Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Mexico, Nhật  Bản và Canada là 6 quốc gia đứng đầu về số học sinh phổ thông ở Mỹ và chiếm 78% số học sinh có visa F-1. 

{keywords}

California, New York và Texas là 3 bang được học sinh quốc tế lựa chọn nhiều nhất.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Giáo dục quốc tế (IIE) cho thấy số sinh viên quốc tế đến Mỹ học phổ thông đã tăng gấp 3 lần từ năm 2004 tới năm 2016, lên tới gần 82.000. Trong số này, có một sự chuyển hướng trực tiếp từ việc theo các khóa học trao đổi ngắn hạn sang đăng ký một một trường trung học để có bằng tốt nghiệp ở Mỹ.

Trong khi tổng số học sinh trung học quốc tế ở Mỹ tăng 12% từ năm 2013 tới năm 2016 thì mức tăng trưởng hằng năm lại giảm từ 8% vào năm 2013 xuống 1% vào năm 2016. 

Sinh viên châu Á chiếm phần lớn – 78% học sinh trung học cơ sở ở Mỹ, trong khi châu Âu và Mỹ Latin lần lượt chiếm 9% và 8%.

Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Mexico, Nhật  Bản và Canada là 6 quốc gia đứng đầu về số học sinh phổ thông ở Mỹ và chiếm 78% số học sinh có visa F-1. 

Riêng Trung Quốc chiếm 58% và con số này vẫn tăng đều đặn hằng năm từ 2013 đến 2016. Số học sinh Việt Nam cũng tăng lên mỗi năm, trong khi lượng học sinh từ Hàn Quốc giảm. Xu hướng này cũng tương tự với bậc trung học phổ thông.

{keywords}
Biểu đồ về số lượng học sinh trung học cơ sở nhận visa F-1 năm 2013-2016. Ảnh: IIE

Nghiên cứu mới này được tiến hành bởi IIE nhằm giúp các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách hiểu được mức độ ảnh hưởng của học sinh trung học quốc tế đối với giáo dục bậc trung học của Mỹ cũng như với sự gia tăng các trường trung học nhận những học sinh này.

So với cách đây 3 năm, đã có hơn 500 trường trung học Mỹ nhận học sinh quốc tế, và các trường này có thể sẽ phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để thu hút được đối tượng này. Trong khi học sinh quốc tế vẫn chỉ chiếm khoảng 0,5% trong số hơn 15,5 triệu học sinh phổ thông của Mỹ, nhưng hiện đối tượng này đã có mặt ở cả 50 bang và Columbia.

California, New York và Texas là 3 bang được học sinh quốc tế lựa chọn nhiều nhất ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. California, New York, Massachusetts, và Florida là những bang có số học sinh muốn nhận visa F-1 nhiều nhất. Michigan, Texas, California, và Oregon dẫn đầu về số lượng học sinh có visa J-1 – những đối tượng tham gia vào các chương trình trao đổi trong thời gian dưới 1 năm.

“Ngày càng nhiều học sinh quốc tế tới Mỹ để theo học trung học, với mục đích chuẩn bị cho các cấp học cao hơn ở Mỹ” – ông Rajika Bhandari, trưởng ban Nghiên cứu, Chính sách và Thực tiễn của IIE cho hay. 

“Điều này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các trường trung học và cộng đồng mà họ lưu trú, mà còn có ý nghĩa với cả các trường đại học, cao đẳng mà họ sẽ ứng tuyển”.

Với hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đang theo học đại học ở Mỹ với mức đóng góp 36 tỷ đô la cho nền kinh tế nước này, các trường đại học, cao đẳng hiện đang rất quan tâm tới lộ trình mà học sinh quốc tế chọn các chương trình tú tài, trong đó có các chương trình học tiếng Anh chuyên sâu, nhập học có điều kiện, các trường cao đẳng cộng đồng.

Một ý nghĩa quan trọng khác với giáo dục đại học là các học sinh quốc tế muốn có bằng tú tài ở Mỹ đang đến từ một phạm vi địa lý hẹp hơn. Chính vì thế, các cơ sở giáo dục đại học muốn có sự đa dạng trong cộng đồng sinh viên quốc tế cần phải tiếp tục tìm kiếm ứng viên theo các cách khác.

Khoảng 69% học sinh theo dạng visa J-1 tới từ Đông Á – chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Học sinh tới từ Mỹ Latin và châu Âu ít hơn nhiều, hầu như không có học sinh nào tới từ vùng châu Phi hạ Sahara hay Trung Đông. 

Sự đa dạng về mặt kinh tế của những học sinh này cũng có giới hạn, trong đó chủ yếu tới từ những gia đình có điều kiện chi trả chi phí học tập ở nước ngoài, bởi vì học bổng dành cho học sinh quốc tế ở bậc trung học cơ sở rất hiếm hoi.

Mỹ hiện đang là điểm đến được lựa chọn nhiều nhất của học sinh trung học cơ sở quốc tế - gần gấp đôi quốc gia đứng thứ 2 là Canada và gấp 3 Vương quốc Anh. 

Trong vài năm qua có thể nhìn thấy số học sinh trung học cơ sở tăng lên ở Úc, Canada và Vương quốc Anh. 

Cả 3 quốc gia đứng đầu đều có tỷ lệ tăng trưởng khá đều nhau từ năm 2013 tới năm 2016, trong đó Mỹ tăng 12%, Canada 9% và Vương quốc Anh 7%.

Tuy nhiên, Úc – quốc gia đứng thứ 4 – lại có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian này – 34% từ năm 2013 tới năm 2016.

  • Nguyễn Thảo (Theo IIE)