Theo hồ sơ vụ kiện, một bà mẹ người Việt đã đồng ý trả 1,5 triệu USD cho một cố vấn tuyển sinh để con gái bà được nhận vào một trường dự bị đại học và một trường đại học thuộc nhóm Ivy League.

Số tiền khổng lồ này được trả cho The Ivy Coach, một công ty “tư vấn giáo dục độc lập” có trụ sở ở Manhattan, Mỹ.

Công ty này có nhiệm vụ hướng dẫn các bậc phụ huynh và con cái họ vượt qua quá trình tuyển sinh để vào được những trường nội trú và đại học danh giá. Người của công ty tư vấn hiện đang kiện hai mẹ con bà Bùi Thị Bưởi vì chỉ trả một nửa số tiền đã thỏa thuận.

Bà Bưởi hứa sẽ trả nốt số tiền còn lại, đổi lại Bev Taylor của The Ivy Coach phải giúp con gái bà là Vinh Ngoc Dao nộp đơn vào 7 trường nội trú và 22 trường đại học, trong đó có Harvard, Princeton và Columbia.

Bà Bưởi hiện đang sống ở Hà Nội, còn cô con gái “là một trong số những người thuộc tầng lớp quý tộc quốc tế”.

Họ cùng với “các quan chức Chính phủ, những người đứng đầu các ngành công nghiệp, người nổi tiếng và hoàng loạt gia đình giàu có trên thế giới và con cái họ” là những khách hàng của The Ivy Coach.

Mức chi phí mà trung tâm này thu của bà Bưởi được cho là cao hơn mặt bằng chung của ngành công nghiệp này – nơi mà các tư vấn viên độc lập ở nhiều nơi thường thu từ 85 tới 350 USD/ giờ và các dịch vụ trọn gói dao động từ 850 tới 10.000 USD – theo một khảo sát hồi tháng 1 của Hiệp hội Tư vấn giáo dục độc lập.

Trong một bài đăng trên blog hồi tháng 2, The Ivy Coach đã đưa ra lời giải thích cho mức phí cao ngất ngưởng của mình.

“Trong những năm qua, nhiều người đã ngạc nhiên với lệ phí của chúng tôi. Một số người đã chế nhạo chúng tôi. Một số người đặt câu hỏi tại sao mức phí của chúng tôi không tương đương với những công ty tư vấn tuyển sinh tư nhân khác” – họ viết.

“Chúng tôi công nhận rằng lệ phí của mình là cao… Các bậc phụ huynh đánh giá nó xứng đáng với sự đầu tư để con cái họ được nhận vào những trường xuất sắc trong khi lẽ ra chúng chỉ được nhận vào một trường khá tốt”.

Công ty này cũng tỏ ra rất tự hào về việc đã tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.

“Chúng tôi mang về tiền và cơ hội việc làm vào nước Mỹ”. Số tiền 1,5 triệu đô la này đã khiến các chuyên gia giáo dục đại học hoảng hốt.

“Ôi Chúa ơi! Thật là trơ tráo” – giáo sư David Bloomfield tới từ Brooklyn và CUNY Grad Center Education đã thốt lên.

“Ý tôi là, điều đó là hợp pháp. Nhưng điều đó thật ghê tởm và không có giới hạn, bởi vì giá trị mà họ mang lại là không rõ ràng” – ông nói thêm.

Luật sư của The Ivy Coach từ chối bình luận về mức phí 1,5 triệu đô la.

“Tất cả những gì họ yêu cầu… là thanh toán cho những nỗ lực và trí tuệ mà họ bỏ ra như đã thỏa thuận” – luật sư Silvia Jordan nói.

Được biết, dịch vụ của The Ivy Coach bao gồm giúp đỡ ứng viên mọi thứ, từ việc viết bài luận tới việc hướng dẫn họ vượt qua những cuộc phỏng vấn, viết thư giới thiệu và “tất cả những khía cạnh khác của quá trình tuyển sinh” – The Ivy Coach viết trong tài liệu của tòa án.

Thỏa thuận của công ty này với bà Bưởi gồm có “giúp con gái bà tìm được đường vào những trường đại học có sức cạnh tranh cao”.

Bà Bưởi đã ký hợp đồng đồng ý trả 1,5 triệu USD để đổi lại con gái bà được nhận vào bất cứ ngôi trường nào, The Ivy Coach cho biết.

Trung tâm này đã giúp Vinh Ngoc Dao được nhận vào Solebury School ở Pennsylvania, một trường dự bị đại học có mức học phí hơn 55.000 USD/ năm.

Bà Bưởi đã thanh toán một phần cho The Ivy Coach, nhưng sau đó tìm cách trì hoãn việc thanh toán nốt phần còn lại cho tới khi các quyết định cho đợt nộp sớm (early-admission) của các trường được đưa ra.

Việc này khiến The Ivy Coach đặt câu hỏi rằng liệu bà có định tôn trọng hợp đồng hay không.

Trong khi đó, cô con gái bà cho biết, mẹ cô thề “chắc chắn” sẽ trả 750.000 USD còn lại, nhưng sau đó lại thất hứa, The Ivy Coach cáo buộc.

Theo hồ sơ vụ kiện, một chia sẻ trên mạng xã hội cho biết Đào đã được nhận vào Dartmouth – một trong số các trường Ivy League – trong đợt nộp sớm. Bà Bưởi và con gái bà hiện không trả lời các tin nhắn.

Thông tin nhận được khá nhiều bình luận của người xem. Một người sau khi đọc bản tin đã nói vui rằng: "1,5 triệu đô la. Tôi đã chọn sai nghề mất rồi". Trong khi một người khác cũng làm tư vấn tuyển sinh thì chia sẻ: "Chà, tôi đã được mở mắt. Tôi chỉ lấy mức phí bằng 1/5 hoặc 1% của con số này".

Một người khác thì cho rằng, số tiền 1,5 triệu đô la này có thể không phải để chi hết cho trung tâm tư vấn, mà có thể một phần trong đó được gửi đến ngôi trường như một khoản hiến tặng. "Các tư vấn viên đại học thường nằm trong ban tuyển sinh của trường để dọn đường cho các phụ huynh ủng hộ trường, nhằm mục đích con họ được xem xét đặc biệt hơn" - người này nói.

Nguyễn Thảo (Theo New York Post)