Trên danh nghĩa sự bình đẳng, Chính phủ Pháp đã đề xuất xóa bỏ bài tập về nhà trong các trường tiểu học và trung học. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng bài tập về nhà gây bất lợi cho trẻ em, tuy nhiên chính những người trong cuộc lại không tán thành với ý kiến này.

THÔNG TIN LIÊN QUAN


Trong một nỗ lực nhằm củng cố lại hệ thống giáo dục của Pháp, Tổng thống Hollande đề xuất loại bỏ bài tập về nhà ra khỏi trường học

Đã là 5 giờ 30 phút chiều, bên ngoài trời đang tối dần, cũng là lúc những đứa trẻ ở Trường Tiểu học Gutenberg, quận 15, Paris ào ra khỏi lớp học. Phụ huynh và những người thân của chúng đang đợi bên ngoài. Aissata Toure và em gái cũng đang ở đây. Cô tới để đón cậu con trai 7 tuổi. Toure cho biết cô phản đối đề xuất bỏ bài tập về nhà của Tổng thống Hollande.

“Đó hoàn toàn không phải là một ý hay bởi vì ngay cả khi còn nhỏ, có công việc riêng của mình cũng giúp trẻ trưởng thành và trách nhiệm hơn, và nếu có điều gì không hiểu ở trường, bố mẹ có thể giúp chúng. Bài tập về nhà quan trọng với tương lai một đứa trẻ” – cô chia sẻ quan điểm.

Toure hiện đang sống cùng con trai, em gái và mẹ ở một căn hộ chung cư gần trường học. Có vẻ như đây là một môi trường gia đình có thể đặt trẻ vào thế bất lợi. Tuy nhiên Toure cho rằng mỗi buổi tối cô đều ngồi học bài cùng con, ngay cả khi chính cô cũng đang học trường Luật và cũng có những bài tập riêng của mình.

“Người nghèo muốn có bài tập về nhà vì họ biết rằng trường học rất quan trọng. Nó là cơ hội duy nhất để họ mang lại cho con cái một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu đứa trẻ đó thành công ở trường” – ông Emmanuel Davidenkoff, tổng biên tập tờ L'Etudiant – một tạp chí về giáo dục và trường học Pháp nhận định.

Sự phân cấp của giáo dục

Ông Davidenkoff cho rằng Chính phủ của Đảng Xã hội dường như không hiểu được những lo lắng của tầng lớp trung lưu và lao động và với danh nghĩa của sự công bằng, họ đã đưa ra một đề xuất sai lầm.

“Hầu hết người giàu không muốn có bài tập về nhà vì khi bọn trẻ ở nhà, chúng có thể chơi thể thao, nhảy, nghe nhạc. Chúng muốn tới bảo tàng, đi nhà hát. Vì thế, bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với văn hóa – một thứ rất quan trọng” – ông nói. “Còn ở những gia đình nghèo khó, họ không có những thứ đó, vì thế kết nối duy nhất của họ với văn hóa và trường học là bài tập về nhà”.

Tổng thống Francois Hollande cho rằng bài tập về nhà sẽ đặt trẻ em nghèo vào thế bất lợi, nhưng chính họ lại cho rằng bài tập về nhà là cần thiết để con em họ thành công ở trường

Elisabeth Zeboulon đang ngồi trong văn phòng của mình, phía dưới là một sân chơi. Hiện cô là Hiệu trưởng một trường tư song ngữ ở Paris, nhưng cô dành phần lớn sự nghiệp của mình ở các trường công của Pháp. Zeboulon cho rằng hệ thống giáo dục tập trung của Pháp không có nhiều cơ hội để thử những phương pháp giảng dạy khác nhau.

“Trẻ em ở nơi này khác với nơi kia, ở trường này khác với trường kia, và chúng ta không có nhiều cách thích ứng” – cô nói. “Và bất cứ khi nào họ bắt đầu nói ‘Chà, ở đây chúng ta có thể làm cái này, ở kia chúng ta có thể làm cái kia’ thì sẽ có rất nhiều người nhào đến và nói rằng ‘Hãy nghĩ đi, như thế là không công bằng’”.

Hạnh phúc lan tỏa

Bỏ bài tập về nhà ở trường học chỉ là một phần nỗ lực nhằm giúp trường tiểu học và trung học trở thành một nơi hạnh phúc hơn, thư giãn hơn cho bọn trẻ. Mỗi tuần ở trường sẽ dài hơn – hiện tại, trẻ em Pháp đang được nghỉ vào các ngày thứ Tư – nhưng mỗi ngày lại ngắn hơn. Ở đây bọn trẻ đi học quá muộn nên không có thời gian cho các hoạt động ngoại khóa. Về cơ bản, trường học Pháp là một nơi cực nhọc – Peter Gumbel, tác giả một cuốn sách phê phán gay gắt hệ thống giáo dục Pháp – nhận xét.

“Có rất nhiều áp lực và không có chút vui vẻ nào. Không có thể thao hoặc có rất ít, rất ít các môn nghệ thuật, rất ít âm nhạc. Bọn trẻ hoàn toàn không có một khoảng thời gian vui vẻ” – ông nói. “Và cũng không hề giúp trẻ xây dựng sự tự tin, khuyến khích chúng ra ngoài và khám phá thế giới. Có rất nhiều thứ kiểu như ‘hãy ngồi xuống và chúng tôi sẽ giúp lấp đầy cái đầu trống rỗng của các bạn bằng những kiến thức buồn tẻ và lỗi thời’”.

Ông Gumbel cho rằng có một lý do chủ yếu khác khiến Chính phủ Pháp muốn đưa chính sách trường học trở thành ưu tiên hàng đầu.

“Người Pháp đang nhận ra rằng thành tích của họ trên trường quốc tế đang giảm sút trong 10 năm qua. Người Pháp đang thực sự tệ hơn người Mỹ ở cả môn Đọc và Khoa học”.

Ông Gumbel cho rằng đây là một cú sốc lớn đối với một quốc gia mà từ lâu đã được coi là người đi tiên phong trong giáo dục.

  • Nguyễn Thảo (Theo NPR)