Cô gái trẻ 24 tuổi cần sự trợ giúp để trả lời câu hỏi "Canh cua nấu với rau gì?" trong chương trình "Ai là triệu phú" khiến người xem dở khóc dở cười gây bão mạng suốt từ tối hôm qua. Nhưng cô bé này chưa chắc đã phải là người duy nhất không thể trả lời câu hỏi đó.

Chuyện cũng… bình thường thôi

Khá nhiều phụ huynh tỏ ra không lấy gì ngạc nhiên về chuyện trẻ con bây giờ chẳng biết nấu nướng.

“Chuyện cũng thường thôi. Các con chỉ biết học và chơi. Lớp 12 không biết thái thịt ngang thớ, kỹ năng dùng dao kém vì mẹ không cho sờ vì sợ đứt tay…” – chị Thu Quỳnh (Hà Nội) bình luận.

{keywords}
Những hình ảnh đẹp đẽ này thực ra khá hiếm hoi (Ảnh minh họa từ Internet)

“Các con chỉ học những kỹ năng cao siêu, biết cách cầm bình xịt cứu hỏa qua giờ học ở trường nhưng ở nhà quen dùng bếp từ nên thấy bếp ga có lửa ở nhà khác là hét lên như cháy nhà”.

Chị Quỳnh tiếp câu chuyện “Hôm nấu ăn với bọn lớp của con trai, lớp 8 rồi, mình đố chúng nó “Quả dứa chúng ta hay ăn là bộ phận nào của cây dứa?”, người lớn có thể không biết đâu, nhưng có đứa trả lời đúng luôn là hoa của cây dứa, vì nó biết qua sách vở lý thuyết.

Chúng nó còn “mơ mộng” tới mức hôm đó nhìn quả dứa khía mắt sọc sọc, cứ như chưa từng thấy bao giờ vì đứa nào cũng trầm trồ bảo “Như tác phẩm điêu khắc”.

Rồi hôm 20/10 cả lũ con gái lớp con trai về nhà mình làm bánh, nhất định không nhờ tới mình, tự làm theo công thức trên mạng. Chúng nó làm được hẳn 2 khay tiramisu to. Mình về nếm thử thấy chúng nó… quên cho đường”.

Chị Lan Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) thì kể bài học xương máu của mình. Hai vợ chòng bận rộn, chị thuê giúp việc từ khi sinh con. Tự nhận “có cung nô bộc”, chị hay tìm được những người giúp việc rất tử tế, ở được vừa lâu vừa làm tốt công việc nên mọi việc gần như phó thác hết cho giúp việc. Chị rất hài lòng khi hàng ngày về tới nhà cơm nước đã sẵn sàng, hai con đã được giúp việc tắm rửa sạch sẽ.  

Cho đến khi hai đứa trẻ đều hơn 10 tuổi, kinh tế đã ổn định, chị cũng chuyển được công việc đỡ bận rộn hơn, có nhiều thời gian ở nhà hơn, thì mới giật mình khi quan sát những gì xảy ra hàng ngày.

“Hai đứa đi học về, bác giúp việc cho chúng nó thay quần áo rồi hỏi chúng nó muốn ăn gì, uống gì. Sau đó, hai đứa ngồi chơi, bác giúp việc đưa đồ ăn tận tay. Cần gì, chúng nó lại “Bác ơi…”. Đến muốn uống nước chúng nó cũng “Bác ơi…” dù bình nước ngay cạnh đấy.

Hoặc khi ăn miếng cam, thấy con kì kèo bác giúp việc “Miếng cam này còn hột, sao bác không lấy ra hết đi” trong khi chúng chỉ việc nhằn hạt ra là được, còn bác giúp việc rối rít “Ừ, bác xin lỗi, để bác lấy ra cho” thì chị đâm lo.

“Chúng nó được cái ngoan ngoãn, học giỏi, giúp việc thì quá chu đáo, nhưng việc gì con cũng kêu ca nhờ vả thì không ổn chút nào. Mình thuộc loại trâu cày, từ nhỏ chẳng nề hà bất cứ việc gì, nên mới lo được cuộc sống như hôm nay…”. Từ đó, chị mới lập kế hoạch để hướng dẫn các con những kỹ năng căn bản nhất trong cuộc sống.

