- Con gái tôi tốt nghiệp đại học, đã ra đi làm ở một thành phố xa nhà. Hè, tết nào về nhà nghỉ, cháu và mấy bạn học thời THPT cũng tụ họp tại nhà tôi, cùng nhau “tám”, ôn lại bao nhiêu chuyện cũ thời học trò. Loáng thoáng, bập bõm qua câu chuyện của các cháu, tôi nghe chúng hẹn nhau đi thăm cô giáo cũ, bàn luận nên mua món quà gì cho phù hợp...


Tôi làm nghề dạy học đến nay đã 30 năm, nên cách đây mấy năm, khi cháu nhà tôi thi vào đại học, tôi đã ra sức thuyết phục cháu nên thi vào ngành sư phạm như tôi, vừa nữ tính, nhẹ nhàng, vừa sức, thu nhập ổn định... Nhưng cháu kiên quyết không thi vào ngành sư phạm với một lí do duy nhất: “Hầu như cả lớp con đều rất ghét nghề dạy học. Vì không đứa nào muốn trở thành người như cô giáo X.!”.

Tỉ mẩn hỏi thêm, tôi mới biết cô X. là một giáo viên trẻ, chủ nhiệm và dạy lớp cháu ở cấp THPT. Theo nhận xét của các cháu: lên lớp cô X dạy rất khó hiểu, lại hay tỏ ra khó chịu, cáu gắt, chì chiết khi học sinh hỏi lại những chỗ mình chưa rõ.

Cô X. có mở một lớp dạy thêm ở nhà, và dùng nhiều biện pháp để ép buộc học sinh phải đi học tại lớp dạy thêm của mình. Đầu năm học các cháu đều đăng kí học lớp dạy thêm của cô X., nhưng sau một tháng sĩ số rơi rụng dần, vì các cháu cho rằng cô X dạy khó hiểu. Rồi các cháu tự mình tìm giáo viên dạy thêm và theo lời bạn bè đồn đãi, dần dần rủ nhau đến học lớp dạy thêm của cô Y. – Một cô giáo đã lớn tuổi, dạy ở một trường THPT khác chứ không dạy trường các cháu đang học.

Tuy nhiên, vì cũng sợ cô chủ nhiệm, nên các cháu đành chấp nhận nạp học phí đầy đủ ở cả hai lớp học thêm, trong lúc chỉ đi học lớp của cô Y, vì còn phải dành thời gian học thêm những môn khác nữa... Nhóm các cháu đã theo học thêm tại nhà cô Y suốt 3 năm THPT, và trong kì thi vào ĐH năm đó, cả 5 cháu trong nhóm đều trúng tuyển vào ĐH...

Trở lại câu chuyện, khi nghe các cháu bàn nhau mua quà đi thăm cô giáo cũ, tôi hết sức ngạc nhiên, vì các cháu rất ghét nghề dạy học cơ mà... Cuối cùng tôi mới vỡ nhẽ: cô giáo mà các cháu hẹn nhau đi thăm mỗi khi hè về, tết đến chính là cô giáo Y. – cô giáo tuy chỉ dạy thêm chứ không hề dạy các cháu ở trường chính khóa!

Qua câu chuyện trên, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề cũng cần phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo trong hoạt động dạy thêm của giáo viên hiện nay.

Trước hết, người giáo viên dạy học là truyền đạt kiến thức cho học sinh, bằng một phương pháp sư phạm, nên đòi hỏi GV phải được trang bị kiến thức vững vàng, có phương thức truyền đạt phù hợp, cố gắng để mọi đối tượng học sinh, hầu hết đều có thể hiểu được bài ngay tại lớp. Điều này, những GV có thâm niên thường lợi thế hơn GV trẻ, mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cũng quan trọng không kém, người giáo viên dạy học không phải chỉ đơn thuần chinh phục các em về mặt kiến thức, lí trí; mà phải dạy học bằng cả tình yêu thương, bằng cả tấm lòng. Xem học sinh như con cháu, như người thân của mình, HS sẽ gần gũi với GV hơn, và đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để HS thoải mái, tự nguyện đến với mình, không chỉ trong lớp học thêm mà cả lớp chính khóa ở trên trường nữa.

Người viết bài này, học tiểu học trước năm 1975 ở miền Nam, hồi đó vẫn có lớp dạy thêm (hoàn toàn tự nguyện - tự do, không bị bộ, sở, phòng nào cấm cản gì cả), chứ không phải bây giờ mới có. Thuở ấy, vì mỗi tỉnh chỉ có hai trường trung học (từ lớp 6 – 12) công lập (một của nam sinh và một dành cho nữ sinh) nên việc thi vào lớp đệ thất (lớp 6) lúc bấy giờ khó khăn, cam go, cạnh tranh... có khi còn hơn cả thi vào đại học, cao đẳng bây giờ nữa! Vì nếu hỏng kì thi này, thì học sinh chỉ còn duy nhất một con đường là phải đi học trường tư thục suốt 7 năm trung học tiếp theo mà thôi, mà học tư thục thì rất tốn kém!

Do đó, trong năm học lớp nhất (lớp 5), phụ huynh thường cùng nhau “năn nỉ” các thầy ngoài giờ đến trường, mở lớp ở nhà dạy thêm cho con mình để chúng có thêm kiến thức thi vào trung học. Và việc học thêm hồi ấy là hoàn toàn tự nguyện, thậm chí còn là may mắn nữa, nếu con mình được thầy nhận dạy thêm! Như vậy, đúng như tác giả Khánh Ngọc nhận xét: “Dạy hoàn toàn theo nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh” là một nhu cầu có thật. Mà đã có cầu, ắt khó mà triệt để cấm được cung, chỉ đẩy cung vào chỗ lén lút, dối trá!

Các cấp quản lí giáo dục cũng cần xem xét, chỉnh lí lại quy định về dạy thêm, học thêm cứng nhắc hiện nay, vẫn đang còn theo kiểu tư duy hành chính máy móc, duy ý chí: “Cái gì không quản được thì cấm!”. Nhưng có cấm được chăng? Hay rốt cuộc lại dẫn đến tình trạng nhức nhối đang tồn tại và có nguy cơ lan rộng đại trà khắp mọi cấp học, mọi địa phương: “dạy học sinh nói dối” - phản giáo dục, phản sư phạm.

  • Ths. Đỗ Thành Dương (Trường Dự bị đại học trung ương Nha Trang)