- Với phát ngôn “việc học giả, bằng giả, rồi học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ ra “đường đi” của bằng giả.
Nhưng chặn đường như thế nào, Bộ GD-ĐT phải làm gì sau khi đã “nhờ” Bộ Nội vụ?
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực - đã có cuộc trao đổi với Vietnamnet.
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường nhận xét:
- Câu nói này của bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ rõ thực trạng chỉ cơ quan Nhà nước mới tuyển dụng không theo năng lực mà theo bằng cấp. Chức danh này phải có bằng này, chức danh kia phải có bằng nọ.
Chúng ta thực sự chưa tuyển dụng lao động theo năng lực thực tế, mà còn quá nặng về bằng cấp.
Bằng giả dễ phát hiện, bằng thật học giả mới khó. Bộ trưởng Luận và ngành giáo dục cần làm gì để chấm dứt được tình trạng này, thưa ông?
- Đây là việc rất khó. Nguyên nhân học thật bằng giả đương nhiên là do giáo dục. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do tuyển dụng và sử dụng lao động. Nếu tuyển dụng và sử dụng lao động đúng năng lực thì người học phải học khác và thi kiểu khác. Tuyển dụng và sử dụng như thế nào sẽ người học sẽ học và người dạy sẽ dạy như thế.
Theo tôi, về phần mình, một trong những đổi mới ngành giáo dục cần làm ngay là đổi mới đánh giá.
Hiện nay đánh kết quả học tập, đặc biệt là thi tốt nghiệp, mới chỉ đánh giá theo kiến thức là chủ yếu và đánh giá còn mang tính hình thức, chưa thực sự đánh giá theo năng lực đầu ra và các thầy cô cũng đánh giá quá dễ dãi, bởi vậy, như một “cái ống”, thi vào chừng nào thì tốt nghiệp chừng ấy, trừ những em học không nổi, nợ thi một số môn học mới không được tốt nghiệp. Do vậy, ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đánh giá chất lượng đầu ra để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan và cho ra trường những người lao động có chất lượng. Ngành giáo dục cần xây dựng lại quy chế cũng như vận dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá hiện đại để đảm bảo chất lượng đầu ra cho nhà nước và cho xã hội.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần xây dựng chuẩn năng lực từng chức danh lao động, xây dựng lại quy chế tuyển dụng, sử dụng nhân lực theo năng lực là chủ yếu, bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Hệ thống Giáo dục đào tạo và hệ thống sử dụng nhân lực, nhà trường và doanh nghiệp phải gắn bó với nhau hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng bằng thật - chất lượng giả cũng là nguyên nhân mà đào tạo không đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Ông nhận xét gì về điều này?
- Đúng là đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội.
Mỗi năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra không có việc làm. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp cần lao động nhưng không tuyển đủ, một số doanh nghiệp phải nhập khẩu lao động nước ngoài từ công nhân đến kỹ sư. Đó là nghịch lý. Một trong những nguyên nhân xẩy ra tình trạng này là cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo hiện nay rất mất cân đối. Có những ngành nghề thiếu nhân lực nhưng các trường lại không đào tạo mà lại đào tạo những ngành đã thừa nhân lực trong nhiều năm nay. Lý do chủ yếu là các trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung, không biết được nhu cầu nhân lực các ngành nghề và trình độ để đào tạo cho phù hợp.
Ở nhiều nước, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo. Ở nước ta, các cơ quan quản lý nhân lực của cả nước, của từng địa phương cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm, nên đào tạo không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực.
Bởi vậy, Nhà nước trung ương cũng như địa phương phải đứng ra chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm để làm căn cứ cho các trường tuyển sinh hàng năm cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như của từng địa phương.
Việc không đáp ứng nhu cầu nhân lực, ngoài nguyên nhân từ dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực còn nguyên nhân nào mà bản thân ngành giáo dục phải tự điều chỉnh, chứ không thể trông đợi giải pháp từ bên ngoài?
- Còn nguyên nhân nữa là chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thì họ sẽ không tuyển dụng. Trong thời gian qua, chúng ta phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo quá nhanh, nhiều trường không có đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng cần thiết để đào tạo có chất lượng. Bởi vậy, một tỉ lệ không nhỏ HS/SV tốt nghiệp không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động cần thiết. Bởi vậy ngành giáo dục cần điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của cả nước cũng như từng vùng, từng địa phương.
- Một vấn đề nữa là cần điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo. Có những ngành nghề đầu tư rất tốn kém, chi phí đào tạo rất lớn, nhưng có những ngành như quản trị kinh doanh chỉ cần 1 phòng học và 1 cái micro là thầy giáo đã có thể giảng bài cho một lớp năm bảy chục SV. Trong khi đó, kinh phí Nhà nước cấp bình quân trên đầu SV gần như nhau vì không xác định được chính xác chi phí đào tạo của từng ngành để cấp kinh phí đào tạo cho phù hợp. Do vậy, nhiều trường đua nhau đào tạo những ngành “dễ ăn” để có thể có lợi nhuận cao hơn. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo cần quản lý và điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo kịp thời để đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của xã hội và để giảm tỉ lệ HS/SV tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Trong 5 năm tới có thể thay đổi được hiện trạng không, thưa ông, hay rồi câu nói của Bộ trưởng Luận sẽ lại sớm bị quên lãng?
- Tôi cho rằng để thay đổi được là rất khó, khó vì phải thay đổi cả tư duy lẫn hành động vốn đã ăn sâu nhiều năm trong mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, sớm muộn gì cũng sẽ phải thay đổi, nhưng điều này phụ thuộc vào sự chỉ đạo quyết liệt của Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.
Bài học là Chiến lược giáo dục 2001 – 2010 được làm công phu, họp báo công bố rầm rộ, nhưng sau đó thì chẳng mấy ai nhớ đến nó. Lần này chúng ta có hẳn một Uỷ ban đổi mới do Thủ tướng đứng đầu. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu quyết liệt, quan tâm thích đáng thì sẽ đạt kết quả, còn kết quả tới mức nào thì rất khó để đoán trước được.
Xin cảm ơn ông.
- Chi Mai thực hiện