- "Lần hồi” – một mê cung của nghệ thuật sắp đặt, một triển lãm lịch sử lấy ý tưởng từ sự chảy trôi của thời gian do nhóm bạn trẻ học sinh – sinh viên thủ đô thực hiện diễn ra ngày 13/11 tại Hồng Mai – Hà Nội.

Một hình ảnh tại triển lãm

Đa số khán giả đến với triển lãm “Lần Hồi” là những người trẻ. Họ tò mò, bước vào mê cung có cái tên gọi khó lý giải, và cứ thế, bị lôi kéo vào một không gian kỳ lạ: Trong ánh đèn vàng mờ nhạt, mê cung bắt đầu được mở ra. Cả một dòng chảy lịch sử từ thuở khai thiên lập địa – thời chiến tranh – đến những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới… được tái hiện bằng tranh, ảnh, grafiti, chai nhựa, thậm chí là cỏ, rơm, lá khô…

Người xem đi qua từng chặng mê cung là trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có người  ồ à thích thú khi được xem lại những truyền thuyết dân gian “trăm trứng nở trăm con”,  “bánh chưng bánh dày”, những trò chơi dân gian thuở nhỏ như ô ăn quan, nhảy lò cò, lớp học i tờ, bảng đen, phấn trắng.

Có người rùng mình trước dãy dài những chiếc mũ bộ đội gác lên cọc gỗ đẫm màu máu, trước lá cờ đỏ sao vàng phủ lên nấm đất nâu.

Có người lại trầm tư xao động ngắm những pa nô, áp phích thời đất nước đổi mới, ngắm bức tranh vẽ cảnh ngày về của người lính, ôm người thân bằng một cánh tay còn lại, miệng cười nhưng nước mắt tuôn rơi…

Ở cuối mê cung có căn phòng nhỏ phảng phất mùi trầm hương, nơi khán giả có mươi phút tĩnh tâm “lần hồi” lại những xúc cảm đã trải qua.

Không cần những con số, những diễn giải phức tạp nhưng triển lãm Lần hồi gợi mở cho người xem nhiều suy nghĩ và cảm nhận về lịch sử. Lịch sử không phải cái gì khô khan, lớn lao, đó chính là tâm thức nguồn cội, là ký ức tuổi thơ, là dòng chảy văn hóa dân tộc sẵn có trong mỗi người…

Ông Phạm Cao Quý –  khán giả của “Lần Hồi” tâm sự, sau khi phải trải qua những phút tắc đường, bụi bặm ngoài phố để đến đây thì “không gian của buổi triển lãm thực sự đã khiến tôi cảm thấy sững sờ xúc động”.

Một khán giả trẻ khác thì chia sẻ, anh đã bị thu hút đến mức xin vào mê cung tới 4 – 5 lần. “Chưa bao giờ tôi được tham dự một triển lãm “lạ” như thế” – anh nhận xét.

Quả thực, “lạ” là cảm nhận của đa phần khán giả khi đến với triển lãm. Họ tò mò bởi cái tên “Lần Hồi”, tò mò bởi “Mê cung lịch sử”, và đặc biệt, tò mò với cái ý tưởng có phần “khó hiểu” về lịch sử của một nhóm người trẻ đa phần là 9x: “Dự án nghệ thuật cộng đồng – mượn rung cảm thời gian”.

“Người trẻ không quay lưng với lịch sử”

Đinh Thảo Linh – SV năm thứ 2 ĐH Ngoại Thương, thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng về một dự án liên quan đến lịch sử - nghệ thuật cộng đồng đã được các bạn ấp ủ trong suốt 3 năm. Bắt tay vào thực hiện, nhóm mất gần 4 tháng để xây dựng và đưa “Lần Hồi” đến với các bạn trẻ, ra mắt triển lãm.

Thảo Linh chia sẻ: “Nhiều người nghĩ rằng giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến lịch sử, chúng tôi muốn đưa dự án này đến với các bạn trẻ, đánh thực sự quan tâm của các bạn đối với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật”.

Vô số khó khăn nảy sinh, từ thiếu thốn nhân lực, tài trợ, sự eo hẹp về thời gian, sự nghi ngờ của bạn bè, và thậm chí là của người thân, nhưng họ đã lần lượt vượt qua tất cả với mục đích chính: Đưa văn hóa, lịch sử trở nên gần gũi hơn với giới trẻ Việt, mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên cổ vũ phong trào sáng tạo nghệ thuật tìm về với những giá trị bất biến của dân tộc.

Có mặt tại buổi triển làm nhà sử học Dương Trung Quốc – cố vấn dự án cho biết, dự án “Lần Hồi” là một câu chuyện về cách tiếp cận lịch sử của giới trẻ, và là một tín hiệu “vui” với những người quan tâm đến lịch sử như ông.

“Tuy là cố vấn của chương trình, nhưng những góp ý của tôi là rất nhỏ, ý tưởng và cách triển khai hoàn toàn là của các bạn. Nếu để những người lớn làm một triển làm với chủ đề tương tự, có lẽ sẽ không thể làm tốt đến vậy. Thành công của các bạn là gợi ra một cách tiếp cận lịch sử hoàn toàn mới mẻ, độc đáo.Thông qua triển lãm, các bạn đã làm được một điều đó là gắn kết thế hệ này với quá khứ, dân tộc, gia đình và cả nhân loại. Đây là nhận thức quan trọng cần cho mỗi người, mỗi xứ sở, mỗi thời đại nếu muốn hướng lên phía trước. Đã từng có băn khoăn đặt ra, rằng “giới trẻ ngày nay có quay lưng lại với lịch sử hay không”? Câu trả lời xác đáng nhất chính là đây, chính là triển lãm này – người trẻ chưa bao giờ thờ ơ, quay lưng với lịch sử”.

Hài lòng với những nỗ lực tiếp cận lịch sử của nhóm dự án Lần Hồi, ông Dương Trung Quốc cũng bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều ý tưởng đa dạng về lịch sử do các bạn trẻ thực hiện.

“Người trẻ là nguồn lực mạnh mẽ nhất mà chúng tôi luôn trân trọng” – ông nhấn mạnh.

  • Quỳnh Anh

Một số hình ảnh tại triển lãm: