Dự thảo chương trình môn Giáo dục công dân (GDCD) trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hướng đến mục tiêu giáo dục công dân trong thế kỉ 21 và có điểm nhấn là giáo dục kinh tế - tài chính.

Đây là quan điểm chia sẻ GS.TS Vũ Văn Hiền- Nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương về chương trình này.

Đảm bảo tính khoa học, mục tiêu GDCD thế kỉ 21

Các nội dung giáo dục đạo đức, giá trị sống, kĩ năng sống, kinh tế, pháp luật là những nội dung chính ở cả ba cấp học trong chương trình môn GDCD mới. Nội dung được xây dựng theo hướng đồng tâm và phát triển tuyến tính, mở rộng và nâng cao dần từ tiểu học và THCS đến THPT.

Những chủ đề nội dung môn học thiết thực, hiện đại, gắn với thực tiễn, với các sự kiện có tính thời sự trong đời sống đạo đức, pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hoá của địa phương, đất nước và thế giới.

Định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS được quán triệt trong tất cả các thành tố của chương trình môn học từ mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt cũng như các định hướng về phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học cho từng bài học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất, đảm bảo tạo điều kiện cho GV và HS phát huy vai trò chủ động, sáng tạo cũng như điều kiện dạy và học của từng địa phương.

Phương pháp dạy học khuyến khích HS được trải nghiệm, khám phá, chú trọng rèn luyện cho HS tìm kiếm và thu thập thông tin, học cách phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề.

Chương trình đã tích hợp nhiều nội dung giáo dục mới, thể hiện rõ cách tiếp cận giá trị và tiếp cận liên ngành. Các mạch nội dung giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, kinh tế, tài chính, pháp luật từ lớp 1 đến lớp 12 đều được xây dựng xoay quanh các giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và đảm bảo tính thực tiễn, tính sư phạm, phù hợp với điều kiện kinh tế, truyền thống văn hoá, sự đa dạng của các đối tượng HS xét theo phương diện vùng miền, điều kiện và tâm lí lứa tuổi.

Chương trình còn tích hợp các nội dung giáo dục cần thiết khác như: giáo dục môi trường, giáo dục di sản, bình đẳng giới, giáo dục sức khoẻ vị thành niên, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục tài chính,… Những nội dung này phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Chương trình nhằm tạo sự chuyển biến cho người học và người dạy về ý thức tự bảo vệ các giá trị, các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân... góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

{keywords}
 

Đổi mới trong giáo dục kinh tế - tài chính

Nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nên HS cần được giáo dục các kiến thức nền tảng, cốt lõi về kinh tế.

Thực tế, hiện nay thanh thiếu niên Việt Nam còn thiếu hiểu biết nhiều về kinh tế, tài chính. Nhiều em chưa hiểu được giá trị của sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu; không có kỹ năng sử dụng tiền hiệu quả; chưa được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn việc tự quản lý tiền; kỹ năng giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về tài chính chưa được đề cao… dẫn đến nhiều hậu quả về kinh tế và xã hội.

Dự thảo chương trình GDCD mới xác định mục tiêu đúng đắn nhằm giáo dục cho HS kiến thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết về kinh tế và quản lý tài chính; giúp HS nhận thức đúng về giá trị của tiền và sức lao động, biết sử dụng tiền một cách đúng đắn và hiệu quả, biết phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để ra quyết định chi tiêu đúng đắn, từ đó giúp học sinh xác định mục tiêu công việc và tài chính bản thân trong tương lai, sống trách nhiệm hơn với tình hình tài chính của gia đình ở hiện tại.

Các mạch nội dung chủ đề kinh tế và tài chính được xác định khá hợp lí, hiện đại, phù hợp tâm lí, nhận thức lứa tuổi và đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, để dự thảo chương trình được hoàn thiện thêm, ban soạn thảo cần điều chỉnh một số nội dung ở tiểu học cho phù hợp hơn với lứa tuổi HS; Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng GV và tham khảo thêm ý kiến nhận xét của GV trực tiếp giảng dạy môn học này để chương trình mới được thực hiện có hiệu quả, đặc biệt về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.

GS.TS Vũ Văn Hiền