Tôi thấy một điều kỳ lạ là nhiều phụ nữ đảm đang khéo léo vô cùng, nhưng con cái lại vụng thối vụng nát. Chả lẽ, các chị không thấy là nhờ các chị khéo nên gia đình các chị mới vận hành trôi chảy, còn để con vụng thế sau này chúng nó lo cho cuộc sống riêng của chúng nó thế nào?” – anh Trần Bách (Quận 3, TP.HCM) than thở.

Anh Bách đưa ra câu chuyện của vợ chồng một người bạn. Hai vợ chồng chỉ có một cô con gái, chị lại không phải đi làm, nên bao nhiêu việc nhà chị “cáng” hết không để con động vào.

Ngay từ nhỏ, cô bé đã được chị “hầu” như công chúa. Lúc nhỏ chỉ có việc chơi, lớn lên thêm việc học.

Và kết quả, con bé học rất giỏi nhưng không biết làm bất cứ việc gì. Lớp 12 mà ngay cả cắm nồi cơm điện hay rán trứng, luộc rau cũng không biết làm.

“Hôm tôi tới thăm anh bạn bị bệnh, chị vợ ngồi tiếp chuyện, “nhờ” con pha cốc trà cho khách thì nó hết hỏi trà cát ở đâu đến “Cho vào cốc cao hay cốc thấp hả mẹ?” tới “Cho nước lạnh hay nước ấm vào hả mẹ?”... Chị vợ ngượng quá đành phải đứng dậy vào bếp làm”.

{keywords}

Ảnh minh họa từ Internet

Học vào lúc nào? Học để làm gì?

“Bận đến mấy thì bận, Tôi cho rằng ít nhất mẹ phải dạy được cả con trai con gái nhặt rau rửa bát, giữ vệ sinh giới cho con gái, biết trả nguyên trạng nhà vệ sinh cho người dùng sau, cư xử ý tứ, ăn trông nồi... Nói chung để không thành vô duyên.

Bố dạy con trai galant với phụ nữ qua việc xách đồ cho mẹ, cách ra vào thang máy… Những việc này bố mẹ dạy là tốt nhất, qua những tiếp xúc hàng ngày, chứ đưa tới những lớp học kỹ năng được vài ba buổi rồi về không thực hành thường xuyên là quên ngay” – chị Quỳnh đưa kinh nghiệm.

Nhưng nhiều phụ huynh cũng có các lí do để “đổ lỗi” cho việc con mình không biết nữ công gia chánh.

Nhìn đi nhìn lại, có một số lí do “đáng thông cảm” như chị Lan Anh trình bày: “Con mình cũng hầu như không biết làm gì, chỉ biết mấy việc như quét nhà, rửa bát, gập được quần áo, còn nấu nướng thì bó tay toàn tập.

Ngày con còn nhỏ, lớp 3 lớp 4, mình đã từng hướng dẫn con cách nhặt rau, vo gạo cho vào nồi cơm, đong nước ra sao. Cũng nghĩ rằng con lớn lên một chút nữa thì sẽ cho nó tập nấu nướng.

Nhưng càng lớn thì lịch học càng dày… Suốt tuần là học, 6h sáng dậy đi học chính khóa đến tận chiều, rồi 6h chiều học thêm. Cuối tuần học đàn. Rồi còn bài tập trên lớp. Nên nó còn tí thời gian nào hở ra là mình muốn cho nó nghỉ, việc dạy nấu ăn cứ lần lữa mãi dù mình biết là cần thiết”.

Nhưng cũng có mẹ tỏ ra rất thoáng. Chị Kim Phượng bày tỏ quan điểm: “Theo mình, con gái không biết nấu nướng cũng không sao. Diễn viên Angelina Jolie kia kìa, không biết nấu mà vẫn được… ngưỡng mộ.

Bây giờ mình đầu tư cho con học hành, thành thạo ngoại ngữ, tin học, giao tiếp tốt, cộng với văn hóa giỏi, rồi sau này cho đi du học, kiếm công việc tốt. Việc nữ công gia chánh, mình chỉ cần hướng dẫn con làm sao có… gói mì là không đến nỗi chết đói.

Việc gia đình sau này nếu cần, có thể tìm người giúp việc, để thời gian sau lúc kiếm tiền mà nghỉ ngơi, làm đẹp, đi du lịch, chơi với chồng con… Tôi chỉ mong cuộc sống con gái mình diễn ra như thế ”.

Phương Chi