- Đổi mới sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện; là động lực, khát vọng vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân; là việc làm thường xuyên, lâu dài; bắt đầu từ việc nhỏ, diễn ra hàng ngày.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại Lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và Phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 19/10.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đổi mới, sáng tạo trong dạy và học phải được thể hiện bằng các sản phẩm, minh chứng cụ thể, thiết thực, hiệu quả cao nhất, được đồng nghiệp, bạn bè, xã hội tôn vinh, học tập và làm theo.

“Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên hãy bắt đầu ngay từ việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn. Đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế. Ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục và tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp,…”.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, để phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả, ngành giáo dục cần thực sự coi trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.

“Cần có chính sách trọng dụng và khuyến khích đội ngũ giáo viên có năng lực, tâm huyết, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Đây là mấu chốt để khơi dậy tinh thần thi đua sáng tạo đổi mới trong dạy và học, tạo nên môi trường sư phạm văn hóa, nhân văn và tiến bộ. Bộ GD-ĐT cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành theo hướng thực chất”, Phó Chủ tịch nước nhắn nhủ.

Thanh Hùng