- Trong 3 ngày hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội, từ 27/11, những câu chuyện bức xúc muôn thuở của giáo dục lại một lần nữa đặt ra róng riết.
Lạc hậu, thụ động
Tiến sĩ (TS) Đinh Hồng Hải (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa cảnh báo, nếu phương pháp dạy và học môn Lịch sử không thay đổi, cải tiến thì khó cải thiện được thực tế: ngày càng ít học sinh thích học các môn khoa học xã hội.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội): "Tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học..." |
Theo TS Hải, vấn đề khó khăn nhất đối với việc dạy môn Sử là chương trình cũ, thông tin lạc hậu... dẫn đến duy trì mãi lối giảng bài "thầy đọc trò chép”.
Ông cho rằng "nền giáo dục cũng như môn Lịch sử đang bị mất phương hướng giữa sự phát triển của khoa học công nghệ vô cùng nhanh chóng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu".
Vị tiến sĩ cảnh báo nếu không hội nhập với nền khoa học giáo dục thế giới và sử dụng phương pháp, kiến thức, công nghệ mới thì tiếp tục dẫn tới hệ quả chất lượng giáo dục thấp so với khu vực và thế giới; thậm chí nguy cơ đóng cửa hàng loạt các trường ĐH có thể xảy ra trong tương lai.
Ở một môn học “thời thượng” khác là tiếng Anh, hệ quả của lối học nhồi nhét – thụ động cũng được dẫn ra.
TS Lâm Quang Đông, Trưởng Khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho hay khi lên lớp, ông đã “giở hết thủ thuật” áp dụng lối dạy để học sinh tự học và chủ động, nhưng càng gợi mở thì sinh viên càng… im phăng phắc...
"Điều này cho thấy không chỉ môn Sử, mà tất cả các môn phải rèn cho học sinh phương pháp tự học. Đây là lỗi hệ thống" - TS Đông nói.
Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nhận xét, từ năm 1986 đến nay giáo dục Việt Nam càng cải tiến thì giáo dục càng...lùi. Nguyên nhân là do bị kinh tế thị trường chi phối và không tôn trọng cái mình mang lại kiến thức, mang lại khoa học nhưng không được tận dụng - mà cứ lầm lũi theo cách giáo dục của những nước thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 nhưng không có chắt lọc...
"Cho nên, cùng với việc thay đổi phương pháp giáo dục nhồi nhét học trò, áp đặt - cần phải có thay đổi chính sách cho giáo viên và làm rõ trách nhiệm giáo dục" - ông Lâm chia sẻ.
Không khuyến khích tư duy độc lập
Chuyên gia Mai Thị Quỳnh Lan (Trường ĐH Queensland, Australia) đem đến góc nhìn của các nhà tuyển dụng khi tìm hiểu những kỹ năng thực sự cần thiết đối với sinh viên tốt nghiệp để làm việc trong môi trường đa văn hóa của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) ở Việt Nam.
Để có dữ liệu được bà Lan cho biết, đã tiến hành phỏng vấn 17 nhân viên trẻ, 6 giám đốc người nước ngoài, 2 cán bộ quản lý người Việt Nam ở NGO. Kết quả, có ba phẩm chất chung ít được các trường ĐH quan tâm: khả năng tư duy phê phá, khả năng vận dụng trong bối cảnh cụ thể và khả năng điều chỉnh và chuyển hóa kiến thức để đáp ứng được các thách thức của những bối cảnh mới.
"Trái lại, các trường ĐH mới chú trọng truyền đạt kiến thức lý thuyết, hạn chế ứng dụng thực tế. Không khuyến khích tư duy độc lập và thiếu môi trường giao tiếp xã hội" - lời bà Lan.
Bà khuyến nghị các trường ĐH cần khuyến khích sinh viên tham gia vào quá trình tạo kiến thức thay vì chỉ tập trung vào ghi nhớ kiến thức sẵn có..
TS Phạm Thị Thu Nga – Trưởng Khoa Văn hóa -Du lịch (Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận: Bên cạnh kiến thức, trình độ về chuyên môn thì yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp để có thể vận dụng thao tác làm việc ngay đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động cũng không kém phần quan trọng.
"Thêm nữa, trang bị các kỹ năng mềm, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học không chỉ đáp ứng mà còn hội nhập trong môi trường đa văn hóa và đa ngôn ngữ”.
Khoa học giáo dục Việt Nam đứng đâu?
Tham luận của TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) và GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Australia) đem đến "bức tranh" về khoa học giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế thu hút sự quan tâm đặc biệt tại hội thảo.
Bà Ly dẫn liệu phân tích qua các ấn phẩm khoa học trong thời gian 15 năm qua (từ 1996-2010) cho thấy, Việt Nam chỉ có 39 bài báo nghiên cứu về giáo dục được công bố trên những tập san quốc tế có bình duyệt. Con số này thua xa nước láng giềng Thái Lan với 177 bài, và càng bỏ khoảng cách xa với Malaysia (399 bài). Thậm chí đứng sau Bangladesh (68 bài)...
"Số ấn phẩm Việt Nam được đăng tải trên các ấn phẩm quốc tế đồng nghĩa với hạng đứng thứ 14/21 trong các nước Đông Á: Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pakistan, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam, Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ" - lời bà Ly.
Theo bảng thống kê đưa ra, Việt Nam đứng trên các nước Sri Lanka, Brunei, Macao, Nepal, Kazakhstan, Campuchea và Mông Cổ. Chất lượng nghiên cứu về khoa học giáo dục của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong vùng.
TS Ly đưa dẫn chứng chuyên môn cho thấy xét về “chỉ số H” (một chỉ số trong nghiên cứu khoa học), tỷ lệ trích dẫn trên mỗi bài báo của Việt Nam đều đứng hạng 13/14 - chỉ hơn Campuchia.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, theo bà Ly là do hạn chế về kinh phí nghiên cứu, tiếng Anh và văn hóa công bố quốc tế là những yếu tố chính. Đối với lĩnh vực giáo dục, hạn chế trong phương pháp nghiên cứu và năng lực tiếp cận nguồn thông tin của giới nghiên cứu là những rào cản quan trọng...
“Sự yếu kém của khoa học giáo dục Việt Nam thể hiện qua công bố quốc tế đã cho thấy sự bất cập của giáo dục trong việc đổi mới để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa” – TS Ly kết luận.
- Nguyễn Hiền