- Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Thầy Lê Kim Long (bìa phải) nhậm chức Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục |
Nhà giáo phải có tâm-tầm và biết diễn
Ông nghĩ sao một số Sở GD-ĐT “nói không” với sinh viên tốt nghiệp khoa sư phạm Trường ĐH Giáo dục và một số trường?
- Đúng là có chuyện một số Sở giáo dục khi tuyển giáo viên đã không đưa SV tốt nghiệp khoa Sư phạm Trường ĐH Giáo dục vào đối tượng tuyển. Họ được giải thích do đây là trường mới, chưa có thử nghiệm thực tiễn về chất lượng.
Sau khi nhà trường chứng minh những cử nhân của trường đi dự thi và kết quả nên các Sở đó đã nhận hồ sơ thi tuyển của các SV này ngay. Nhiều người sau khi được tuyển dụng đã chứng tỏ được năng lực của mình. Đây chính là câu trả lời tốt nhất cho những hoài nghi của nhà tuyển dụng.
Những năm qua, học sinh dự thi vào các trường sư phạm rất ít và vì thế chất lượng đầu vào vì vậy cũng chưa được như mong muốn. Trong hoàn cảnh đó, làm sao để đào tạo được giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi kỹ năng, thưa ông?
- Các cơ sở đào tạo giáo viên có rất nhiều khó khăn không chỉ là đầu vào. Song không vì thế mà không đào tạo được SV có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Bình thường, học sinh giỏi ở đầu vào thì sản phẩm đào tạo ở đầu ra cũng giỏi.
Nhưng giáo dục là một hàm đa biến. Ngoài chất lượng đầu vào, đầu ra muốn tốt còn có sự nỗ lực của người học và cơ sở đào tạo "để tạo ra giá trị gia tăng" thế mới là đào tạo người và nhất là đào tạo giáo viên.
Trong tình hình đổi mới đào tạo, việc phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một việc không dễ. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu hiện nay, trường ĐH cần đào tạo làm sao để SV ra trường sớm có việc làm, làm đúng nghề và được trả lương hợp lý.
Nghề dạy học hiện nay không còn hấp dẫn người trẻ nữa. Nhiều người đang công tác khi được hỏi họ thẳng thắn “sẽ chọn nghề khác” nếu được làm lại bởi áp lực lớn, thu nhập quá thấp. Hình ảnh người giáo viên ít nhiều phai nhạt bởi đồng tiền. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Đừng lấy một vài hiện tượng để suy ra bản chất. Nói "nhiều người đang công tác khi được hỏi họ thẳng thắn sẽ chọn nghề khác” nếu được làm lại bởi áp lực lớn, thu nhập lại quá thấp" cũng chưa hẳn đúng. Bởi vì nếu hỏi nhiều người khác họ vẫn chọn nghề dạy học vì luôn thấy hấp dẫn, vì tươi mới và được trọng vọng thì sao? Nếu cho tôi chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề dạy học.
Hàng năm cũng có vô số em đăng ký vào học để làm nghề dạy học đấy chứ. Thực tế vẫn có hàng triệu học sinh vẫn đang cần mẫn học tập và hàng trăm ngàn thầy cô vẫn đang miệt mài giảng dạy và vẫn in đậm từng dấu ấn lên những thành công của xã hội đấy chứ! Có nhạt đâu?
Xã hội và người quản lí và thậm chí cả các phụ huynh nữa chứ cần phải biết bảo vệ giáo viên của mình trước cám dỗ của đồng tiền.
Thầy cô giáo cũng cần phải biết tự bảo vệ mình một cách chuyên nghiệp. Tôi vẫn từng nói với giáo viên của mình: Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị. Còn khi dạy chỉ là diễn những gì mình đã chuẩn bị. Diễn cũng cần làm tốt, diễn giỏi. Cái nào cũng quan trọng.
Tôi nghĩ bước vào nghề dạy học, tham gia vào ngành GD-ĐT thì mình sống phong lưu là tốt, đừng ham làm giàu. Bởi nếu mong làm giàu thì không tránh khỏi việc chạy theo đồng tiền. Nhưng người thầy cũng đừng nghèo quá, không làm gương cho học trò được. Học trò sẽ không học để nối nghiệp thầy cô.
Ai đó nói rằng “Đã giỏi thì phải giàu. Mà không giàu thì không giỏi”. Thực chất đó chỉ là sự biện minh cho nhiều việc trong đó có cả việc dạy thêm học thêm của một số thầy cô trong thời buổi hiện nay mà thôi.
Bất hạnh cho xã hội khi giáo viên làm như máy
Ông có suy nghĩ như thế nào khi nhiều nhận xét cho rằng, việc đào tạo giáo viên hiện nay của chúng ta còn nhiều hạn chế đặc biệt là nghiệp vụ sư phạm?
- Thời xưa một giáo viên khi ra trường được những người đi trước dìu dắt từng bước rất chi tiết. Mọi người đều nghèo như nhau chứ không khác biệt như bậy giờ. Lớp học ít học sinh, không đông như bây giờ. Đội ngũ giáo viên cũng đủ chứ không thiếu như bây giờ. Áp lực cần phải thuần thục nghề nghiệp không mạnh như bây giờ.
"Tôi vẫn từng nói với giáo viên của mình: Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị. Còn khi dạy chỉ là diễn những gì mình đã chuẩn bị. Diễn cũng cần làm tốt, diễn giỏi..." |
Vì thế giáo sinh cứ "thong thả" mà rèn luyện. Nếu có sức ép thì mọi người cũng dễ thông cảm, chỉ bảo cho nhau tận tình hơn như bây giờ... Hiện nay tôi cảm nhận thấy các nhà quản lí thả cho các em tự bơi mà lại đòi bơi nhanh và bơi giỏi. Đấy là thách thức lớn nhất đối với giáo viên mới ra trường. Sức ép giáo viên phải nhập cuộc ngay lập tức.
Việc đào tạo giáo viên cần phải chấn chỉnh một bước để làm nền cho việc đổi mới nền giáo dục một cách "căn bản và toàn diện".
Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm còn có vấn đề trách nhiệm của xã hội, của người đi trước như quan tâm nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn chứ không phải đòi hỏi nhiều hơn hay đòi hỏi các em giỏi sớm hơn.
Xã hội đặt ra nhu cầu và các trường sẽ đáp ứng.
Và nhà trường sẽ trang bị cho người thầy những phẩm chất gi đáp ứng nhu cầu xã hội?
- Phẩm chất của người thầy gồm hình thức và phong cách. Theo tôi phong cách của người thầy mới quan trọng. Phong cách người thầy không chỉ ở hình thức bên ngoài mà phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh của mỗi giáo viên.
Giáo viên trẻ mới ra trường hăng hái trong mọi việc, hay mắng học trò, học trò lơ mơ là quát sẽ không có tác dụng.
Thầy giáo già, tóc bạc vào lớp chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở một tiếng là học trò im thin thít. Vậy đó là cái uy của người thầy được rèn luyện và nâng dần theo năm tháng. Có người sẽ hỏi rằng cái uy có tốt không? Theo phong cách hiện đại, cái uy chưa chắc đã tốt. Thầy và trò cần phải thân thiện mới là giáo dục hiện đại.
Để có nguồn nhân lực tốt thì thầy và trò đều phải làm việc chăm chỉ và có hiệu quả. Thật bất hạnh cho xã hội khi người giáo viên chỉ làm việc như cái máy. Phẩm chất của người thầy giáo hiện nay là giỏi nghề, tâm huyết một cách có phương pháp.
Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (thực hiện)