- Giáo dục đại học Việt Nam đang còn nhiều yếu kém, khó khăn hội nhập với quốc tế. Cần có một cuộc “lột xác”, mạnh mẽ thay đổi; thay vì chờ đợi một kế hoạch đồ sộ, hãy tìm ra những mấu chốt và tìm hướng giải quyết.
Ngày 9/11, Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” do quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Đào tạo Quốc tế đã thu hút được nhiều giáo sư trong và ngoài nước tham dự cùng hiến kế cho giúp GDĐH VN hội nhập quốc tế.
Hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” |
GDĐH Việt Nam “gặp khó” khi hội nhập quốc tế?
GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) việc nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay quá khiêm tốn. Chỉ so sánh ở cấp khu vực thôi đã thấy sự “lu mờ” như thế nào. Đơn cử trong 41 năm (1970 - 2011), Việt Nam công bố trên 10.700 bài báo khoa học trên báo chí quốc tế, chỉ bằng 27% của Malaysia, 22% của Thái Lan và 11% của Singapore. Chưa kể 80% số bài báo trên được “hợp tác” với đồng nghiệp nước ngoài.
GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hiện phần lớn những ấn phẩm khoa học công bố quốc tế của Việt Nam tập trung vào ngành y sinh học, vật lý và toán học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo GS Tuấn, chủ yếu do các đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học chưa có những quy định về chuẩn mực nghiên cứu khoa học phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Cùng nhận xét này, PGS.TS Lưu Tiến Hiệp, Trường University Preparation College Sydney tại Việt Nam cho rằng, trong giới đại học có nhiều chuẩn mực quốc tế phải tuân theo như tổ chức các hội nghị khoa học hay viết báo cáo khoa học nhưng ở Việt Nam vấn đề này thường rất dễ dãi. Tình trạng lựa chọn bài báo do sự cả nể, bệnh thành tích, việc viết báo cáo sai chuẩn về hình thức, nội dung rất thường xuyên diễn ra.
“Tôi đã đọc hàng trăm luận văn Thạc sĩ, tuyệt nhiên đại đa số đều viết sai nội dung của trích yếu, nhập đề, biện luận…cách viết tài liệu cũng chẳng giống ai.”
PGS.TS Hiệp nói thêm, ĐH Việt Nam khó hội nhập quốc tế bởi Nhà quản lý và bộ máy quản lý giáo dục ĐH Việt Nam. Hiện nay, nền GD đang chịu sự quản lý tập trung của Bộ, trong số rất nhiều người làm quản lý chỉ giỏi về một lĩnh vực chuyên môn nào nhưng lại không có nghiệp vụ quản lý thành thạo. Thêm vào đó, trình độ phát triển của các trường ĐH không đồng đều, các SV, giáo trình giảng dạy…
Theo ông Hiệp, đó là chưa kể việc yếu kém về ngoại ngữ được “dàn đều từ lãnh đạo xuống sinh viên. Ít hiểu biết về đối tác, không nắm được các chuẩn mực quốc tế, có tình trạng bị đối tác lừa.
“Một khi không đủ kiến thức, không tự tin, không chuẩn hóa…thì sẽ xuất hiện tâm lý ngán ngại với hội nhập với giáo dục quốc tế” - PGS.TS Lưu Tiến Hiệp thẳng thắn
Phải mạnh dạn thay đổi ?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh- Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại Quốc Hội, Nguyên đại sứ Việt Nam tại liên minh châu Âu lại chỉ ra những căn bệnh của GDĐH Việt Nam hiện nay khi cho rằng GD ở Việt Nam có quá nhiều mặt phức tạp trong đó có những điểm đang đi ngược với GD thế giới.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh- Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban đối ngoại Quốc Hội, Nguyên đại sứ Việt Nam tại liên minh châu Âu |
Cụ thể, một trong những vấn đề mẫu chốt của Việt Nam là trong một thời gian dài đã tước đi chức năng nghiên cứu khoa học ra khỏi trường đại học. Bây giờ đang cố gắng đưa vào lại nhưng lại rất chật vật. Việc lấy nghiên cứu giao cho những viện nghiên cứu độc lập và tách khỏi trường đại học, những viện nghiên cứu độc lập này hầu như không gắn với các trường đại học, gắn với giảng dạy, sinh viên và giáo sư đã đi ngược với thế giới.
