Dự thảo mới về quy định tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đang được cộng đồng khoa học rất quan tâm. 

Cuộc trao đổi đầu xuân Đinh Dậu với GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, với Vietnamnet là về việc cần điều chỉnh, bổ sung những quy định của bản dự thảo này để triển khai hiệu quả. 

GS Nguyễn Hữu Đức cho rằng vấn đề đang được cộng đồng quan tâm tập trung chủ yếu vào nội dung cần phải có công bố quốc tế trong quy định. 

Theo ông, đây là điểm đổi mới cơ bản, phù hợp với yêu cầu về quy trình và chất lượng sản phẩm của hoạt động khoa học và công nghệ. 

“Nói chung, dư luận đang rất ủng hộ, một số ít thậm chí còn cho rằng cần có thay đổi nhanh hơn và cao hơn nữa. Để đạt được một sự đồng thuận rộng rãi hơn, triển khai khả thi hơn, tôi nghĩ việc phân tích các nội dung của quy định này một cách đầy đủ và toàn diện hơn nữa sẽ rất hữu ích”.

{keywords}
GS Nguyễn Hữu Đức

Xin ông trao đổi thêm theo cách tiếp cận đó.

- Các quy định trước đây về tiêu chuẩn GS, PGS đã giúp đánh giá, công nhận và tôn vinh các nhà khoa học của một thời kỳ khá dài. 

Trong quá trình triển khai, một số tiếp cận hội nhập và quốc tế hoá đã được khuyến khích. Đặc biệt, bộ tiêu chí ấy cũng đã được một số nhà khoa học người Việt thành danh (được phong giáo sư) ở nước ngoài tin tưởng, gửi hồ sơ về xin đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư của ta. 

Bên cạnh các ưu điểm, quy định cũ còn có bốn bất cập cơ bản. Bất cập đầu tiên là sử dụng một bộ tiêu chí duy nhất cho tất các nhóm ngành, lĩnh vực có đặc thù rất khác nhau, chưa phản ánh được sự thống nhất trong đa dạng. 

Một nhiệm vụ được tính điểm nhiều lần, rất thiếu cân đối là bất cập thứ hai. 

Và điều bất cập thứ ba là Luật Giáo dục Đại học đã quy định trường đại học và các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ đều là cơ sở giáo dục đại học nhưng quy định vẫn phân biệt tiêu chuẩn định lượng cho các ứng viên thuộc hai đối tượng này. Thêm vào đó, chức danh GS, PGS cũng được bổ nhiệm cho các đối tượng ngoài các cơ sở giáo dục đại học. 

Và bất cập nữa là tính hội nhập quốc tế của bộ tiêu chí này còn thấp và xu thế bảo vệ, tìm cách duy trì cách làm khoa học riêng cho Việt Nam, một mình một kiểu vẫn còn, làm giảm động lực cống hiến của các nhà khoa học và động lực phát triển của KH&CN nói chung. 

Vậy các bất cập này đã được xử lý  trong quy định mới này như thế nào, thưa ông?

- Thứ nhất, lần này quy định đã có phân chia 2 nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ và nhóm ngành KHXH&NV. Ngoài ra, các chuyên ngành, công trình có tính chất bí mật quốc gia cũng có thể được xét riêng. Theo cách phân chia này thì tiêu chuẩn về số lượng bài báo, sách phục vụ đào tạo… sẽ khác nhau cho mỗi nhóm.

Thứ hai, theo quy định mới thì thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh và chủ trì đề tài nghiên cứu chỉ còn là điều kiện để đánh giá vai trò kiến tạo và tổ chức nghiên cứu của ứng viên, không còn được tính điểm nữa. Đề tài nghiên cứu và đề tài luận án có kết quả tốt sẽ được tính điểm thông qua sản phẩm khoa học do đề tài đó mang lại.

Thứ ba, tiêu chuẩn điểm của giảng viên đại học và cán bộ nghiên cứu bây giờ là như nhau. Các đối tượng khác ngoài các cơ sở giáo dục đại học nếu đủ tiêu chuẩn và có đóng góp xứng đáng sẽ có thể được các trường đại học xét công nhận GS, PGS danh dự chứ không bổ nhiệm chính nhiệm như trước đây nữa.

Thứ tư, như đã nói từ ban đầu, công bố quốc tế không những là một điều kiện bắt buộc mà số lượng tối thiểu cũng được quy định rõ. 

Theo tôi, cũng đã đến lúc chúng ta phải tự giác tham gia văn hoá công bố quốc tế này rồi. Thực ra văn hoá này đã được Quỹ Nafosted quy định cho nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ từ năm 2009, tức là đã khởi động được gần 10 năm rồi. Khối KHXH&NV cũng đã được khuyến khích trong 5 năm qua. Hiện nay, cả Việt nam mỗi năm đã công bố được hơn 3.000 bài báo ISI và Scopus. Các ứng viên GS, PGS là những người đang hoạt động khoa học sung sức nhất, nên đồng thời phải là người có đóng góp được vào cho con số đó.

