- Tuổi thơ tôi đã hỏi mẹ cả trăm lần như thế, những câu hỏi thật ngây thơ và vụng dại. Tôi cứ nghĩ sống như mấy người nổi tiếng tôi thấy trên ti vi – hài hước, giàu có và được nhiều ngưỡng mộ hay bằng mọi cách thức vượt trên đầu mọi người để có được thành công và hạnh phúc là ổn.

Cô giáo chủ nhiệm- người làm thay đổi suy nghĩ nông cạn của tôi (ảnh mang tính minh họa)


Nhưng có một người nhẹ nhàng bước vào cuộc đời tôi và dùng chính tâm huyết, tấm lòng mình để thay đổi suy nghĩ nông cạn của tôi. Chính cô đã cho tôi biết rằng thất bại không phải dấu chấm hết. Đó chính là cô giáo chủ nhiệm ba năm THPT – cô Trần Minh Nguyệt.

Tôi đã rất lo lắng khi nghe lời bàn tán rằng cô giáo chủ nhiệm lớp Văn K22 sắp tới nghiêm khắc và chấm điểm “chặt”. Tự tôi biết mình chưa giỏi, vả lại trường Chuyên là một ngôi trường có chất lượng đào tạo cao, nhỡ đâu vì lí do nào đó mà tôi không được tiếp tục học ở đây thì …

Bài kiểm tra đầu tiên của môn Văn, tôi chỉ được điểm khá. Lòng tôi rối bời. Rồi cho đến một lần, bằng sự trợ giúp của mẹ, tôi đã tìm được ý tưởng hay cho bài văn về nhà. Lần đầu tiên tôi đạt điểm giỏi môn Văn.

Dẫu biết đó là điểm cô động viên nhưng tâm lý được khen đã khiến tôi lấy lại tinh thần nhiều. Lời cô phê không nhiều “Nội dung chân thành, sâu sắc. Em cần phát huy” đã giúp tôi tiến bộ.

Tôi biết hàng tháng cô có biết bao bài kiểm tra phải chấm, bao nhiêu học sinh phải kèm cặp, uốn nắn. Vậy mà bài kiểm tra nào trả về cô cũng luôn sửa lỗi diễn đạt và đánh dấu cho sự sáng tạo của tôi. Dù không nói thành lời nhưng tôi biết cô vẫn luôn quan tâm đến lũ trò nhỏ chúng tôi. Mọi lời phê đều là sự cân nhắc để động viên kịp thời tinh thần ý thức vươn lên trong học tập, cũng là lời nhắc nhở đến chúng tôi kịp thời sửa lỗi.

Cô chỉ cho tôi: Thất bại không phải là chấm hết!


Tôi thật may mắn vì được lắng nghe các tiết giảng của cô. Đôi khi tôi thấy cô như một dòng sông hiền hòa, chở trên mình bao phù sa quý giá, bồi đắp nên những mùa trái bội thu. Mỗi lần nghe giảng văn, tôi như được bay đến thế giới khác. Nơi mà tấm lòng nhân đạo được đề cao, cái thiện được tôn vinh, nơi những giá trị bình dị của cuộc sống được tạo dựng. Chính cô đã cho tôi biết rằng thất bại không phải dấu chấm hết mà là thành công bị trì hoãn. Chỉ có thao thức đêm dài mới biết quý cái nắng ban mai. Cô dạy tôi có đôi lần vấp ngã để trải nghiệm mình lớn khôn.

Cô mong tôi khóc để xóa nhòa tổn thương mang theo thời gian. Và rằng dù gió có đổi hướng, giông bão có đột ngột ấp đến, con thuyền đời của tôi vẫn đủ dũng mãnh để chống chọi nghịch cảnh. Cũng có lúc tôi thấy cô giáo của mình như đại dương xa xôi ngoài kia. Đứng trước biển, tôi mới thấy mình thật nhỏ bé. Đại dương mênh mông, bí ẩn và chính là nơi khởi nguồn mọi sự sống trên hành tinh xanh này.

