- Hiệp hội các trường tiểu học (Đức) kêu gọi bãi bỏ các giờ tập viết “chữ đẹp” kiểu uốn lượn truyền thống. Thay vào đó, các em học sinh sẽ học kiểu chữ viết mới. Định hướng: Đó là loại chữ giống như chữ in.


Kiểu chữ gây ác cảm suốt mấy chục năm

Ở tuổi 20-30, người viết bài này chứng kiến thứ chữ “cũn cỡn, cứng quèo” được áp dụng ở bậc tiểu học nước ta, thay thế cho thứ chữ truyền thống “uốn lượn, mềm mại, bay bướm”… Trái lại, thứ chữ mới nom “cụt lủn” và thô như… chữ in, bị kết tội “làm hỏng óc thẩm mỹ của cả một thế hệ trẻ”. Nếu cố gượng tìm một ưu điểm, thì nó có lẽ nó đơn giản, dễ bắt chước, dễ viết, dễ đọc.

Khi thứ chữ này bị cả nước lên án, những người liên quan lặn “mất tăm” trước dư luận. Cho đến tận hôm nay! Phải nói cho ngay, thứ chữ cứng quèo này được nhập nội, dù chưa rõ nguồn, nhưng dứt khoát không phải do người Việt nghĩ ra được.

Trên thế giới, có thể bắt gặp một số người viết thứ chữ này, nhưng rất thiểu số. Nội dung viết thường không quan trọng, ngắn. Ví dụ, trên phong bì, bưu thiếp, trên bản ghi nhớ của cá nhân, mảnh nhắn tin, trong sổ tay… Nghĩa là nó hoàn toàn không phổ cập. Đó là những năm máy chữ cơ học chưa phổ biến, máy tính chưa xuất hiện. Chính do vậy, một sáng kiến quá sớm không thể nảy mầm, phát triển. Còn bị tẩy chay nữa…

Học kiểu chữ viết mới


Hiệp hội các trường tiểu học (Đức) kêu gọi bãi bỏ các giờ tập viết “chữ đẹp” kiểu uốn lượn truyền thống. Thay vào đó, các em học sinh sẽ học kiểu chữ viết mới. Định hướng: Đó là loại chữ giống như chữ in. Từng chữ cái đứng riêng - tuy sát nhau - không cần có “bụng”, “râu” và không có cái nét nối các chữ cái lại với nhau. Cũng không có nơ, không có cái “đuôi” đá hất lên ở cuối chữ (như ta vẫn thấy ở chữ viết tay hiện nay).

Tưởng gì ghê gớm, đó chính là thứ chữ bị Việt Nam tẩy chay từ khuya rồi.

Tại trường tiểu học Moers-Repelen kể từ mùa hè năm 2010 đã không còn dạy kiểu chữ viết thường với các nét kết nối nữa; thay vào đó, học sinh học viết kiểu chữ mới. Do "chữ của bọn trẻ ngày càng khó đọc", cô hiệu trưởng Barbara van der Donk nói: "Còn với kiểu chữ mới, ngay từ đầu học sinh được học một dạng chữ viết tay có hình thức rõ ràng, dễ viết và dễ đọc".

Chữ viết tay kiểu cũ đang đi vào quá khứ

Nó đang biến thành… di sản. Có lẽ, cứ 1.000 trang văn bản đang lưu hành hôm nay, may ra mới thấy một vài trang viết tay, mà nội dung thường ít quan trọng, số chữ càng ít. Còn lại, các trang khác toàn là thể hiện bằng chữ in từ máy ra. Từ bộ sách dày cộp ngàn trang tới tờ rơi quảng cáo. Đó là một trong những lý do để người ta thay chữ viết truyền thống bằng chữ viết đơn giản, gần chữ in, để bọn trẻ dễ học, dễ viết, dễ đọc. Chúng chuyển nhanh chóng từ cách đọc, cách viết chữ viết tay sang đọc, viết chữ in. Và chuyển ngược lại.


Tại bang Nordrhein-Westfalen, ngày càng nhiều giáo viên tiểu học dạy học sinh lớp 1 viết kiểu chữ mới, đơn giản. Học xong, lũ trẻ học tiếp sang chữ in rất thuận lợi. Toàn quốc có khoảng một trăm trường theo lời khuyên của Hiệp hội các trường tiểu học: Dạy học sinh viết kiểu chữ mới.