{keywords}
Tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS sẽ có nhiều thay đổi (Ảnh Văn Chung)

Quy định mới về công bố quốc tế chưa phải là nâng chuẩn 

Công bố quốc tế là vấn đề đang được quan tâm nhiều. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Có quy định về công bố quốc tế mới giúp cho nền khoa học nước nhà phát triển theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Khi đang còn nhiều bất cập trong việc đánh giá nội thì cách đánh giá ngoài đó lại càng cần thiết đối với chúng ta.  

Đây thực chất còn là giải pháp để có được phản biện khách quan của các nhà khoa học trình độ cao đối với các chuẩn mực về đối tượng, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận hiện đại; về những phát hiện mới, đóng góp mới của công trình nghiên cứu. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng yêu cầu mới là quá nhanh và cao. Ý kiến của ông như thế nào?

- Khoa học và công nghệ nước ta đang được đổi mới khá đồng bộ và toàn diện. Như đã nói ở trên, dự lệnh về công bố ISI, Scopus đã được Quỹ Nafosted triển khai lâu rồi. Ngay cả đến lần quy định này vẫn còn có dự lệnh đến năm 2019 mới thực hiện. 

Còn vấn đề tiêu chuẩn cao, tôi tin là nhóm soạn thảo chắc cũng đã có thống kê dựa trên số liệu công nhận GS, PGS những năm gần đây và tiêu chí đó cũng mới nằm ở đỉnh phổ thống kê mà thôi. 

Quy định này theo tôi là chưa nâng chuẩn mà mới cố gắng để đưa số chưa đạt chuẩn phổ trung bình thống kê hiện nay tới đạt chuẩn trung bình và trên trung bình mà thôi. 

Tất nhiên, nếu dịch chuyển được nhóm này thì chuẩn trung bình của cả nước cũng sẽ được dịch lên.

Về tiêu chuẩn công bố quốc tế đối với nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông có băn khoăn gì không?

- Theo tôi, với nhóm ngành này, quy định đưa ra yêu cầu một bài như vậy là quá tối thiểu rồi, gần như là mới chỉ trả lời câu hỏi Có hay Chưa có công bố quốc tế, chứ đã xét nhiều hay ít và có tầm ảnh hưởng của bài như thế nào đâu. 

Trong thực tế thì mỗi hệ thống ISI và Scopus có đến hơn 3.500 tạp chí. Mỗi tạp chí mỗi năm xuất bản hàng trăm bài. Cơ hội xuất bản quốc tế rất nhiều mà. 

{keywords}

Không đổi mới sẽ tự đào thải

Chúng ta đã trao đổi về yêu cầu và trách nhiệm của các ứng viên, còn các uỷ viên các hội đồng - những người cầm cân nảy mực trong quy trình này thì sao, thưa ông?

- GS, PGS đã được bổ nhiệm trước đây phải thực hiện rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ (trong quy định có ghi 6 nhiệm vụ). Sắp tới các cơ sở giáo dục sẽ cụ thể hoá, định lượng hoá nhiệm vụ đó thành các định mức phù hợp với xu thế hội nhập và đòi hỏi đổi mới. 

Chúng tôi phải đáp ứng các đổi mới đó. Đó là danh dự và trách nhiệm. Không đổi mới sẽ tự đào thải. 

Một số các nhà khoa học tiêu biểu trong số đó sẽ được lựa chọn tham gia các hội đồng chức danh giáo sư các cấp. Tôi nghĩ rằng số này cũng cần có các năng lực chuyên biệt nổi trội để có khả năng hoàn thành tốt yêu cầu mới và nhiệm vụ mới được giao. 

Ngoài yêu cầu về khả năng hội nhập và sự công tâm, tầm nhìn và tư duy biện chứng cũng rất cần thiết. 

Nếu cần yêu cầu hoàn thiện thêm cho quy định này, ông sẽ có đề nghị gì?

- Tất nhiên, trước hết là vấn đề tinh chỉnh một số chỉ tiêu, con số cho chính xác và hệ thống. 

Vấn đề ngoại ngữ cần đến chứng chỉ cho đối tượng nào cũng cần cân nhắc thêm, không phải đối với ai, lúc nào cũng bắt buộc đi thi để có chứng chỉ mới hiệu quả.

Vấn đề qui định về hướng dẫn nghiên cứu sinh nên được xem xét thêm về cách tiếp cận. 

Lúc này có lẽ chưa cần tăng số lượng. Đối với một số cơ sở đào tạo, một số ngành việc phát triển quy mô đào tạo tiến sĩ cũng rất khác nhau. Ở đây đặc biệt nên xem xét thêm tiếp cận theo hướng có thành tích đào tạo nghiên cứu sinh mới được bổ nhiệm GS hay bổ nhiệm GS để giao nhiệm vụ hướng dẫn nghiên cứu sinh? 

Tôi thấy ở các nước họ thường theo cách tiếp cận thứ hai: phong GS, bảo vệ habilitation... là để có đủ điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh. 

Nếu theo cách tiếp cận thứ nhất, không nên hạn chế việc hướng dẫn nghiên cứu sinh của các nhà khoa học mới có học vị tiến sĩ. Đặc biệt, tiếp cận cần có nghiên cứu sinh để được công nhận GS đôi khi cũng làm lệch lạc động cơ theo chiều hướng khác.

Xin cảm ơn ông đã có cuộc trao đổi cởi mở. Chúc ông năm mới nhiều sức khỏe và niềm vui.

Ngọc Mai thực hiện