Cũng như cô là người đã dậy tôi bài học Ngữ Văn đầu tiên của đời học sinh THPT, người đưa cho tôi con đường dẫn đến ngưỡng cửa cuộc đời. Nếu không có cô, có lẽ tôi sẽ không biết đến “sứ mệnh của con người là sống chứ không phải tồn tại”. “Con người đừng nên chờ đợi những món quà bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”. Nhờ có lời khuyên của cô mà tôi biết cân bằng giữa những điều nhỏ bé, bình dị và những giá trị lớn lao, cao cả của cuộc sống. Cô đã giúp ra phương châm sống của riêng mình: “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”.

Nhiều lúc tôi nghĩ cô là cả bầu trời bao la trên cao kia. Dù cho chúng tôi có ở nơi đâu, cô vẫn luôn dõi theo được. Cứ nhìn thấy bầu trời là tôi lại nghĩ đến cô. Khi trời trong xanh có nghĩa là tâm trạng của cô đang rất tốt. Có lẽ học sinh của cô ngày càng tiến bộ, đạt được nhiều giải thưởng cao. Trong số đó liệu có tôi không nhỉ? Khi trời mưa là cô đang buồn. Phải chăng lỗi lầm của ai đó trong chúng tôi khiến cô phải suy nghĩ. Tôi sẽ cố để không phải nằm trong số đó! Còn khi trời đêm là lúc cô ôm chúng tôi vào lòng, bảo vệ chúng tôi khỏi những cám dỗ, mặt trái của xã hội … Tôi nghĩ có lẽ mình đã thầm ngưỡng mộ bầu trời xanh rồi!

Giá trị của sự nghiêm khắc


Thời gian được là học trò lớp cô chủ nhiệm tuy không dài nhưng đủ để khiến tôi thấy mình thật hành phúc và may mắn. Tên của cô cũng đẹp như con người của cô – một vì tinh tú soi rọi con đường chúng tôi phải tiến bước ngay cả trong đêm tối. Lần đầu tiên tôi có một giải thưởng quan trọng cũng là lúc tôi biết ơn cô nhiều nhất. Nghe tin cô phải phẫu thuật, chúng tôi đã ngày đêm cầu nguyện sao cho đó chỉ là một khối u lành tính và ca mổ sẽ diễn ra tốt đẹp. Chứng kiến nụ cười của cô ngày đến thăm, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Vậy là cô sẽ lại tiếp tục dậy chúng tôi những bài học sâu sắc và ý nghĩa nhất. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một ước mơ.

Nếu vậy tôi mong thời gian ngừng trôi, để tôi được sống mãi với vương quốc kì diệu của lớp chuyên Văn, để mãi được là học trò của cô. Và mọi lo lắng của tôi lúc mới nhận lớp là thừa. Bởi cô giáo tôi nghiêm khắc cũng vì mong chúng tôi trưởng thành hơn. Cảm ơn cô vì đã cho tôi một quãng đời đẹp và giàu ý nghĩa.

Tôi đã có câu trả lời cho câu hỏi thời thơ ấu của mình...

Nhưng tôi bỗng chợt buồn. Thời gian qua, đã bao lần tôi mất tập trung, không dành toàn tâm toàn ý cho bài giảng của cô. Tôi nỡ phụ tấm lòng, tâm huyết và nhiệt tình của cô sao. Lời xin lỗi còn vương trên môi chưa dám nói … Có lẽ tôi sẽ cố gắng hết mình để sửa chữa sai lầm. Ánh mắt trìu mến và lời giảng nhẹ nhàng, dịu ngọt của cô như tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Những lúc ấy, tôi lại thấy cô như người mẹ hiền, người mẹ thứ hai, người lái con đò đưa tôi tới bến bờ tri thức. Liệu cô có rộng lòng tha thứ và đón nhận lời hứa quyết tâm của tôi?

Nếu ví những năm cuối thời học sinh của tôi như một cánh diều thì có lẽ cô chính là ngọn gió nâng cánh diều ước mơ...

  • Nguyễn Hiền Trâm (HS lớp Văn K22, trường THPT Chuyên Thái Nguyên)

(Bài viết về cô giáo Trần Minh Nguyệt, giáo viên trường THPT Chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG
 
Bạn đọc thân mến!
 Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt, truyền cảm hứng và khát vọng cho mình.
 Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những người thầy - người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này.
 Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập.
 Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
 Cảm ơn các bạn!