- Đã hơn 5 năm qua, ở khu chung cư S dành cho người nghèo bên cầu Sông Hàn có một lớp học “đặc biệt”. Bởi học trò là những phụ nữ nghèo, trẻ bị thiểu năng. Hằng đêm, người giáo viên ấy mang cả sự nhiệt tình và tâm huyết ân cần đến từng nhà gõ cửa mong học trò đến lớp đầy đủ để xóa mù chữ. Cô tên Nguyễn Thị Bích (57 tuổi) ở khối phố Thành Vinh 10, phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
>> Thầy giáo hơn 30 năm nằm dạy học
>> Thầy giáo làng đáng kính
>. Bà giáo 80 tuổi với lớp học đặc biệt
Cô Bích soạn bài trước khi lên lớp dạy |
Trò đặc biệt
Chúng tôi tìm đến lớp học của người giáo viên ấy trong một buổi tối lạnh se rít cả người. Bên trong tầng trệt của khu chung cư S vang lên tiếng đọc ê a bảng chữ cái của người lớn và trẻ em. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một căn phòng rộng khoảng 20m2, một chiếc bảng lớn, bên dưới là chiếc bàn giáo viên đã cũ và ba dãy bàn ghế. Trên bục giảng, một người phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc, ăn mặc giản dị với đôi kính lão giày đọc bài giảng với sự chăm chú hướng về các học trò trong lớp.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Bích cho biết: “Đây là lớp thứ ba kể từ khi tôi mở lớp dạy xóa mù chữ đầu tiên cho phụ nữ nghèo giữa năm 2007. Các học trò là những phụ nữ đã lớn tuổi và cả trẻ em thiểu năng. Trẻ nhất là 8 tuổi, cao nhất lên đến gần 50 tuổi rồi.”
Hằng đêm, cứ đến 6h30 tối là cô Bích lại cặm cụi cắp trang giáo án đến gõ cửa tận nhà của học trò. Hầu hết là những người phụ nữ đã có tuổi, sau khi lo cơm nước cho chồng con lại tất bật đem vở theo cô đến học. Có một số trẻ em bị thiểu năng trí tuệ, gia đình không cho đi học, được cô Bích động viên, thuyết phục xin cho đến lớp của mình học cho biết mặt chữ.
“Khó khăn có nhiều lắm! Những ngày đầu đến động viên chị em bị mù chữ theo học, tôi đã bị các anh chồng quở trách rằng không lo chuyện gia đình mình mà đi lo bao đồng, học có kiếm ra tiền đâu, để vợ con tôi được yên đi. Lúc đó tôi thấy buồn lắm chứ nhưng tôi đã quyết tâm. Tuy việc dạy học của tôi không đem lại vật chất nhưng sẽ giúp chị em phụ nữ mù chữ hiểu biết. Có thể biết tính toán tiền bạc chi tiêu cuộc sống, viết đơn thư, đọc sách báo…Đó là những việc đơn giản nhất góp phần giúp chị em bản lĩnh hơn trong cuộc sống đang phát triển từng ngày.” – Cô Bích tâm sự.
Để các học trò đến lớp thường xuyên đầy đủ, không sẽ quên mặt chữ. Cô Bích sắp xếp học tất cả các ngày trong tuần để rèn thường xuyên. Bất kể thời tiết mưa gió, gia đình bận chuyện, tất cả chị em phụ nữ cũng cố gắng thu xếp đến học cho đầy đủ. Nếu ai bận thì ngày hôm sau cô đến tận nhà để phụ đạo lại.
Cô Bích tâm sự: “Các chị em trong lớp đã luống tuổi, phải quán xuyến việc gia đình nên khó khăn trong việc tiếp thu. Nhưng thật sự là ai cũng quyết tâm học cho biết cái chữ nên đến nay đã có 30 người đã phổ cập xong bậc văn hóa tiểu học. Hơn chục em nhỏ vẫn đang tiếp tục được học tiếp chương trình cấp hai.”
