Sau 70 năm kể từ ngày Chính phủ ban hành sách lệnh về Bình dân học vụ (ngày 8/9/1945), hiện nay cả nước còn trên 2% dân số mù chữ. Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng CNTT vào quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Còn hơn 1,3 triệu người mù chữ, Bộ GD-ĐT nói gì?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, tỉ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 35 của toàn quốc là 98,69%; số người trong độ tuổi 15 - 60 của toàn quốc là 97,73%.

{keywords}

U.40 – U.50 theo học chương trình lớp 2 tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Ảnh tư liệu của Đăng Khoa)

Trung bình mỗi năm cả nước huy động được khoảng 35.000 người theo học các lớp xóa mù chữ, khoảng 22.000 người học theo học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, 13 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng để duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ.

Năm học 2014 - 2015 cả nước có 27.512 người học xóa mù chữ và 12.867 người học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, hơn 18 triệu lượt người học tại các Trung tâm học tập cộng đồng.

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho biết: Tỉ lệ huy động người học xóa mù chữ bình quân là 2,77%, năm học 2014 - 2015 là 2,09%, cụ thể là có 27.512 người học xóa mù chữ/ 1.318.402 người mù chữ.

Theo ông Hinh, hiện nay công tác xóa mù chữ đang có những tồn tại và hạn chế như một số địa phương chưa nhận thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cả cộng đồng. Sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành giáo dục ở địa phương đối với công tác xóa mù chữ không còn ráo riết, quyết liệt như trước… Số lượng người theo học các lớp xóa mù chữ còn rất ít so với số người còn mù chữ.

“Hiện việc vận động bà con tham gia công tác xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp học là công việc khó khăn nhất. Nguyên nhân là do người mù chữ chủ yếu là người lớn tuổi, người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các vùng sâu xa nên ngại đi học. Có thể nói, trước đây vận động 10 người tới các lớp xóa mù chữ còn dễ hơn hiện nay vận động một người” – ông Hinh so sánh.

“Hơn nữa, hầu hết người mù chữ lại thuộc các hộ nghèo, đời sống kinh tế rất khó khăn, do đó lao động để kiếm sống đối với họ cấp bách hơn đi học xóa mù chữ. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi biết chữ lại không có hoặc ít có cơ hội sử dụng tiếng Việt nên rất dễ tái mù chữ”.

“Mặc dù vậy, nếu so sánh với con số chung trên thế giới mà UNESCO đưa ra - 800 triệu người mù chữ trên toàn cầu - thì chúng ta đã đạt được kết quả rất tốt trong công tác xóa mù chữ”.

“Từ năm 2014, chúng ta vẫn tiếp tục tăng chuẩn công nhận xóa mù chữ đối với cả cá nhân và địa phương, để chống tình trạng chủ quan, lơ là và cũng để các cá nhân, dịa phương phấn đấu, quyết tâm đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn”.

Bộ GD-ĐT làm khó các trường?

Đây là nhận định của một thành viên tham gia diễn đàn về giáo dục. Theo thành viên này, hàng năm các nhà trường đều phải thực hiện công tác phổ cập, xóa mù chữ. Việc hoàn thiện hồ sơ là lên được thống kê kết quả, một công việc mà các nhà trường cũng đã làm rất ổn định từ nhiều năm.

{keywords}
Một lớp học xóa mù chữ ở Quảng Ninh (Ảnh tư liệu)

Nhưng từ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các đơn vị thực hiện việc nhập dữ liệu trên phần mềm online tại http://pcgd.moet.gov.vn. Và ngay đầu năm học 2015 - 2016, Bộ đã có công văn yêu cầu các đơn vị bắt buộc phải nhập dữ liệu vào phần mềm online nói trên.

Thành viên này nhận định “Sự phiền toái của phần mềm trên gây ra cho các đơn vị là rất lớn. Cụ thể là: Số lượng đơn vị phải sử dụng lớn. Việc nhập dữ liệu rất khó cho người sử dụng, ví như việc tra mã các trường đã rất khó khăn. Không đối chiếu được trẻ đang học ở nơi khác, vì nơi khác không có trách nhiệm phải trả lời và thời điểm các đơn vị làm là khác nhau. Đặc biệt là thường xuyên không truy cập được, hoặc rất chậm… Một số khó khăn đó đã làm cho người dùng mất rất nhiều thời gian, số liệu thiếu chính xác, gây bức xúc cho các đơn vị”.

“Khi kiểm tra công nhận kết quả phổ cập là trên hồ sơ gốc là Sổ điều tra và Thống kê kết quả chứ không phải kiểm tra trên phần mềm, nên thiết nghĩ Bộ giao quyền tự chủ cho các đơn vị, để các đơn vị chủ động lựa chọn cách làm đảm bảo chính xác, khoa học và giảm tải công việc cho đội ngũ làm công tác phổ cập” – vị này đề xuất.

Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Công Hinh cho biết khi trang web để cập nhật dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mới ra mắt đúng là có hiện tượng bị nghẽn. “Bởi vì có nhiều người cùng lúc truy cập để cập nhật. Tuy nhiên, hiện tại đường truyền đã được nâng cấp. Sau thời gian cấp tập lúc đầu, đến nay các đơn vị cũng đã thực hiện giãn ra, không làm đồng loạt như trước nên trang web vận hành ổn định”.

Theo ông Hinh, “Nhập dữ liệu phổ cập, xóa mù chữ là công việc mới. Với hơn 11 nghìn xã trong cả nước, mỗi xã từ vài nghìn tới cả chục nghìn người, đương nhiên những người thực hiện lúc đầu chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nên chúng tôi không quá thúc ép. Tuy nhiên, các giáo viên, cán bộ chuyên trách sẽ chỉ vất vả thời gian đầu. Sau này, việc áp dụng CNTT vào quản lý sẽ khiến công việc của họ rất nhanh và nhàn”.

“Đương nhiên việc kiểm tra công nhận kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ không thể căn cứ vào phần mềm” – ông Hinh khẳng định. “Tuy nhiên, nếu như trước đây từ xã báo cáo lên cấp trên chỉ là số liệu trên văn bản, còn sổ theo dõi, hồ sơ đều nằm ở xã. Nhưng nay, với CNTT, các cơ quan quản lý theo dõi sẽ thuận tiện hơn. Quản lý trên phần mềm chúng tôi sẽ biết được các xã có làm nghiêm túc, chính xác, có cập nhật đều đặn không...

Còn nói về việc có ý kiến bảo là không đối chiếu được trẻ đang học ở nơi khác, thì đó là do chưa biết cách đối chiếu, vì nếu có tài khoản là có thể xem được thông tin của các đơn vị khác” - ông Hinh hồi đáp.

Ngân Anh