Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã rút phép hoạt động của Trường Melior và có tờ trình UBND TP rút phép tiếp hai trường ERC, SIBME và dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người học tại các trường này.

Chiều 13-11, ông Võ Phước Nguyện, Phó phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết: Sáng cùng ngày, có hai nhân viên của Melior đã đến Sở nộp lại con dấu, giấy phép hoạt động và danh sách học viên của trường (khoảng 170 học viên). Theo ông Nguyện, hiện tại phụ huynh và học viên đã đến Công an phường 12, quận Phú Nhuận trình bày sự việc, mức đóng học phí và thời gian học tập tại Melior để tổng hợp báo cáo với UBND TP tìm hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi học viên.

Học viên, giáo viên Trường Melior nhốn nháo trước thông báo trường ngưng hoạt động, chủ bỏ trốn khỏi Việt Nam. Ảnh: QV

Giám đốc trốn, tài khoản hết tiền!

Trước đó, ngày 12-11, hàng trăm học viên và phụ huynh đã tập trung tại trụ sở Công ty TNHH Melior VN (gọi tắt là Trường Melior) mong được giải quyết quyền lợi vì trường đột ngột đóng cửa, giám đốc công ty ông Cheng Sim Kok (người Singapore) biến mất cùng khoản tiền học phí rất lớn của học viên.

Ông Nguyện khẳng định để đảm bảo quyền lợi người học, ngay trong ngày 12-11, Sở đã có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Melior Việt Nam. Cấm xuất cảnh với Cheng Sim Kok. Tuy nhiên, tài khoản của công ty này đã hết tiền và Cheng Sim Kok đã rời khỏi Việt Nam trước khi có thông tin trường đóng cửa. “Theo các sở, ban, ngành tại TP.HCM, cách để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho học viên là bắt buộc lãnh đạo Trường Melior Việt Nam trả lại học phí. Nhưng người đại diện công ty đã trốn nên hiện giờ chỉ còn đường duy nhất là “cầu cứu” Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Singapore yêu cầu phía nước bạn truy tìm ông Cheng Sim Kok” - ông Nguyện nói.

Chẻ chương trình để “lách luật”

Theo ông Nguyện, Melior VN được phép đào tạo nghề và cấp chứng chỉ nghề ngắn hạn (dưới một năm) cho ba nghề quản trị du lịch và khách sạn, quản trị doanh nghiệp căn bản, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình đào tạo chia nhỏ thành các khóa (mỗi khóa ba tháng). Sau khi học viên đạt đủ số tín chỉ nghề thì chuyển tiếp sang Singapore lấy bằng CĐ đúng với ngành đã học.

Tuy nhiên, việc chuyển tiếp này đã không được Melior International College (Singapore) đồng ý và đã nhượng quyền cho Công ty Melior Việt Nam. Tức là Trường Melior chỉ mua thương hiệu của Melior International College để “chiêu sinh” tại TP.HCM.

Ông Nguyện cho biết thêm do không có chức năng đào tạo ĐH, CĐ trên lãnh thổ Việt Nam nên không chỉ Melior, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như ERC, SIBME đã “lách luật” bằng cách “chẻ” chương trình CĐ của nước ngoài cụ thể là Singapore rồi dùng hệ thống chứng chỉ sơ cấp nghề để đào tạo tại Việt Nam nhằm hợp thức hóa bằng CĐ tại Singapore.

UBND TP giao nhiệm vụ nhầm địa chỉ?

Trước đó vào tháng 5-2011, ba trường Melior, ERC, SIBME đã bị xử phạt hành chính vì hoạt động đào tạo trái phép (không có chức năng đào tạo CĐ, ĐH nhưng lại thông báo tuyển sinh). Bộ đã yêu cầu các trường chấm dứt ngay những hành vi đó nhưng đến tháng 10-2012, thanh tra Bộ phát hiện các trường này tiếp tục tái phạm. Ngoài việc xử phạt hành chính, Bộ kiến nghị UBND TP.HCM rút các loại giấy phép đào tạo của các đơn vị này tại Việt Nam.

Trước đề nghị của Bộ, UBND TP lại giao cho Sở GD&ĐT TP lấy ý kiến các sở, ban, ngành về việc rút giấy phép của ba trường nêu trên.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay phía Sở GD&ĐT chỉ quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Còn các trung tâm, doanh nghiệp dạy nghề thì do Sở LĐ-TB&XH cấp phép.

Trước yêu cầu của UBND, Sở hơi lúng túng nên đã chuyển văn bản sang các sở, ngành khác như Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến. Chưa xong thì xảy ra sự cố Trường Melior đóng cửa, chủ bỏ trốn (!).

Trước sự kiện Trường Melior đóng cửa, cuối ngày 13-11, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản trình UBND TP thu hồi giấy phép hoạt động của hai trường sai phạm tương tự như Melior là SIBME (16 học viên) và ERC (365 học viên) đồng thời có biện pháp để bảo đảm quyền lợi của các học viên tại hai trường này.

Phải bắt ký quỹ để đảm bảo

Doanh nghiệp kinh doanh giáo dục, đặc biệt là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài khi xin phép đầu tư hoạt động phải đóng ký quỹ (tiền thế chân) để giải quyết hậu quả khi doanh nghiệp phá sản hoặc như trường hợp Trường Melior đóng cửa. Tuy nhiên, rất tiếc đến nay luật của ta chưa có quy định này.

Ông Võ Phước Nguyện,
Phó phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM


Trước khi học cần tìm hiểu

Hiện nay, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài xin phép đào tạo sơ cấp nghề nhưng gộp nhiều khóa lại để cấp bằng ĐH, CĐ. Việc quản lý đào tạo sơ cấp nghề thuộc thẩm quyền của các sở LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT chỉ xử phạt khi vi phạm về đào tạo ĐH, CĐ. Vì vậy, phụ huynh, học sinh khi tìm nơi để học, sử dụng dịch vụ thì cũng cần phải tìm hiểu tất cả thông tin liên quan tại các cơ quan quản lý, phương tiện thông tin đại chúng, mạng thông tin điện tử. Cần phải xem đơn vị trong nước đã được cấp phép chưa; chương trình như thế nào; điều kiện bảo đảm chất lượng ra sao; cơ sở đào tạo nước ngoài liên kết đã được xếp hạng, kiểm định, được công nhận, được phép hoạt động ở nước ngoài hay không...

Ông NGUYỄN HUY BẰNG,
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT (Theo TNO)


Theo Quốc Việt/Pháp luật TP.HCM