Em Lê Thịnh, 8 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, học trò ít tuổi nhất trong lớp hồ hởi ngọng ngịu khoe: “Cháu thích được đi học cô Bích lắm! Cô dạy dễ hiểu lắm ạ! Cô cầm tay giúp cháu viết chữ. Đến nay cháu đã đọc và tập viết được rồi!”
“Tôi đã học và viết được chữ thành thạo là nhờ cô Bích tận tình giúp đỡ. Thật sự thì ban đầu khi cô Bích đến nhà động viên đi học chữ tôi đã rất là ngượng lại sợ chồng la nên không dám đi. Sau khi cô thủ thỉ việc học giúp hiểu biết công việc giấy tờ hơn lại được chồng ủng hộ nên tôi đi học. Giờ việc đọc sách báo hay viết đơn từ gì nó cũng dễ, ngay cả đi chợ mua gì tính nó cũng nhanh hết, chi tiêu cũng hợp lí hơn.” – Vừa nói chị Nguyễn Thị Hường, 49 tuổi, khu chung cư S không giấu nổi niềm vui mừng khi đã biết đọc viết chữ.
Đã là một phần của cuộc sống…
Cô Bích tốt nghiệp nghành trung cấp kế toán, sau khi ra trường thì xin làm tại một công ty tư nhân Dệt may tại Đà Nẵng. Năm 1998, chồng cô là chú Hoàng Đức Tâm bị tai biến, cô bán hết nhà cửa chuyển đến sống ở khu chưng cư S dành cho người nghèo để dành tiền chạy chữa cho chồng.
Lớp học của cô Bích là phụ nữ nghèo và trẻ em thiểu năng |
Tâm sự về lí do mở lớp dạy học xóa mù chữ cho phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn, cô Bích nói: “Tôi đã từng phải cố gắng lắm mới theo nổi mặt chữ học tốt nghiệp ra trường. Lớp học tôi thời đó chỉ có nổi hai người con gái. Cái ăn còn không có lấy đâu ra mà đi học. Sau khi tôi về hẳn ở nhà chăm sóc chồng con, chứng kiến các chị em mỗi khi có việc viết đơn thư, nhờ đọc bài báo là tìm đến nhà đã thôi thúc tối quyết định mở lớp để dạy.
Thời gian đầu cô Bích phải mượn căn phòng của Công ty quản lý nhà chung cư Đà Nẵng để làm lớp học. Sau đó, cô đã phối hợp với Hội Khuyến học cùng Trung tâm học tập cộng đồng phường Thọ Quang liên hệ với các trường học trên địa bàn phường xin lại những bộ bàn ghế cũ, hư hỏng về cho con trai mình sửa chữa. Còn bảng đen, khăn lau, phấn viết,…cô đều tự bỏ tiền túi ra để mua.
Khi mở lớp được một thời gian thì quản lí chung cư không cho phép dạy nữa, một mình cô phải lật đật chạy lên chính quyền năn nỉ xin được mượn lại phòng để dạy. Nhiều khi trời mưa gió lớn, sợ chị em và các cháu không đến lớp, cô phải giao lại việc chăm sóc chồng cho các con rồi cắp nón đến gõ cửa từng nhà để động viên đến học. Đã hơn 5 năm qua, tiếng gõ cửa của cô đã trở nên quen thuộc đối với các học trò trong lớp.
Hiện tại lớp học của cô Bích có 14 người, cả chị em phụ nữ và trẻ em theo học. Trong đó có 3 cháu bị thiểu năng trí tuệ, học chậm hơn rất nhiều nên được bố trí ngồi riêng để kèm cặp. Cô Bích chia sẻ: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mỗi lần thấy các chị em và các cháu nơi đây cặm cụi tập đánh vần và viết nên từng nét chữ khiến tôi cảm thấy như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc. Tôi sẽ mãi gắn bó vì đã là một phần cuộc sống của tôi rồi!”
Việc làm ý nghĩa của cô Bích đã được chính quyền phường Thọ Quang và Hội phụ nữ Thành phố Đà Nẵng ghi nhận. Cô đã được tặng nhiều bằng khen cho sự nghiệp xóa mù chữ nâng cao tri thức phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn. |
- Nguyễn Văn Luận