“Vấn đề của GDĐH Việt Nam quá nhiều mặt phức tạp nên mình không thể dàn ngang để tiếp cận và xử lý cùng một lúc được. Vì vậy cần phải động não để tìm ra những mấu chốt. Khi tìm ra được những mấu chốt, chúng ta sẽ tìm ra hướng giải quyết và điều này sẽ là hiệu ứng, đầu tàu cho các vấn đề khác chứ không thể chờ một kế hoạch đồ sộ rồi mới bắt tay thực hiện” – bà Ninh thẳng thắn
GS Martin Hayden, Trường Đại học Southem Cross University, Australia, - người từng rất am hiểu về GD của Việt Nam cho rằng, để ĐH Việt Nam hội nhập cùng quốc tế cần phải thực hiện đồng bộ một kế hoạch 9 điểm như cấu trúc hệ thống; việc điều phối hệ thống; việc quản trị nhà trường; phân bổ kinh phí nghiên cứu, lập viện nghiên cứu, cải tổ tài chính...
GS.Martin Hayden phân tích, hệ thống GDĐH Việt Nam hiện nay rất phức tạp bao gồm các ĐH quốc gia, ĐH vùng, viện nghiên cứu, học viện…vì vậy trước hết cần sớm xây dựng một cấu trúc mới - cấu trúc hệ thống được chia thành bốn phân tầng như: Các trường ĐH tập trung mạnh cho nghiên cứu (khoảng 5% tổng số sinh viên, đào tạo cấp bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ); các trường ĐH giảng dạy và cần định hướng nghiên cứu chiếm khoảng 20% sinh viên; các trường tập trung giảng dạy chiếm khoảng 25% SV, các trường CĐ (chiếm 50% tổng số SV, đào tạo và cấp bằng CĐ hai hoặc ba năm, có các chương trình đào tạo nghề).
Việc thành Hội đồng trường, phân biệt rõ “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” ở các trường ĐH tư để có chính sách hỗ trợ từ nhà nước đối với những trường “phi lợi nhuận” nhằm thu hút và mở rộng các thành phần tư nhân đầu tư phát triển GDĐH. Các trường ĐH công lập nên tự chủ nhiều hơn. Ngược lại nên có một hành lang pháp lý cho các trường ĐH tư nhân.
GS.Martin Hayden - Trường Đại học Southem Cross University, Australia |
GS Martin đề xuất nên tập trung vào việc triển khai những quy trình giải trình trách nhiệm trước xã hội để thay thế cho việc kiểm soát trực tiếp của nhà nước (đối với các trường ĐH công) và tăng quyền tự chủ (về tài chính, tổ chức, nhân sự, học thuật) cho các trường ĐH; tăng học phí đi kèm với chính sách miễn giảm học phí cho SV nghèo; thành lập tổ chức đảm bảo chất lượng độc lập.
Yếu tố quan trọng giúp GDĐH Việt Nam có thể hội nhập được thế giới đó là việc bãi bỏ cơ chế quan liêu trong việc phân bổ kinh phí nghiên cứu. Các trường ĐH Việt Nam còn tập trung nhiều cho giảng dạy mà chưa coi trọng công tác nghiên cứu.
Tham gia buổi hội thảo, PGS Đường Xuân Mai trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ĐH Việt Nam cần học tập mô hình của Singapore ở những năm 1960 bằng cách lựa chọn những vấn đề cần được ưu tiên để được giải quyết. Nhà nước cần có một chính sách ngành nghề rõ ràng để đưa đơn đặt hàng cho đại học.
- Lê Huyền