- Từ lúc sinh ra đôi mắt của anh không nhìn thấy đường. Nhưng sự không bình thường đó đã làm nên điều "kì diệu" với thành tích 12 năm liền là học sinh giỏi. Tốt nghiệp CĐ sư phạm (năm 2002) anh được Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu mời về làm giáo viên. Sau 10 năm đứng lớp - anh được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhìn nhận là "một thầy giáo cực hay"....Anh tên Ngô Văn Hiếu, hiện là giáo viên dạy Toán.

12 năm là học sinh giỏi

Theo giới thiệu của Sở GD-ĐT Hà Nội tôi tìm đến Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (21 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dù đúng hôm không có tiết lên lớp nhưng cuộc gặp gỡ anh đứng ngồi không yên vì "có học trò chờ thầy phụ đạo cho học sinh sáng mắt".

Xem lại giáo án trước khi phụ đạo cho học sinh sáng mắt

Đem nhận xét của Sở để mào đầu câu chuyện - anh cười khiêm tốn "bình thường thôi chị!" Rồi khẳng định "những gì tôi cố gắng để chứng minh cho mọi người rằng: những gì người sáng làm được thì người khiếm thị cũng làm được..."

Sinh ra ở Bắc Ninh và là con trai duy nhất. "Lên 3 tuổi thì thấy con bước đi không có phương hướng - ba mẹ đưa đi khám thì phát hiện bị khiếm thị. Sau đó, gia đình có chạy chữa nhưng bác sĩ kết luận "tôi bị thoái hóa sắc tố võng mạc. Và bệnh này hiện tại không chữa được..." - anh nhớ lại.

Nhưng không vì thế mà anh thu mình trong bóng tối. Kết quả 9 năm học phổ thông anh liên tục được Ban Giám hiệu nhà Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu đánh giá là học sinh giỏi. Nhờ nắm chắc kiến thức nên anh đỗ thủ khoa đầu vào lớp 10 - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (47, Hàng Quạt). Ba năm học cấp 3 anh vẫn bảo toàn được danh hiệu học sinh giỏi.

Ngay sau đó thi đỗ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội năm 1999. Anh nhìn nhận, thời gian này học rất vất vả. "Để theo kịp kiến thức, tôi phải thường xuyên nhờ bạn đọc cho chép hoặc nhờ bạn đọc rồi ghi âm về nghe lại..."

Năm 2002 ra trường và được mời về làm giáo viên dạy Toán cho học sinh Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu - nơi đã "chắp cánh ước mơ" cho anh. 

Đến nay anh đã có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước: Biên chế chính thức (từ năm 208) của Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu với danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường với 3 năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Trụ cột trong gia đình với 2 bé yêu (1 trai, 1 gái)...

Người khiếm thị làm được nhiều việc

Dù đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, lương không đủ sống lại nhiều áp lực khiến không ít giáo viên sáng mắt bỏ nghề, sinh viên quay lưng với nghề sư phạm...Còn anh lạc quan: "Tất cả giáo viên khiếm thị đều mong các em học sinh khiếm thị được rèn luyện, hỗ trợ bổ sung những cái thiếu hụt để được hòa nhập..."

"Với mong muốn đó nên dù dạy trẻ khiếm thị vừa khó vừa thiệt nhưng tôi luôn cập nhập kiến thức để bồi dưỡng cho các em" - anh nói. Nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp nên việc cập nhật kiến thức dạy môn Toán cấp 2 theo chương trình của Bộ GD-ĐT với anh không có áp lực.

Học trò lớp 9 được anh phụ đạo miễn phí

Ngoài giờ giảng trên lớp anh được bạn bè cùng cảnh tin tưởng giao "nhiệm vụ" kèm phụ đạo môn Toán cho con. Nhưng vì không có thời gian nên chỉ nhận kèm cho một học sinh sáng mắt - là học sinh lớp 9 đang theo học tại Trường Phổ thông Nguyễn Đình Chiểu.

Dạy kèm học sinh nào là tự nguyện, không lấy tiền. Còn duy trì cuộc sống anh phải làm thêm xoa bóp bấm huyệt, tham gia làm đề thi cho học sinh khiếm thị...

Vì không tự đi được nên hàng ngày đến trường anh phải nhờ bác xe ôm. Cả hai lượt đi - về mất 50.000 đồng/ ngày. Nếu không làm nhiều việc thì lương giáo viên sau hơn 10 năm đứng lớp 4 triệu không đủ chi phí.

Khó khăn là vậy nhưng anh cố gắng để mong học sinh khiếm thị được hòa nhập. Xã hội có nhìn nhận công bằng hơn chứ không mang nặng về tình thương, rồi có đánh giá "người khiếm thị không làm được gì...". Những nỗ lực anh làm để khẳng định "những gì người sáng làm được thì người khiếm thị cũng làm được..."

"Thêm nữa, để người khiếm thị bớt tự ti - cần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm hơn chứ không chỉ nghề Xoa bóp bấm huyệt. Làm được điều này sẽ xóa đi trong suy nghĩ của người khiếm thị "học nhiều cũng chỉ đến thế thôi" - để các em cố gắng hơn, nỗ lực hơn..." -  anh trăn trở.

Giỏi hơn cả hiệu phó

"Ngoài dạy Toán - thầy Hiếu còn dạy Tin học cho học sinh khiếm thị" - ông Trương Uyên Hải - phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận. Ở Hiếu có sự thông minh vượt trội. Bài giảng thi công chức được GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đích thân dự giờ và đánh giá cao.

Theo thầy Hải, với môn Tin - Hiếu còn giỏi hơn tôi. Có lần tôi gọi Hiếu lên phòng để nhờ gõ văn bản - tôi đọc và Hiếu xử lí rất nhanh...

  • Nguyễn Hiền