- Giảng viên đại học, đồng sáng lập một start-up làm đồ chơi dành cho trẻ em, một trong 15 ứng viên giành học bổng Fulbright năm 2016 – tất cả những chi tiết thú vị này đều hội tụ ở bạn trẻ Nguyễn Việt Hiếu Linh, sinh năm 1991.

{keywords}
Nguyễn Việt Hiếu Linh và những sản phẩm đồ chơi "board game" mà nhóm của em đã làm ra. Ảnh: NVCC

Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, ngay sau khi ra trường, Hiếu Linh trở thành giảng viên bộ môn Kinh tế quốc tế và Marketing của ĐH Tài chính và Quản trị kinh doanh – một trường đại học thuộc Bộ Tài Chính có trụ sở ở Hưng Yên.

Linh nói, trở thành giảng viên là một quyết định khá đối nghịch với tính cách của em. “Bản thân em tính khép kín, không cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với quá nhiều người. Nhưng em nghĩ càng sợ điều gì thì càng phải đối mặt. Từ lúc làm giảng viên, em tự tin hơn rất nhiều khi giao tiếp với người khác. Em có những kỹ năng sư phạm, khả năng truyền tải thông tin sao cho thu hút, kết nối với người nghe”.

Trong quá trình học tập và trải nghiệm của mình, Linh nhận thấy nhiều vấn đề của xã hội có thể được giải quyết bằng cách thay đổi tư duy của con người. Mà sự thay đổi bền vững nhất sẽ xảy ra nếu ta giáo dục và tác động tới trẻ em ngay từ đầu.

Với tâm niệm đó, cộng với khả năng kể chuyện, vẽ tranh của mình, Linh ghép nối tất cả để gây dựng một “start-up” sản xuất đồ chơi “board game” cho trẻ em. Sản phẩm của Linh và 2 người bạn cùng trường là sự kết hợp giữa tính giải trí của trò chơi với những hình ảnh, câu chuyện giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, khả năng tư duy, đồng thời mang tính giáo dục cao. Đó cũng là điểm khác biệt trong sản phẩm của nhóm Linh với các sản phẩm trên thị trường.

{keywords}
Nhóm của Linh kỳ vọng sản phẩm sẽ giúp rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, khả năng tư duy của trẻ. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, Linh nhận thấy những kỹ năng và kiến thức mình có chưa đủ để phát triển sản phẩm một cách tốt nhất. Cậu quyết định nộp đơn cho học bổng Fulbright của Mỹ để tìm kiếm cơ hội đi du học, học chính chuyên ngành phục vụ cho việc phát triển dự án “start-up” của mình sau này.

“Thực sự, em thấy hồ sơ của mình không có lợi thế so với các ứng viên khác, khi mà ngành học ở đại học không đúng với ngành mà em muốn học Thạc sĩ. Tuy nhiên, em cho rằng việc học kinh tế lại là một lợi thế khi làm “start-up”. Học kinh tế giúp em thấy rằng, khi làm sản phẩm cho người khác, mình phải làm cái mà người ta cần, chứ không phải là những cái mình có. Đây là một trong những sai lầm mà các họa sĩ hay mắc phải” – giảng viên trẻ này chia sẻ.

Với kỹ năng ngoại ngữ tốt – 8.5 IELTS cộng với một mục tiêu, một câu chuyện rõ ràng và thống nhất, Linh đã thuyết phục được hội đồng và giành được suất học bổng Fulbright danh giá.

Linh cho biết, hiện cậu vẫn đang trong quá trình tìm và chọn trường, bởi chuyên ngành Kể chuyện qua tranh cũng rất ít trường ở Mỹ đào tạo.

{keywords}
Song song với việc làm "start-up", Linh (bên phải) còn đang là giảng viên của Trường ĐH Tài chính và Quản trị kinh doanh, Hưng Yên. Ảnh: NVCC

“Board game” là một đồ chơi đã rất phổ biến ở các nước, nhưng ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ với các bậc phụ huynh. Tuy vậy, Linh tin rằng một sản phẩm giàu tính giáo dục, giá cả phải chăng như sản phẩm của nhóm em vẫn có một thị trường tốt ở Việt Nam.

Linh từng chia sẻ với hội đồng phỏng vấn về sự ngưỡng mộ của em dành cho văn hóa chơi “board game” ở Mỹ: “Điểm thú vị trong văn hóa “board game” của Mỹ là sự kết nối mọi người với nhau, bất kể họ tới từ hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính hay dân tộc nào. Tất cả đều có thể ngồi cùng chơi, thư giãn và kết nối được với nhau. Em cũng muốn mang văn hóa đó về Việt Nam”.

Linh cũng khẳng định sẽ mang chính sản phẩm của mình sang Mỹ, giới thiệu với tất cả mọi người mà em có cơ hội, bởi trong chính “đứa con đẻ” này là văn hóa Việt: những câu chuyện cổ tích, món ăn và những yếu tố khác đậm tính Việt Nam.

“Một mục tiêu quan trọng của học bổng là trao đổi văn hóa. Mà mục tiêu sâu xa của trao đổi văn hóa là giúp mọi người hiểu rõ nhau hơn. Em sẽ cố gắng để bạn bè quốc tế hiểu về con người, về cách tư duy, về những điều tốt đẹp của Việt Nam, thay vì những ấn tượng mờ nhạt hoặc sai lệch về Việt Nam khi họ chưa có cơ hội được gặp gỡ một người Việt”.

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, giảng viên trẻ cũng cho biết, cậu sẽ chuyển giao lại công việc cho những người sáng lập còn lại trong thời gian đi du học. Sau đó, khi về nước, cậu sẽ đẩy mạnh việc tìm các phương tiện khác để truyền tải những câu chuyện của mình. “Em đang có ý tưởng đưa những câu chuyện của mình thành giáo cụ hỗ trợ việc học tập trên lớp, hoặc có thể đưa những nhân vật của mình vào các mẩu truyện tranh trên những tờ báo dành cho thiếu nhi”.

  • Nguyễn Thảo