Ra trường đúng thời điểm kinh tế khó khăn, hầu hết các ngành đều cắt giảm nhân lực, rất nhiều tân cử nhân đành tạm cất bằng đại học, đi làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mỏi mòn chờ việc

Tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Lê Thị Nga hào hứng làm cả chục bộ hồ sơ rồi đi “rải” khắp các công ty tuyển dụng. Ban đầu cô tân cử nhân còn “kén cá chọn canh”, chỉ tìm những nơi đúng chuyên ngành để đầu quân.

Nhưng số nơi tuyển rất ít, những hồ sơ đi mà chẳng có hồi âm, những cuộc phỏng vấn chẳng mấy nhiệt tình của nhà tuyển dụng. Sau vài tháng mòn mỏi chờ đợi thì việc gì Nga cũng nộp hồ sơ, miễn là thấy mình có khả năng đáp ứng, nhưng tình hình cũng không hề cải thiện.

Nga cho biết, cùng lớp đại học với em có 80 bạn đã ra trường, nhưng số người có công việc tạm ổn chỉ chiếm khoảng 10%. Một số bạn đi học lên cao học, còn đa số phải làm đủ việc linh tinh trái sở trường hoặc vẫn đang chờ việc.

Giống như Nga, Nguyễn Thị Hạnh, sinh viên trường Đại học Công đoàn cũng đang sốt ruột vì chưa tìm được việc. Tốt nghiệp từ tháng 6/2012, Hạnh đã mang hồ sơ đi khắp nơi, nộp trực tiếp có, qua thư điện tử có, nhưng đều chưa kết quả.

“Ra trường mà không có việc để làm, trong khi vẫn phải chi tiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống nên áp lực tâm lý rất nặng nề. Nhiều khi em ngại chẳng dám ra khỏi phòng trọ vì sợ mọi người nhìn thấy lại hỏi: Chưa đi làm à?” Hạnh buồn rầu nói.

Cùng chung cảnh ngộ, những ngày tháng này đang rất căng thẳng với Ninh, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từng là một sinh viên giỏi, luôn dẫn đầu lớp Chăn nuôi thú y nhưng ra trường đúng lúc mọi ngành đều cắt giảm nhân lực nên dù có thành tích học tập rất tốt, Ninh cũng vẫn chưa tìm được nơi để “dụng võ”.

Về quê làm công nhân

Sau vài tháng chờ việc ở Hà Nội, Nga quyết định về quê Vĩnh Phúc, làm công nhân cho một công ty điện tử, chuyên làm màn hình điện thoại.

“Mức lương là hơn 4 triệu đồng một tháng, ăn luôn ở công ty ngày 2 bữa, nhưng em phải làm việc đến 12 giờ đồng hồ mỗi này,” Nga chia sẻ.

Thời gian làm việc của Nga bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Buổi trưa chỉ được nghỉ 1 tiếng để ăn, giờ ăn buổi chiều thậm chí có 30 phút. Không quen ăn nhanh nên hầu như ăn xong, Nga chỉ kịp chạy vào thay đồ rồi lại ra làm tiếp, không được nghỉ ngơi.

Giống như Nga, rời giảng đường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô bạn cùng lớp tên Nguyệt cũng về quê Bắc Ninh làm công nhân cho một công ty điện tử chuyên sản xuất tai nghe.

Công việc tuy vất vả nhưng Nguyệt cho biết, em đã quá chán ngán với việc nộp hồ sơ và phỏng vấn, chán ngán với những ngày dài chờ đợi đầy mệt mỏi nên tạm thời, Nguyệt chấp nhận làm công nhân như bao lao động phổ thông bình thường chẳng cần bằng cấp.

Cũng ra trường từ tháng 6/2012, nhưng công việc hiện tại của Trang, tân cử nhân khoa Kinh tế, trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội là công nhân may cho một công ty ở thành phố Thái Bình.

Trang ngậm ngùi nói: “Thời đỗ vào khoa kinh tế, cứ nghĩ ra trường sẽ thuận lợi, nhưng tìm được công việc đúng chuyên ngành bây giờ quá khó. Không thể cứ ăn bám bố mẹ mãi nên em đi làm may như một cách ‘chống cháy’.

Còn với Dung, tân cử nhân khoa Kinh tế, trường Đại học Nông nghiệp, công việc “chống cháy” hiện tại là làm nhân viên bán cửa hàng quần áo cho một hiệu nhỏ trên phố Cầu Giấy (Hà Nội). Ra trường với tấm bằng khá, nhưng đi đến đâu cô cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Dung bảo: “Từ giờ đến cuối năm chắc chẳng mấy nơi tuyển nhân lực nữa. Em cố gắng làm ở đây đến Tết. Hy vọng sang năm mới mọi thứ sẽ sáng sủa hơn.”

(Theo Phạm Mai/ VietnamPlus)