các kĩ năng khác như Ngoại ngữ, giải quyết vấn đề, trình bày, viết được người lao động kỹ năng thấp sử dụng rất ít, chỉ trên dưới 20% người lao động sử dụng đến.

Tầm quan trọng của các kỹ năng đối với người lao động có kỹ năng cao
 
Kỹ năng Công ty nước ngoài Công ty trong nước
KT cho công việc 3,4/4 2,75/4
Giải quyết vấn đề 2,35/4 2,5/4
Tư duy phê phán & sáng tạo 2,0/4 2,0/4
Lãnh đạo 1,7/4 3/4
Làm việc độc lập 1,25/4 0,7/4
Làm việc nhóm 1,2/4 0,5/4
Giao tiếp 1,1/4 2/4
Tính toán 0,7/4 0,6/4
Ngoại ngữ 0,7/4 0,2/4
Đọc - Viết 0,4/4 0,2/4
Quản lý thời gian 0,35/4 0,2/4


"Phá hủy sáng tạo"

Theo ông Christian Bodewig, Chuyên gia Kinh tế cao cấp và Ðiều phối viên Quốc gia về Phát triển Con người của WB tại Việt Nam: “Sự thiếu hụt kỹ năng là điều bình thường trong các nền kinh tế đang phát triển cùng với sự “phá huỷ sáng tạo”.

Còn ông Vũ Tuấn Anh, GĐ điều hành Viện nghiên cứu và đào tạo về quản lí (VIM) không bất ngờ trước những số liệu của WB. Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo cho doanh nghiệp và các tổ chức lớn ở trong và ngoài nước đồng thời cũng là người sử dụng lao động, ông Tuấn Anh phân tích:

“20 năm sau khi chuyển đổi mô hình kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đều dựa trên giá rẻ: từ giá nhân công, nguyên vật liệu,…Nhưng mô hình kinh doanh giá rẻ như vậy không phù hợp nữa. Nếu chỉ làm như vậy chúng ta sẽ chỉ tự kéo nhau đi xuống. Đây là lối đi không lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Phải hướng tới mô hình giá trị gia tăng hay đầu ra cao hơn tức phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt.

Không thể nhìn lương để nói đắt hay rẻ mà phải lấy hiệu số đầu ra trừ cho đầu vào để tính toán hợp lý. 2 triệu trả cho công nhân cũng có thể đắt khi họ làm không tốt. Nhưng 20 triệu cũng có thể coi là rẻ vì họ sản xuất ra sản phẩm có giá trị đến cả trăm triệu đồng”.

Theo ông Tuấn Anh: “Doanh nghiệp (DN) chê người lao động thiếu kỹ năng nhưng SV tốt nghiệp ra trường ai là người được hưởng lợi đầu tiên? Đó chính là các DN. Họ phải chủ động, bỏ tiền đầu tư cho nhân viên của mình.

Nếu nhân lực kém tất nhiên ảnh hưởng đến các trường đào tạo (lượng học sinh-SV vào ít hơn, thu nhập ít hơn). Song DN mới là người đầu tiên gánh hậu quả. Nhân lực thấp dẫn tới năng suất thấp.

Doanh nghiệp của chúng ta đang xây dựng trên mô hình kinh doanh giá rẻ chứ không phải dựa trên mô hình có năng suất cao. Nếu hướng đến năng suất cao thì phải đào tạo cho nhân viên là hiển nhiên. Ví dụ Công ty thép Posco của Hàn Quốc họ hoạt động trên mô hình người lao động phải có năng suất cao, chuyên nghiệp. Họ xây dựng hẳn một trường để đào tạo”.

Cách làm đơn giản hơn, theo ông Tuấn Anh: “Thay vì đào tạo kỹ năng cho 1.000 cán bộ công nhân viên, công ty chỉ cần tập trung phát triển năng lực cho 3-4 chuyên viên nhân sự. Làm sao để họ trở thành những giảng viên có chuyên môn giỏi. Đến đây họ sẽ tự động phát triển nguồn nhân sự phía dưới họ. Số lượng đó chỉ khoảng từ 200.000 đến 250.000 trên toàn VN. So với hàng triệu lao động, con số trên là rất nhỏ.

Bài toán sẽ đơn giản hơn nhiều so với bỏ số tiền lớn để đào tạo cùng lúc cho 1000 cán bộ công nhân viên.

Về phía người lao động vấn đề quan trọng là họ phải tự cứu mình, phải tự học. Các DN phải tạo môi trường để kích thích người lao động tự học và phải làm có hệ thống, bài bản”.

  • Nguyễn Thảo - Văn Chung