Ông Ulrich Hecker, phó chủ tịch hiệp hội và là hiệu trưởng trường tiểu học Moers nói: “Chữ viết tay kiểu cũ (hiện thời còn thịnh hành) là một gánh nặng mà người ta không cần đến nữa“. Nói khác, phải thay nó bằng kiểu đơn giản, dễ viết, dễ đọc. Nếu năm lớp 1 các em đọc chữ in trong sách, đến năm lớp 2 mới tập viết, lại học thứ chữ “uốn lượn”, khác hẳn chữ in, thì rất tốn công để nhớ 2 kiểu chữ. Ông Hecker nói: "Chúng ta cần tránh cho trẻ em cái đường vòng vèo này“. Trước đó, nếu đã tập đọc bằng sách in, chi bằng khi học viết cũng học luôn thứ chữ “giống như in”.

Một học sinh tiểu học cần khoảng 9 tháng để chuyển việc học từ chữ in (trong sách) sang chữ viết tay. Hai bộ chữ có hình thức khác nhau, nên thực tế trẻ em phải nhận diện tới 108 chữ cái, nhưng nếu cải tiễn chữ viết tay cho giống như chữ in, chúng chỉ cần nhận diện 54 chữ (27 chữ thường và 27 chữ hoa). Thời gian dôi ra - theo ý kiến của Hiệp hội - nên dùng vào những mục đích thiết thực hơn. Đó là: đọc nhiều (cho trơn tru và nhập tâm mặt chữ), viết đúng chính tả và ngữ pháp…

Đã đủ kinh nghiệm để mở hội nghị khoa học

Ông Hecker nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp. Đó là ông BaldurBertling, phát ngôn viên Hiệp hội các Trường Tiểu Học của tiểu bang Nordrhein-Westfalen: "Chương trình học nhồi nhét, chúng tôi rất biết ơn cho mỗi giờ mà chúng tôi có thể cống hiến nội dung”.

"Trước đây, trẻ em ở trường tiểu học có tám giờ tiếng Đức một tuần, trong đó hai đến ba giờ dành cho luyện viết chữ đẹp. Hiện tại chỉ cần có năm. Viết chữ thời nay được dùng trong ngữ cảnh khác. Từ mục đích viết chữ cho đẹp, nay viết chỉ được coi là phương tiện. Kiểu chữ cơ bản mới có đủ tính năng đó: rõ ràng, cho phép tự do cá nhân, nhanh hơn và không bị đau cơ bắp (do nắn nót, tập trung) khi học viết.

Kinh nghiệm và những quy tắc rút ra được đã đủ để thảo luận trong một hội nghị. Những người ban đầu còn e ngại, kể cả phản đối, cũng công nhận ưu thế.

Tại một hội nghị khoa học với 200 đại diện các trường tiểu học tham dự, mọi người đưa ra kinh nghiệm của mình, khoảng 50 người trong số họ đến từ tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Sau một năm thử nghiệm: "Các giáo viên rất hài lòng với chữ viết của học sinh”. Trẻ em không còn bị "tra tấn“, Cô hiệu trưởng van der Donk kết luận.

Sẽ tới lúc chữ viết tay không còn vai trò gì đáng kể

Chữ viết tay sẽ không còn đóng vai trò gì quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, ông Bertling nói.

"Ngày nay, những gì chúng ta cần viết thì phần lớn gõ phím, và nhìn thấy nó dưới dạng chữ in. Nếu nói về cả khía cạnh viết và đọc thì chữ viết tay cổ truyền sẽ dần dần được coi như là một cái gì đó gần như là… ngoại nhập.

Kể từ năm học 2011/2012, các trường tiểu học Hamburg cũng được tự do quyết định sẽ dạy kiểu chữ viết nào cho học sinh lớp 1. Nhưng dù có học viết kiểu chữ gì ở tiểu học, thì sau này các em cũng sẽ rất ít khi dùng đến, ngược lại kỹ năng sử dụng bàn phím nhất thiết phải nắm vững.

Đó là chuyện đang xảy ra ở Đức

Đã đành, chúng ta chủ trương hội nhập toàn diện, không nên khoe (hoặc khăng khăng) Việt Nam độc đáo, không cần bắt chước ai. Khó khăn nằm ở chỗ nước ta còn nghèo, việc huấn luyện, in sách và tiến hành thay đổi cách viết rất không dễ. Chuyện trang bị máy tính phổ cập càng khó. Nhưng khó khăn số một là tâm lý quyến luyến cách viết cũ và gán cho nó vai trò kiến tạo “nết người” - tuy trừu tượng, nhưng hoành tráng.

• Vũ Quốc Dũng
(Đức)